Doanh thu ký mới của Xây dựng Coteccons (CTD) có thể đạt 20.000 tỷ/năm trong 3 năm tới

Nhờ sở hữu các lợi thế về năng lực thi công, tài chính và chiến lược kinh doanh mới, doanh thu ký mới của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD) trong 03 năm tới có thể lên tới 20.000 tỷ đồng/năm.

Sở hữu lượng backlog “khủng” và lợi thế tài chính lành mạnh

Khối lượng backlog của Xây dựng Coteccons tính đến cuối năm tài chính 2023 đã lên tới 20.000 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1 năm tài chính 2024 (tương ứng quý 3/2023), Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 4.124 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Qua đó, lãi ròng của doanh nghiệp này đạt 66 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 3,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất kể từ quý 1/2021 của doanh nghiệp này.

Trong năm tài chính 2024, Xây dựng Coteccons đặt kế hoạch doanh thu thuần 17.793 tỷ đồng và lãi ròng 274 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 lần và 5,2 lần so với năm trước. Như vậy, sau quý đầu tiên, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn 23% mục tiêu doanh thu và hơn 24% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo đánh giá gần đây của một số tổ chức tài chính, Xây dựng Coteccons nhiều khả năng sẽ thực hiện được kế hoạch kinh doanh “khủng” trên nhờ khối lượng công việc lớn và sức khỏe tài chính vượt trội mặt bằng chung.

Cụ thể, tính đến hết năm tài chính 2023, khối lượng công việc còn tồn đọng (backlog) của Xây dựng Coteccons đã lên tới 20.000 tỷ đồng, bằng 1,37 lần tổng doanh thu năm 2022. Trong giai đoạn phát triển nhất của doanh nghiệp này (2015 - 2019), lượng backlog cũng chỉ đạt khoảng 20.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kể từ năm tài chính 2023, Xây dựng Coteccons đã thay đổi các tính backlog theo giá trị hợp đồng thực tế thay vì ghi nhận cả giá trị của các biên bản ghi nhớ (MOU) như giai đoạn trước. Qua đó, qua đó, tạo ra tăng trưởng doanh thu bền vững hơn, kèm theo chi phí và rủi ro thấp hơn trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản mới đang ở đầu chu kỳ phục hồi, nhiều chủ đầu tư vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Xây dựng Coteccons sở hữu tình hình tài chính lành mạnh nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết mảng xây lắp. (Nguồn: BCTC các doanh nghiệp, BSC Equity Research tổng hợp)

Về năng lực tài chính, Xây dựng Coteccons đang sở hữu nhiều lợi thế. Tính đến cuối quý 1 năm tài chính 2023, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ ở mức 14%, thấp nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết mảng xây lắp. Bên cạnh đó, Xây dựng Coteccons nắm giữ lượng tiền và đầu tư ngắn hạn lớn (hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản).

Những yếu tố trên cho phép Xây dựng Coteccons cung cấp các hợp đồng xây dựng với các điều khoản hỗ trợ chủ đầu tư, cũng như không cần phải phụ thuộc nhiều vào đồn bẩy tài chính để thực hiện dự án, tạo điều kiện ký kết được thêm các hợp đồng mới.

Xây dựng Coteccons kỳ vọng nguồn thu lớn từ dòng vốn FDI

Dự phóng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp của Xây dựng Coteccons trong năm tài chính 2024 và 2025. (Nguồn: BSC Equity Research)

Trong bối cảnh mảng xây dựng bất động sản dân dụng ảm đạm, Xây dựng Coteccons đang đẩy mạnh mảng xây dựng công nghiệp. Tỷ trọng lượng công việc xây dựng công nghiệp trong tổng backlog của Xây dựng Coteccons đã tăng từ mức 14% vào cuối năm 2022 lên 33% vào cuối năm tài chính 2023 (quý 2/2023).

Bên cạnh đó, Xây dựng Coteccons đã có kinh nghiệm làm việc với các chủ đầu tư nước ngoài lớn, nhất là trong bối cảnh làn sóng FDI đang tích cực chảy vào Việt Nam. Điển hình, Xây dựng Coteccons là nhà thầu duy nhất được LEGO lựa chọn cho siêu dự án trị giá 1 tỷ USD. Trong quý 1 năm tài chính 2023, Xây dựng Coteccons cũng đã hợp tác với Foxconn để thực hiện dự án nhà máy tại Bắc Giang với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang xây dựng với tiến độ rất tốt, được đánh giá rất là cao từ chủ tư Lego. Hi vọng dòng vốn FDI sẽ đem lại lượng việc xây dựng lớn”, ông Võ Hoài Lâm - Tổng giám đốc Xây dựng Coteccons cho hay.

Dự phóng doanh thu mảng xây lắp của Xây dựng Coteccons trong năm tài chính 2024 và 2025. (Nguồn: BSC Equity Research)

Xem thêm: "Chủ tịch Xây dựng Coteccons: Giá cổ phiếu CTD hiện chưa phản ánh đúng giá trị và tiềm năng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, Xây dựng Coteccons cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài do đơn giá xây dựng tại các thị trường nước ngoài cao hơn Việt Nam. Theo hãng tư vấn xây dựng Arcadis (Hà Lan), đơn giá xây dựng tại các quốc gia trong khu vực ASEAN trung bình cao hơn Việt Nam lần lượt 79%, 49%, 80% đối với các loại hình xây dựng dân dụng, thương mại, công nghiệp.

Hiện BSC Equity Research nhận định, trong giai đoạn năm tài chính 2024 - 2026, giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Xây dựng Coteccons sẽ duy trì quanh mức 20.000 tỷ đồng. Cùng với lượng backlog 20.000 tỷ đồng sẵn có, doanh thu của doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 17/11, thị giá cổ phiếu CTD đạt 62.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 150% so với thời điểm đầu năm nay - chạm mức cao nhất 18 tháng qua.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/doanh-thu-ky-moi-cua-xay-dung-coteccons-ctd-co-the-dat-20000-tynam-trong-3-nam-toi-113943.htm