Doanh thu ngàn tỷ của Zara và H&M khi đổ bộ vào Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu tại Việt Nam của Mitra, đơn vị phân phối Zara tại Việt Nam đạt 592,8 tỷ rupiah, tương đương khoảng 950 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017

Bên ngoài một cửa hàng của Zara.

Chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 8/9/2016, cửa hàng đầu tiên của Zara mở ra đúng theo công thức thành công mà thương hiệu thời trang này áp dụng trên toàn thế giới: Sang trọng, thời thượng nhưng vừa tiền.

Một mặt bằng 2 tầng với tổng diện tích lên tới 2.400m2, đặt trong một trong những tụ điểm mua sắm lớn nhất TP.HCM là Vincom Center được lựa chọn, trưng bày tất cả các bộ sưu tập mới nhất của Zara.

Không lâu sau, hãng thời trang Tây Ban Nha đặt thêm một cửa hàng khác tại Hà Nội. Một mà ‘chào hỏi’ ấn tượng không kém với mặt bằng rộng tới 4.500m2 với 3 tầng nằm tại Vincom Center Bà Triệu.

Sự xuất hiện của Zara đánh dấu cuộc đổ bộ của các hãng thời trang “mì ăn liền” vào Việt Nam. Cuối năm 2017, H&M ra mắt tại Việt Nam. Vào sau Zara, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, H&M đã mở được 4 điểm bán, 2 ở TPHCM và 2 ở Hà Nội.

Mitra Adiperkasa, tập đoàn bán lẻ của Indonesia, đơn vị nhận phân phối Zara tại Việt Nam, lần đầu tiên nhận phân phối Zara ở bên ngoài lãnh thổ Indonesia. Ngay trong chuyến ‘xuất ngoại’ đầu tiên, Mitra đã thu về những tín hiệu khả quan.

Báo cáo doanh số của tập đoàn này cho biết, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu tại Việt Nam đạt 592,8 tỷ rupiah, tương đương khoảng 950 tỷ đồng. Con số này tăng trưởng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017 (khoảng 400 tỷ đồng).

Việc Zara đạt xấp xỉ doanh thu 1.000 tỷ đồng chỉ với 2 cửa hàng trong nửa đầu năm 2018 biến Việt Nam thành thị trường quy mô lớn thứ 2 của Mitra, chỉ sau sân nhà Indonesia. Ngoài Zara cho biết, Mitra còn sở hữu các công ty con phân phối các thương hiệu khác của Inditex như Massimo Dutti, Bull & Bear, Stradivarius,…

Trong khi đó, H&M với 3 cửa hàng hoạt động mang về 127 triệu SEK (koran Thụy Điển), tương đương 322 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 5 năm 2018. Trong đó, doanh thu 3 tháng gần đây giảm khoảng 13% so 3 tháng đầu khi H&M mới vào Việt Nam. Thương hiệu này mới mở thêm điểm bán hàng thứ 4 hôm 28/7 và có kế hoạch mở thêm 2 điểm nữa tại Hà Nội và TP.HCM.

Kết quả kinh doanh cho thấy vẫn có sự phân hóa giữa các thương hiệu thời trang tại Việt Nam, tương tự với những gì đang xảy ra trên toàn cầu. H&M dù có số cửa hàng nhiều hơn nhưng quy mô doanh thu thấp hơn nhiều so với Zara. Điều này cũng được lý giải bởi mặt bằng giá sản phẩm của H&M thông thường thấp hơn so với Zara khoảng 20-30%.

Zara là một trong số ít các công ty may mặc lớn vẫn duy trì tăng trưởng trong môi trường thời trang cạnh tranh đầy khốc liệt. Năm 2017, Inditex, công ty mẹ của Zara, công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 7% và doanh thu quý gần đây vẫn tiếp tục tăng. Chiến lược "không nhà thiết kế, phân tích dữ liệu lớn để tìm xu hướng, liên tục ra các bộ sưu tập mới" biến Inditex thành một cỗ máy hoạt động không ngừng.

Trong khi đó, đối thủ H&M có kết quả trái ngược. Hãng thời trang đến từ Thụy Điển này phải vật lộn khá khổ sở với lợi nhuận hoạt động sụt đến 62% trong quý đầu tiên của năm 2018. Tháng 6 này, báo cáo doanh số của H&M tiếp tục dậm chân tại chỗ trong quý thứ 2 liên tiếp.

Mặc dù vậy, việc 2 thương hiệu thời trang nổi tiếng đạt doanh thu ngàn tỷ đồng chỉ sau thời gian ngắn có mặt tại Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn của thị trường. Với dân số trẻ, quy mô 100 triệu người và thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho những hãng bán lẻ thời trang.

Sau Zara, H&M, Uniqlo, thương hiệu thời trang của Nhật Bản cũng đang “đánh tiếng” chuẩn bị đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-thu-ngan-ty-cua-zara-va-hm-khi-do-bo-vao-viet-nam-1534744010857.htm