Độc đáo bộ sưu tập đơn đề nghị trợ cấp sáng tác của văn nghệ sĩ

Những lá đơn đề nghị trợ cấp sáng tác viết từ thời bao cấp gợi nhớ về giai đoạn khó quên trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.

Bộ sưu tập đơn đề nghị trợ cấp sáng tác kể về câu chuyện các văn nghệ sĩ chật vật tìm nguồn kinh phí duy trì sức sống cho tác phẩm của mình. Một giai đoạn lịch sử trong những năm đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

Ký ức về thời kỳ bao cấp

Anh Chiêm Ích Cao (38 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đang sở hữu hàng trăm hiện vật là đơn thư, giấy tờ liên quan đến hoạt động sáng tác văn học của các nhà thơ – nhà văn trong những năm 80 của thế kỷ XX.

Anh Chiêm Ích Cao quan niệm, việc sưu tầm giấy tờ, đơn xin trợ cấp liên quan đến văn nghệ sĩ lưu giữ một phần ký ức của văn đàn Việt Nam trong những năm khó khăn. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Chia sẻ về cơ duyên sưu tầm đơn thư của văn nghệ sĩ, anh cho biết: “Trước đây có người anh tặng cho tôi lá thư tay của một nhà thơ nổi tiếng được viết vào năm 1980. Trong thư, nhà thơ nói chi phí đi lại trong quá trình đi thực tế bị thiếu hụt và đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam hỗ trợ để ông hoàn thiện tác phẩm của mình. Từ đó, tôi bắt đầu có ý tưởng sưu tầm những mẫu đơn tương tự như vậy”.

Anh cho biết thêm, vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, kinh tế và đời sống xã hội còn muôn vàn khó khăn. Trước tình hình chung đó, người nghệ sĩ phải ráo riết lo cái ăn, cái mặc, chạy vạy miếng cơm manh áo mỗi ngày nên chất lượng tác phẩm của họ cũng suy giảm đáng kể.

Nếu như giai đoạn này mọi giao dịch của người dân đều thực hiện theo chế độ tem phiếu, người làm nghệ thuật muốn duy trì sức sáng tác phải làm đơn xin trợ cấp và gửi đến Hội Nhà văn. Những lá đơn vì thế đã thay mặt văn nghệ sĩ nói lên gian nan, chông gai trên bước đường sáng tạo ra phẩm văn học.

Dòng chữ được nhà thơ Xuân Diệu ghi vào ngày 7-10-1982 xin trợ cấp sau khi hoàn thành thiên tiểu luận về Tản Đà và Á Nam Trần Tuấn Khải. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Phần lớn các lá đơn nằm trong bộ sưu tập của anh Cao đến từ các nhà văn – nhà thơ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Nguyễn Khải, Tế Hanh, Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Chu, Hoàng Nhuận Cầm… Nhiều hiện vật ghi lại những khó khăn như thiếu chi phí di chuyển đến các vùng miền khác để lấy ý tưởng, cần vay mượn tiền duy trì tác phẩm, hỗ trợ sinh hoạt phí sau mấy tháng chỉ ngồi ở nhà để sáng tác…

“Ngày nay khi đọc lại từng dòng chữ được viết nắn nót từ cách đây ba bốn mươi năm, tôi cảm nhận tâm hồn người nghệ sĩ cũng có lúc phải dao động bởi hiện thực cuộc sống. Những ghi chép đó còn phản ánh phần nào bức tranh xã hội Việt Nam trước Đổi mới. Những lá đơn, thư viết tay chứa đựng câu chuyện đáng nhớ, những ký ức khó quên để người đời sau ghi nhớ về thời khắc khó khăn nhất của lịch sử văn học Việt Nam” – anh Cao tâm sự.

Đau đáu vì sưu tầm ít được quan tâm

Anh Cao chia sẻ: “Có khi đọc một vài dòng trong mấy lá đơn của nhà thơ Xuân Diệu đề nghị cấp tiền để tiếp tục sáng tác, tôi thấy được ngòi bút nắn nót, phong thái nhã nhặn lãng mạn, một tâm hồn nhạy cảm được thể hiện trong từng câu chữ. Mình thấy trong lá đơn đó còn chứa đựng câu chuyện về đời sống, là cảm xúc riêng của tác giả mà cả một thế hệ chưa chắc có thể hiểu được”.

Tuy có sự quan tâm với loại hình sưu tầm này, anh Cao cũng gặp nhiều khó khăn trong việc gom góp tài liệu. Anh cho biết giấy tờ liên quan đến văn nghệ sĩ thường có số lượng rất ít, thậm chí độc bản. Có nhà văn khi họ mất đi thì con cháu trong nhà đem bán hoặc tiêu hủy nên việc sưu tầm trở nên khó khăn hơn. Có loại tài liệu được viết cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, tồn tại đến hôm nay thì cũng trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc mờ chữ.

Hiện nay, số lượng người sưu tầm và có cùng đam mê với anh Cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước thực tế về một loại hình sưu tầm, lưu giữ văn hóa đang thu hẹp lại, anh mong muốn sẽ có một cuộc trưng bày những hiện vật của anh để lan tỏa niềm đam mê đến các bạn trẻ. Anh hy vọng, bộ sưu tập nhỏ này sẽ là những nỗ lực cần thiết để lưu giữ những ký ức cho lịch sử dân tộc trong thời đại công nghệ hiện nay.

Văn sĩ đề nghị hỗ trợ nhà thơ Yến Lan

Bức thư viết chung, nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Vương Linh và nhà văn Nguyễn Thành Long

Trong một bức thư viết chung, nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Vương Linh và nhà văn Nguyễn Thành Long cùng gửi đến Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam để khẩn cấp hỗ trợ nhà thơ Yến Lan đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Quy Nhơn.

Trong thư có đoạn mô tả bệnh tình của nhà thơ Yến Lan đang chuyển biến rất nặng: “Suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể nặng, hồng cầu chỉ còn hơn 2 triệu, đáng lo nhất là anh Yến Lan có triệu chứng tâm thần”.

Cuối thư, người viết thư tha thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lương hưu cho nhà thơ để có chi phí điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt Xô (Hà Nội).

Văn nghệ sĩ được nhận lương cứng Nhà văn Ngô Minh, trong quyển “Sống thời bao cấp” đã cho biết đời sống văn nghệ sĩ trong giai đoạn này cũng có phần dễ thở hơn so với mọi người vì được nhận lương cứng như công chức nhà nước. Mỗi tháng, các nhà văn – nhà thơ đều nhận nhiệm vụ sáng tác theo kế hoạch cho từng đề tài và không phải lo chuyện không có nguồn tiêu thụ tác phẩm. Tác phẩm khi vừa được phát hành thì sách sẽ được phân phối ngay đến các thư viện trên cả nước.

Một số hình ảnh đơn của các văn nghệ sĩ khác:

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết vào ngày 23-11-1982: Đề nghị cấp quỹ để sáng tác tập thơ sau khi ông ký hợp đồng với Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Đơn chép tay của nhà văn Lê Lựu, tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Sóng ở đáy sông”, đề nghị Hội Nhà văn trợ cấp kinh phí đi lại giữa Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia để hoàn thiện tập truyện ngắn và ký có nội dung về bộ đội rèn luyện, chiến đấu bảo vệ tổ quốc vào năm 1983. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Nhà văn Đoàn Giỏi viết trong thư vào ngày 15-5-1983, xin khoản trợ cấp viết sau 3 tháng làm việc tại nhà. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Kịch tác gia Học Phi gửi đơn đến Ban công tác hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngày 16-3-1984 đề nghị hỗ trợ 4.000 đồng tiền bồi dưỡng, chuẩn bị cho chuyến đi thực tế tại đồn điền cao su miền Nam. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Nhà thơ Đỗ Chu xin vay thêm 2.000 đồng sau đợt vay 600 đồng hồi tháng 1-1982, Mục đích dự trù kinh phí đi thực tế biên giới phía Bắc và miền Nam để hoàn thành tác phẩm mới. Đơn được ông viết vào 7-11-1983. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Sau đợt ốm nặng, tác giả Võ Quảng gửi xác nhận thời gian đi thực tế của ông và báo tin vui đã nhận được trợ cấp sáng tác từ Hội đồng quỹ sáng tác. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, xin trợ cấp khó khăn để hoàn thành đúng thời hạn bản thảo tập thơ “Tái bút của người lính” gồm 40 bài và nộp cho nhà xuất bản vào tháng 11-1986. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Đơn chép tay của của nhà văn Phan Tứ vào ngày 3-1-1987, khi đó ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong đơn, nhà văn đề nghị Ban thư ký Hội Nhà văn hỗ trợ cho việc viết tiểu thuyết dài và vừa của 3 hội viên là Phan Tứ, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi nhằm phục vụ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/doc-dao-bo-suu-tap-don-de-nghi-tro-cap-sang-tac-cua-van-nghe-si-post729658.html