Độc đáo lễ hội Aza

Lễ hội Aza của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) là lễ hội truyền thống văn hóa đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân. Cứ vào tháng 11 âm lịch hàng năm, lễ hội được tổ chức rộn ràng khắp mọi bản làng, cũng để báo hiệu cho việc chuẩn bị một vụ mùa mới của cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền tây tỉnh TT-Huế.

Lễ hội Aza của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) là lễ hội truyền thống văn hóa đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân. Cứ vào tháng 11 âm lịch hàng năm, lễ hội được tổ chức rộn ràng khắp mọi bản làng, cũng để báo hiệu cho việc chuẩn bị một vụ mùa mới của cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền tây tỉnh TT-Huế.

Các già làng thực hiện nghi lễ cầu cho vụ mùa mưa thuận gió hòa.

Các già làng thực hiện nghi lễ cầu cho vụ mùa mưa thuận gió hòa.

Bản sắc của người Pa Cô

Với người dân huyện miền núi A Lưới, lễ hội Aza chính là tết cổ truyền, mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc được tổ chức hàng năm. Lễ hội Aza thường được tổ chức vào thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây cũng là nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa... mang đậm truyền thống, bản sắc các dân tộc của H. A Lưới. Nếu lễ hội Aza Kăn được tổ chức định kỳ từng năm một thì lễ Aza Koonh 5 năm mới tổ chức một lần. Theo các vị cao niên ở A Lưới, thời xưa, đến ngày lễ hội Aza, già làng dùng kẻng đánh báo hiệu cho mọi người trong bản biết để cúng. Sau tiếng dứt của kẻng, nhà nhà trong làng, trong bản thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh. Theo các già làng, lễ vật để dâng lên cúng giàng trong lễ Aza Kăn lớn nhất là con heo; nhưng trong Aza Koonh là con trâu. Nhiều năm trở lại đây, thực hiện nếp sống văn hóa và theo tinh thần của ngành văn hóa, lễ Aza Koonh không còn đâm trâu để cúng Giàng nữa, thay vào đó là dâng lễ bằng con dê. Ngoài ra, các gia đình và họ tộc trong làng cũng dâng lên nhiều lễ vật như: gà, cá suối, gạo nếp than, ngô, khoai sắn, chuối, bí ngô, cau trầu... là những cây trồng vật nuôi mà người dân sản xuất được.

Còn có một lễ vật hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tâng họt- một loại hoa làm từ tre và những tấm dzèng. Khi cúng các giàng, đồng bào Pa Cô muốn tạ ơn các giàng đã ban phát phúc lành, tạo nên những mùa màng no ấm, đồng thời, mong muốn các giàng giúp đỡ trong năm mới phát đạt cho gia đình, dòng họ, cây cỏ tốt tươi. Được biết, trước ngày tổ chức lễ hội Aza, người Pa Cô lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại, thể hiện sự tri ân cây lúa vì đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng, những cái bánh aquat dẻo thơm. "Cứ mỗi lần đến lễ hội Aza Koonh, người dân trong làng vui mừng và háo hức lắm. Bà con ai cũng chuẩn bị cho mình những bộ trang phục zèng truyền thống và dành những lễ vật ngon dâng lên lễ hội. Đây là nét văn hóa dân tộc Pa Cô đã được duy trì hàng trăm năm qua và bà con đồng bào rất tự hào"- ông Ku Châl (102 tuổi, ở làng A Năm, xã Hồng Vân, H.A Lưới) cho hay.

Đại diện các hộ dân trong làng dâng lễ cúng cây nêu vào dịp lễ hội Aza.

Đề nghị lễ hội Aza là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ghé thăm nhà của già làng Võ Tô (102 tuổi) ở làng A Năm, xã Hồng Vân, khi những người lớn tuổi trong nhà đang chuẩn bị cho lễ cúng mừng lúa mới Aza Koonh. Ngồi trước mâm lễ cúng, già Tô đang đọc những câu cầu khấn gửi đến các vị thần cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu khỏe mạnh... Cạnh đó, những người con của cụ Tô ngồi canh bếp lửa than hồng. Người lớn trong làng cho biết, bếp than không thể thiếu trong nghi thức cúng thần linh của đồng bào. Nghi thức trong lễ Aza Koonh của người Pa Cô có 13 bước, gồm: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng xứ (giàng sông, suối, gió, mây, núi, lửa, đất, đường sá...), lễ cúng những người đã khuất, cúng vị thần che chở khi đi buôn bán, lễ cúng Giàng A Zel, lễ cúng các vị thần ban tặng con người, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cổ và cuối cùng là nghi lễ tiễn khách. Trong ngày diễn ra lễ hội, có đông đảo người dân trong tỉnh và du khách đến tham dự, tìm hiểu.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH- TT tỉnh TT-Huế: lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô-Tà Ôi là một trong những loại hình văn hóa đặc sắc và chính vì những giá trị đó mà Sở đã đề nghị Bộ VH-TT & DL cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội này. Đây là một loại hình văn hóa thể hiện được nhiều giá trị ý nghĩa khác nhau, kể cả phần lễ lẫn phần hội. Aza Koonh cũng là lễ hội để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng, sống chết có nhau, no đói có nhau của làng bản. Ngoài mục đích tạ ơn các đấng thần linh, theo phong tục địa phương, lễ hội Aza Koonh còn là dịp để người dân ở các thôn bản ngồi quây quần bên nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển kinh tế và từ đó tăng cường tình đoàn kết giữa các bản làng.

Hiện, Sở VH- TT tỉnh TT-Huế đang phối hợp với UBND H. A Lưới để nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội này; trong đó tập trung các giải pháp để truyền dạy cho những thế hệ hôm nay về các điệu múa hát của lễ Aza. "Chúng tôi tranh thủ để mời gọi các già làng am hiểu và nắm rõ những điệu múa hát của lễ hội này cùng tham gia bảo tồn và truyền dạy. Tỉnh cũng đã có báo cáo đến Bộ VH-TT & DL về việc xây dựng dự án bảo tồn lễ hội này, và chúng tôi đang tiến tới hoàn chỉnh hồ sơ để trình Bộ công nhận lễ hội Aza của đồng bào thiểu số H. A Lưới là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia"- ông Dũng thông tin.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_201447_doc-dao-le-hoi-aza.aspx