Độc đáo lễ cúng thần lúa của người Mạ ở Đồng Nai

Trong năm, người Mạ có nhiều lễ cúng. Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu.

Là một trong bốn cư dân bản địa vùng đất Đồng Nai, dân tộc Châu Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Chau Mạ, Chê Mạ, Mạ Ngan, Mạ Xôp, Mạ Tô, Mạ Xrê… Họ sống tập trung tại Tà Lài (huyện Tân Phú-Đồng Nai)… Người Mạ tin có thần (Yàng). Họ thờ cúng nhiều Yàng như Yàng Hiu (thần nhà), Yàng Koi (thần lúa), Yàng Bơnơm (thần núi). Họ thường giết súc vật tế thần vào những dịp được mùa, sinh đẻ, bệnh tật, chết chóc.

Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu. Lễ hội này còn gọi là lễ đâm trâu, vì có tục đâm trâu để thực hiện nghi thức đầu tiên của buổi cúng và chia thịt trâu cho cộng đồng cùng ăn.

Thời gian cúng thường được tổ chức vào tháng hai đến tháng ba Âm lịch, khi mùa màng thu hoạch xong. Người Mạ dựng khoảng ba cây nêu trước sân theo hình tam giác. Cây nêu lớn dùng để cột trâu, các cây nêu nhỏ cột dê hoặc heo hoặc bò. Trước đây, lễ thường kéo dài nhiều ngày, nhiều đêm, nhưng ngày nay rất ít được tổ chức. Trên các cây nêu, người Mạ chia làm nhiều bậc để trang trí.

Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu.

Theo họ quan niệm, cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người. Trên các cây nêu, họ tạo những bông tre xoắn thành chùm, tượng trưng cho bông lúa lớn. Hai màu xanh, đỏ được dùng chủ yếu trong trang trí với quan niệm màu đỏ là huyết con vật được hiến sinh để báo cho thần linh, màu xanh cầu mong cho mùa màng xanh tươi. Dưới gốc cây nêu thường để những ché rượu cần mà mỗi nhà người Mạ làm đem đến.

Lễ đâm trâu thường được tiến hành vào buổi xế chiều. Cộng đồng người Mạ khi tổ chức thường mời các buôn làng khác đến dự. Nghi thức tiếp đón bằng cách già làng đem rượu trong ống tre ra ngoài cổng mời khách. Đoàn khách vừa đi đến vừa đánh cồng chiêng. Khi mời rượu xong, già làng đọc lời cúng trong bàn thờ và làm nghi thức tẩy uế để đâm trâu.

Tiếp đến, những người có uy tín trong cộng đồng, khoảng ba người, được chọn để đâm trâu. Trong khi đoàn người đi xung quanh các cây nêu hát múa thì những người đâm trâu lựa thế dồn trâu vào để đâm cho trâu nhanh chết. Khi đâm trâu, bò và heo (hoặc dê) xong, họ xẻ thịt ngay và nướng trên đống lửa được đốt sẵn, rồi chia cho cộng đồng tham gia ăn và uống rượu cần.

Trong buổi lễ, các thanh niên nam nữ Mạ múa hát, các người già thì tập trung uống rượu cần và hát kể cho nhau nghe về cộng đồng của mình. Cồng chiêng được đánh thâu đêm suốt sáng...

Theo Dân tộc Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doc-dao-le-cung-than-lua-cua-nguoi-ma-o-dong-nai-d122678.html