Doanh nhân Việt kiều Úc trồng rau thủy canh ở Sài Gòn

Vườn rau sạch sản xuất bằng phương thức thủy canh rộng gần 10.000 m2 ở quận 2 của doanh nhân Việt kiều Peter Hồng (Úc) và cộng sự đầu tư năm 2015, đã trở thành mô hình trồng rau đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Ông Peter Hồng

Ông Peter Hồng

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện, ông Peter Hồng đã xác định hướng phát triển xuyên suốt là phải sử dụng công nghệ, quy trình hiện đại, chặt chẽ. Từ máng trồng rau, hạt giống, hệ thống tưới, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói… rau đều được nhập về từ các nước tiên tiến và có chất lượng tốt. Tất cả rau, quả đều được trồng trong nhà kín để phòng tránh côn trùng; không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng. Nguồn nước sử dụng phải thông qua kiểm định hằng tháng bởi Viện Pasteur TPHCM.

Không dừng lại ở việc phát triển vườn rau, ông Peter Hồng cùng cộng sự còn đầu tư nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều thiết bị, vật dụng cho công nghệ trồng rau thủy canh nhà kín. Doanh nhân này luôn mong muốn phát triển rộng mô hình trồng rau thủy canh và sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, các hợp tác xã.

Sinh ra và lớn lên ở Canađa, Kimble Ngô (kiều bào Canada) từ bỏ công việc đã làm 7 năm tại một ngân hàng lớn ở Singapore để trở về Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ blockchain.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã mong một ngày sẽ trở về Việt Nam để kết nối người thân, họ hàng và quê hương của mình. Cơ hội lập nghiệp ở Việt Nam rất nhiều, tiềm năng rất dồi dào, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp về phát triển công nghệ mới cho đất nước. Tôi cũng tin tưởng nhiều bạn trẻ kiều bào khác sẽ trở về nước giống như mình để dành những tâm huyết và sự cống hiến cho quê hương” - chàng trai gốc Việt tâm sự.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm TPHCM đón khoảng 30.000 bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình tại Việt Nam. Hơn hai năm nay, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Thành phố đã chi từ ngân sách khoảng 90 triệu USD cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ, không chỉ về tài chính, mà còn là kiến thức, kinh nghiệm. Lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng TPHCM, Việt Nam trở thành thành phố, quốc gia khởi nghiệp.

U.P

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nhan-viet-kieu-uc-trong-rau-thuy-canh-o-sai-gon-1375566.tpo