Doanh nhân Việt: Cần tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Cứ 10 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có tới gần 8 DN rút khỏi thị trường. Chưa bao giờ DN Việt lại khó khăn như hiện nay. Tâm thế của DN lúc này không chỉ lo chuyện 'cơm, áo, gạo, tiền' trước mắt mà còn khởi nghiệp tái cấu trúc theo hướng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt với đại diện giới doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: CP)

Cơ hội trong khó khăn

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) nhận định, sau đại dịch COVID-19, DN đang phải tiếp tục đương đầu với những khó khăn mới, thậm chí có mặt còn nặng nề hơn. Nhiều DN thiếu đơn hàng, thiếu vốn, tồn kho gia tăng, khả năng thanh khoản kém…

“DN đang gặp khó khăn chồng chất, không ít DN buộc phải rút khỏi thị trường. Các DN còn hoạt động cũng cầm chừng, nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải người lao động, có DN “chết lâm sàng”… Trong những khó khăn của DN, có khó khăn là tức thời, nhưng có những khó khăn về cơ cấu, là những khó khăn dài hạn…” - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định.

Trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay (13/10), ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết xác định quan điểm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, tốc độ tăng trưởng DN đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Số liệu thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, cả nước có trên 160 nghìn DN được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số DN rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh là gần 122 nghìn DN. “Con số này cũng có nghĩa tính bình quân cứ 10 DN được thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có tới gần 8 DN rút khỏi thị trường. Đây là tỷ lệ DN rút khỏi thị trường lớn nhất trong nhiều năm qua. Bình quân một tháng có tới 15 nghìn DN rời khỏi thị trường…” - ông Lộc bình luận.

Bên cạnh đó, quy mô DN thành lập mới cũng đang suy giảm cả về số vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy DN Việt Nam đang nhỏ đi…

Không chỉ khó khăn về thị trường, Bộ KH&ĐT cũng đã tổng hợp đầy đủ các khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách và kiến nghị trong báo cáo giải pháp với các Bộ, ngành. Trong đó nổi lên là việc hoàn thuế VAT, các rào cản pháp lý, hay các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện...

“Hiện kinh tế nước ta và thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn, các DN lại càng khó khăn. Nhưng bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn cũng tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch COVID-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam đón nhận “làn sóng” các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới. Vậy Việt Nam nên làm gì, các doanh nhân, DN Việt Nam cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển từ trật tự kinh tế mới, từ các xu thế phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn?” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trăn trở.

Nhiệm vụ kép

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp đã có những nỗ lực tháo gỡ, hỗ trợ DN với những giải pháp cả về quy mô và tính chất đều chưa từng có trong tiền lệ. Tuy vậy, tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó lường và những khó khăn nội tại của nền kinh tế dồn tụ trong nhiều năm vẫn đang bộc lộ ngày càng rõ.

“Sức của Nhà nước là có hạn, trong khi khó khăn của DN phải đương đầu là vô cùng lớn. Vì vậy, tâm thế của DN lúc này là không trông chờ, ỷ lại mà “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. DN Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cuộc “vượt cạn” mang tính chất sinh tử để tồn tại, để cứu mình, giữ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Lại một lần nữa, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng DN doanh nhân phải được đề cao…” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Vị chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ DN, doanh nhân đang phải thực hiện nhiệm vụ kép: Trụ vững để vượt qua khó khăn “cơm, áo, gạo, tiền” trước mắt và khởi nghiệp tái cấu trúc theo hướng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững, để vượt lên.

Theo đó, các DN, dù ở cấp độ nào cũng phải rà xét lại mình từ tầm nhìn, chiến lược, đến cấu trúc, công tác quản trị nguồn nhân lực, công nghệ, sản phẩm, bạn hàng, đối tác, thị trường... để định hướng cho việc cơ cấu lại theo yêu cầu đổi mới sáng tạo, kinh doanh có trách nhiệm hơn, thực hiện chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, phát triển bền vững…

Trước đó, chia sẻ các đề xuất của Bộ KH&ĐT về các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gửi gắm: “Cộng đồng DN cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước…”.

“Vừa cạnh tranh vừa hợp tác để cùng phát triển”

Trách nhiệm của doanh nhân rất vinh quang nhưng cũng thật nặng nề. Chưa bao giờ DN đối mặt với nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay. Những khó khăn còn có thể kéo dài sang năm tiếp theo nhưng chính trong giai đoạn nhiều thách thức này, doanh nhân và DN nhận thấy rõ hơn giá trị cốt lõi, nền tảng trong hoạt động sản xuất.

Mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc để chọn lựa chiến lược, điều chỉnh phương thức, cách đi phù hợp với tình hình thực tế, sứ mệnh của quốc gia, xứng đáng với vị thế của đất nước. Mỗi DN, doanh nhân cần xác định vai trò của mình trong việc chung tay phát triển cộng đồng của mình. Các cụ xưa đã từng dạy “buôn có bạn, bán có phường”, nhất là trong thời điểm hội nhập hiện nay, chúng ta vừa cạnh tranh vừa hợp tác để cùng phát triển…

Trong vai trò của mình, vừa tham gia tổ chức của doanh nhân, vừa là Chủ tịch Hội đồng DN hàng đầu, tôi nhận thức vai trò, trọng trách của mình lớn hơn, cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa các DN để cùng nhau phát triển…

(Ông Trần Bá Dương - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco).

My My

Đồng hành, chia sẻ cùng xã hội…”

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn 2 năm đã khiến chúng tôi “khổ sở”, dù không có khách nhưng vẫn phải duy trì số lượng xe, bảo dưỡng bảo trì xe, trả lương nhân công.

Sau COVID-19, hàng loạt các khó khăn khác phát sinh, từ hậu quả của dịch bệnh và đặc biệt là kinh tế suy thoái. DN khó khăn, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân cũng giảm sút, nguồn khách của chúng tôi từ đó cũng giảm theo. Cùng với đó, một loạt khó khăn về giá xăng biến động, một loạt chi phí tăng cao, trong khi giá cước vận tải giảm… Tuy nhiên, chúng tôi xác định, trong thời buổi khó khăn chung, DN cần đồng hành, chia sẻ cùng xã hội, từng bước tháo gỡ để vươn lên…

Để duy trì ổn định DN, ổn định đời sống người lao động, ngoài việc “thắt lưng buộc bụng”, giảm những chi phí bất hợp lý. Chúng tôi tập trung đầu tư vào những nội dung cốt lõi như chi phí nhân lực, hoạt động vận tải. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu mới của hành khách, thực hiện bảo dưỡng bảo trì xe, bảo đảm công tác an toàn trong từng chuyến đi....

(Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (thương hiệu xe Sao Việt).

Minh Hữu

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doanh-nhan-viet-can-tinh-than-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-post491635.html