Độc đáo 'gà bay' trong mâm cúng rằm tại miền Trung

Nếu không tự nuôi được gà, mỗi gia đình trong dòng họ tại miền Trung lại tự mua những chú gà trống hơn 1 năm tuổi, nặng từ 3 - 4 kg để làm gà cúng rằm tháng Giêng.

Dịp rằm tháng Giêng hàng năm, nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh lại tổ chức làm mâm cỗ cúng với tạo hình "gà bay" độc đáo.

Nhiều năm nay, cứ đến dịp rằm tháng Giêng hay rằm tháng Bảy là một số dòng họ ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại chuẩn bị những mâm lễ để dâng lên tổ tiên. Trong đó, những chú gà cúng được người dân tạo dáng cầu kỳ, độc đáo đã gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi người khi được chia sẻ lên mạng xã hội.

Tạo hình "gà bay" độc đáo trên mâm cỗ cúng của một số dòng họ tại Hà Tĩnh trong dịp rằm tháng Giêng hoặc rằm tháng Bảy khiến nhiều người ấn tượng (Ảnh: MXH)

Tạo hình "gà bay" độc đáo trên mâm cỗ cúng của một số dòng họ tại Hà Tĩnh trong dịp rằm tháng Giêng hoặc rằm tháng Bảy khiến nhiều người ấn tượng (Ảnh: MXH)

Theo chia sẻ của người dân địa phương, để tạo được thế gà đứng dang cánh bay không phải là một điều đơn giản. Trước dịp lễ khoảng vài ba ngày, nếu không tự nuôi được gà thì mỗi hộ gia đình trong dòng họ phải mua những chú gà trống hơn 1 năm tuổi, nặng từ 3 - 4 kg để làm gà cúng.

Sau khi chọn được gà đẹp, những người có kinh nghiệm và có bàn tay khéo léo được chọn để tạo nên những chú gà cúng bắt mắt, với đủ loại kiểu dáng như gà chầu tổ, gà bay hóa phượng hoàng... ấn tượng.

Khâu tạo hình cho gà trước khi luộc rất quan trọng (Ảnh: MXH)

Đặc biệt, sau khi tạo thế thì khâu luộc gà rất quan trọng, phải dùng nồi lớn, để lửa đều trong khoảng một tiếng và thường xuyên quan sát, nếu lửa không đều sẽ khiến gà bị nứt thịt, rách da mất thẩm mỹ và không đạt yêu cầu.

Có rất nhiều kiểu tạo hình cho gà trên mâm lễ được chia sẻ (Ảnh: MXH)

Mâm lễ cúng với tạo hình độc đáo được người dân địa phương tại Hà Tĩnh sử dụng trong những dịp đặc biệt (Ảnh: MXH).

Nhiều gia đình không quét nghệ hay dùng mỡ gà để tạo màu đẹp cho gà luộc. Muốn gà sáng màu tự nhiên, không thâm đen thì sẽ có cách xử lý theo bí quyết riêng. Để giữ gà tươi màu, không bị thâm đen thì phải ngâm qua nước muối pha loãng với tỷ lệ hợp lý.

Muốn gà sáng màu tự nhiên, không thâm đen thì sẽ có cách xử lý theo bí quyết riêng.

Khi luộc gà xong xuôi, việc bày biện gà để dâng lên mâm cúng cũng rất quan trọng. Nhiều dòng họ sẽ dùng thêm các nguyên phụ liệu để cố định và tạo chỗ đứng cho gà giúp mâm cỗ độc đáo và nghệ thuật hơn.

Gà sau khi cúng lễ xong sẽ được hạ xuống để con cháu cả dòng họ cùng thụ lộc để mong ước một năm nhiều may mắn, vạn sự tốt lành trong cuộc sống.

Truyền thống cúng Rằm tháng Giêng tại miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng được cho là nét văn hóa truyền thống lâu đời. Vào ngày này con cháu trong các dòng họ dù đi xa cũng trở về để được thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và gặp gỡ anh em, con cháu trong dòng họ.

Thậm chí, vào ngày Rằm tháng Giêng nhiều dòng họ tại miền Trung còn mổ bò, mổ lợn để con cháu liên hoan. Không khí còn có phần nhộn nhịp hơn ngày Tết.

PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/doc-dao-ga-bay-trong-mam-cung-ram-tai-mien-trung-d188779.html