Độc đáo áo dài nam Việt Nam qua các thời kỳ

Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam mà còn là của nam giới. Theo một số nhà nghiên cứu, áo dài nam ra đời trước áo dài nữ và có nhiều thay đổi trong những năm qua.

Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, từ 7/9, toàn thể cán bộ công chức, người lao động của sở này mặc áo dài trong ngày thứ hai đầu mỗi tháng. Đây là việc làm tiên phong nhằm phục hồi truyền thống mặc áo dài Việt xưa.

Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, từ 7/9, toàn thể cán bộ công chức, người lao động của sở này mặc áo dài trong ngày thứ hai đầu mỗi tháng. Đây là việc làm tiên phong nhằm phục hồi truyền thống mặc áo dài Việt xưa.

Theo đó, áo dài nam là trang phục truyền thống của đàn ông Việt Nam. Khi khoác lên người bộ trang phục này, nam giới toát lên phong thái chỉn chu, nghiêm trang và đĩnh đạc.

Theo một số nhà nghiên cứu, áo dài nam ra đời trước áo dài nữ. Qua thời gian, áo dài nam có những thay đổi, cách tân phù hợp với tình hình xã hội.

Áo dài nam truyền thống nguyên vẹn ban đầu từ thời chúa Nguyễn có 5 thân, 5 cúc và cổ áo đứng nên thường được gọi là áo dài ngũ thân. Trang phục áo dài ngũ thân gồm: 2 tà trước, 2 tà sau và 1 tà ở giữa. Áo dài được phân thành nhiều loại khác nhau nhưng cơ bản có hai loại là áo dài tay thụng và áo dài tay chẹt.

Năm thân của áo dài nam giới là số tượng trưng cho trời đất hoặc tứ thân phụ - mẫu và bản thân của mình. Năm nút áo tượng trưng cho ngũ thường của Nho giáo là: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.

Cuốn “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có nhắc đến việc Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Trung Hoa).

Theo đó, áo dài dành cho nam giới có sự cách tân so với áo dài ngũ thân. Trang phục này chuyển may theo kiểu mới có hai vạt dài quá gối và cài nút bên phải.

Trang phục truyền thống này thường được may bằng các loại vải gấm (dành cho giới thượng lưu) và chất liệu sa, the mỏng… dành cho giới trung lưu. Khi mặc áo dài, nam giới thường sử dụng kèm thêm một chiếc khăn quấn để bộ trang phục trở nên hoàn hảo.

Đến đầu thế kỷ 20, áo dài dành cho nam giới không còn được may rộng. Thay vào đó, trang phục may nhỏ lại, được bóp eo, không may tay liền như áo dài truyền thống và tà áo nhỏ vừa người.

Trong những năm gần đây, áo dài nam được cách tân mang phong cách trẻ trung, hiện đại, sang trọng nhưng vẫn mang đậm sự duyên dáng của trang phục truyền thống.

Áo dài dành cho nam sử dụng nhiều màu sắc nổi bật như trắng, vàng đồng, xanh... kèm theo những họa tiết tinh xảo mang lại sự trẻ trung, lịch lãm cho người mặc.

Mời độc giả xem video: Áo dài nét đẹp truyền thống người Việt. Nguồn: VTC10

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/doc-dao-ao-dai-nam-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-1433038.html