Doanh nhân Việt Nam chịu áp lực nhiều hơn doanh nhân nước ngoài !

Chi phí lao động: Việt Nam có chi phí lao động rẻ, nhưng tiền lương công nhân chưa phản ánh hết bản chất vấn đề, quan trọng ở đây là năng suất lao động, cùng một đồng tiền lương chi phí bỏ ra thì lợi ích mà người lao động mang lại cho ông chủ là bao nhiêu. Một công ty tại nước ngoài có thể chỉ thuê rất ít lao động nhưng họ chủ yếu điều khiển máy móc nên tạo ra năng suất lao động cao hơn hàng trăm hoặc tới cả ngàn công nhân làm thủ công. Có những ngành thì chi phí lao động rẻ tại Việt Nam là lợi thế,nhưng có những nghành thì nó lại chính là bất lợi so với việc hiện đại hóa bằng máy móc hiện đại, vì người chủ phải quản lý một lượng lớn lao động để tạo ra năng suất lao động tương đương.

- Thủ tục hành chính . Các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam cũng tốn kém khá nhiều thời gian cho việc xử lý các thủ tục hành chính, khi thời gian giải quyết các thủ tục hành chính mất nhiều thời gian sẽ tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp và làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Việt Nam đang trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, nhưng so với các nước Phương Tây thì các doanh nhân Việt Nam mất nhiều thời gian và công sức để giải quyết thủ tục hành chính hơn nhiều lần so với doanh nhân nước ngoài. - Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh bao hàm cả cơ sở hạ tầng về giao thông và công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa tốt cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn giản như việc tuyển dụng nhân sự, nếu những công ty trong khu Công nghiệp tại Hải Dương muốn tuyển lao động chất lượng cao tập trung ở Hà nội thì cũng rất khó khăn, vì lao động ngại đi xa, tuy nhiên việc đi làm ở nước ngoài hàng ngày tới 100km là chuyện bình thường, đồng thời có nhiều dịch vụ và nguyên liệu ở Việt Nam chưa có khiến các doanh nghiệp thường phải tìm hiểu và nhập ở nước ngoài - Chi phí lãi vay: Chi phí vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp Việt Nam thường khá cao, điều này do lãi tiền gửi huy động cao và tình hình làm phát cao hơn nước ngoài. Đây cũng là áp lực đối với doanh nhân Việt Nam khi họ phải lãnh đạo doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận cao hơn vốn vay ngân hàng. - Ổn định kinh tế vĩ mô: Tình hình biến động kinh tế ảnh hưởng khá nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện ở nhiều mặt từ việc giá cả biến động thất thường, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thay đổi bất thường, khó dự báo và doanh nghiệp khó xác định được hướng đi kinh doanh dài hơi, điều này doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt và xử lý nhiều hơn so với doanh nghiệp tại nước ngoài. - Văn hóa kinh doanh: Tại Việt Nam văn hóa kinh doanh cũng làm cho doanh nhân cảm thấy nhiều áp lực hơn. Kinh doanh dựa vào quan hệ và tình cảm, nên buộc cách chủ doanh nghiệp phải mất khá nhiều thời gian và công sức cho chi phí quan hệ, tính cam kết và tính chính xác trong xử lý công việc, và độ trung thực của đội ngũ nhân viên chưa cao nên buộc các doanh nhân phải vất vả hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, ít phân quyền và phải dùng nhiều hơn các chiến thuật khác nhau để kiểm soát, tránh những bất ổn trong doanh nghiệp. Như vậy, doanh nhân Việt Nam chịu áp lực nhiều hơn các doanh nhân nước ngoài trong kinh doanh. Tuy nhiên, người nước ngoài cũng tìm kiếm được khá nhiều cơ hội kinh doanh ở Việt Nam với lợi thế và vốn, trình độ quản lý và công nghệ, họ vẫn tìm được những mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, hấp dẫn Nguyễn Hồng Hải Nguyên Phó TGĐ Ngân hàng OceanBank

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/doanh-nhan-viet-nam-chiu-ap-luc-nhieu-hon-doanh-nhan-nuoc-ngoai/ct-410810