Doanh số bán giảm, ngành ô tô đối mặt với thách thức

Doanh số bán xe ô tô sụt giảm mạnh trong tháng 1/2023, giá xe giảm sâu, điều này dự báo một năm khó khăn của thị trường xe trong nước.

“Ế” xe nguyên nhân do đâu?

Mặc dù nhiều người lạc quan cho rằng do nghỉ Tết dài nên lượng xe bán ra giảm nhưng đã xuất hiện những lo lắng. Từ quý IV năm 2022, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã cho thấy, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường xe Việt trong (xét riêng với xe du lịch) là 104.735 xe, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tháng 12/2022 có sản lượng tiêu thụ thấp nhất, chỉ với 36.348 xe, giảm 34,02% so với cùng kỳ.

Ghi nhận từ thực tế, các hãng xe đều đã nỗ lực đưa ra các chương trình khuyến mại giá trị cao (tùy mẫu và phiên bản) để kích cầu thị trường ngay từ các tháng cuối năm 2022, tuy nhiên, sang đến năm 2023, tình hình thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và tiếp tục suy giảm nghiêm trọng hơn. Trong tháng 1/2023 ghi nhận sản lượng tiêu thụ xe du lịch tại Việt Nam giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, doanh số bán hàng tháng 1/2023 của toàn thị trường đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với tháng 1/2022. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 1/2023 gồm xe 14.036 du lịch; 3.174 xe thương mại và 104 xe chuyên dụng.

Doanh số bán giảm, ngành ô tô đối mặt với thách thức

Doanh số bán giảm, ngành ô tô đối mặt với thách thức

Doanh số này so với tháng 12/2022 đã giảm sút mạnh trên tất cả các phân khúc. Cụ thể, doanh số xe du lịch giảm 49%; xe thương mại giảm 59% và xe chuyên dụng giảm 62% so với tháng 12/2022. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 xe, giảm 54% so với tháng 12/2022 và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 xe, giảm 48% so với tháng 12/2022

Với riêng các thành viên VAMA, doanh số bán hàng tháng 1/2023 được công bố là 13.998 xe, giảm 53% so với doanh số bán tháng 1/2022 và giảm 54% so với doanh số bán tháng 12/2022. Các thành viên ngoài VAMA cũng ghi nhận tình trạng bán hàng không khả quan trong tháng 1/2023.

Do sức mua thị trường sụt giảm nhanh ngoài dự báo khiến hàng tồn kho tại showroom và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động. Chị Nguyễn Thúy Hằng - Phụ trách bán hàng của một doanh nghiệp phân phối xe có trụ sở trên đường Phạm Văn Đồng- Hà Nội cho biết, doanh số ô tô tháng 1 sụt giảm hơn 40% do nhu cầu tập trung vào tháng 12/2022 cũng là tháng kết thúc chương trình hỗ trợ 50% đối với xe lắp ráp trong nước. Hơn nữa cuối tháng 1 lại rơi vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên người dân và doanh nghiệp dồn tiền mặt cho Tết. Ngoài ra, sau Tết thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm đến hết quý 1 theo chu kỳ hàng năm.

Bên cạnh đó, việc một số hãng xe tăng giá từ 1/1/2023 dự phòng chi phí đầu vào tăng chóng mặt, tỉ giá neo cao, lãi suất cho vay tăng 40% so với thời điểm quý 3/2022 cũng là nguyên nhân khiến tình hình tiêu thụ xe sụt giảm mạnh.

Theo nhiều đại lý, trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công. Lâu dần, những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động – việc làm, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội của người dân.

Tiêu thụ ô tô còn gặp khó

Anh Nguyễn Huy Thịnh – Phó Giám đốc Công ty An Phát Khánh cho biết, thị trường ô tô hiện đang bị ảnh hưởng rất nhiều do xảy ra tình trạng dồn ứ hàng từ năm 2022. Để “giải quyết” nguồn hàng tồn của năm cũ trước khi hàng của năm 2023 ra, nhiều hãng xe đã phải giảm mạnh để kích cầu tiêu dùng. Cụ thể như dòng xe Veloz Cross, nhiều cửa hàng đã phải giảm đến 60 triệu đồng/xe. Ngoài ra, còn được tặng kèm 20 triệu đồng các phụ kiện xe đi kèm. Các loại khách giảm từ 30 đến 50 triệu và thêm 20 triệu phụ kiện

Thực tế cho thấy, nhiều đại lý chấp nhận cắt lỗ từ 5-10 triệu đồng/xe. Vì nếu lượng hàng tồn không được đẩy đi, trong khi hàng mới của 2023 ra thì nguy cơ đến cuối năm 2023, lượng xe của năm 2022 sẽ lỗ thậm chí gấp 2-3 lần. “Một trong những lý do khiến thị trường ô tô ế ẩm một phần là do tình hình tài chính của người dân hậu dịch gặp nhiều khó khăn. Trong khi lãi suất vay mua xe cũng tăng cao hơn khoảng 2% so với trước kia” - Anh Thịnh cũng chỉ ra.

Cũng theo anh Thịnh, lượng hàng tồn hiện nay chủ yếu là các dòng sản phẩm xe tầm trung. Tuy nhiên, ngược lại, đối với dòng xe sang thì lại khó mua do lượng hàng nhập về rất khan hiếm. Dự đoán tình trạng thị trường xe ô tô sẽ tiếp tục ảm đạm đến cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều đại lý bán ô tô cũng cho hay, những tháng đầu năm 2022, khi sức mua ô tô của người dân tốt thì gặp phải tình trạng thiếu chíp nên lượng xe bán ra bị hạn chế. Từ giữa quý 3/2021 trở đi, lượng xe cung cấp của các hãng đã ổn định hơn do khắc phục được tình trạng thiếu linh kiện thì việc cho vay tín dụng tiêu dùng bắt đầu xuất hiện khó khăn, khiến việc bán xe gặp những trở ngại nhất định.

Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, bên cạnh việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh, những yếu tố tác động từ khủng hoảng kinh tế, không được hỗ trợ lệ phí trước bạ, theo chu kỳ tiêu dùng ở Việt Nam, lượng tiêu thụ ô tô thời điểm trước Tết Nguyên Đán khoảng 1-2 tháng thường tăng mạnh và bắt đầu giảm sau nghỉ lễ là một trong số những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ ô tô giảm sút.

Về góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Quân thông tin, các doanh nghiệp vận tải hiện đã có những định hướng đầu tư phương tiện vận tải trong năm 2023, trong đó có định hướng đầu tư vào phương tiện xanh, sạch với môi trường. Trước bối cảnh hiện nay, cần có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp về lãi suất cho vay, hay chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp đối với xe thương mại nhằm đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn tổng quát, sản lượng tiêu thụ xe ô tô bắt đầu suy giảm đột ngột từ quý IV/2022, bất chấp sự cải thiện đáng kể về nguồn cung linh kiện cũng như tăng trưởng kinh tế vĩ mô được ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu của VAMA cho thấy, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường trong quý IV/2022 (xét riêng với xe du lịch) là 104.735 xe, giảm 14,25% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thấp nhất là vào tháng 12/2022.

Theo dự báo trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững. Trước thực tế bán hàng giảm sút, các doanh nghiệp ô tô buộc phải giảm giá, tăng hỗ trợ trong đó nhiều đơn vị hỗ trợ phí trước bạ để kích cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ về lãi suất cho vay để kích thích tiêu dùng đối với xe du lịch và giảm chi phí cho doanh nghiệp đối với xe thương mại góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy lộ trình giảm thuế nhập khẩu nhanh hơn để giảm giá thành xe; giảm các loại thuế phí trong ngắn hạn 6 tháng để kích cầu; đồng thời, các đại lý cần có các chương trình bán hàng chiết khấu mạnh tay hơn để đẩy hàng trong ngắn hạn 3 tháng.

Trang Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-so-ban-giam-nganh-o-to-doi-mat-voi-thach-thuc-242394.html