Độc đáo Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay ở Phú Lương

Vào dịp trước hoặc sau Tết nguyên đán, đồng bào Sán Chay tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên thường tổ chức Lễ hội Cầu mùa.

Độc đáo Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay ở Phú Lương.

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dân tộc Sán Chay tập trung chủ yếu ở các xã Tức Tranh, Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Phú Đô. Với vốn văn nghệ dân gian phong phú và đa dạng, họ đã tạo nên nét văn hóa độc đáo và đặc sắc riêng. Trong đó, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh là một trong những nơi người Sán Chay quần cư tập trung nhất, với hơn 180 hộ (chiếm hơn 90% tổng số hộ dân). Đã thành thông lệ, Lễ hội Cầu mùa được bà con nơi đây tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Vào ngày tổ chức lễ hội cầu mùa, bà con trong làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như thịt gà, thịt lợn, chuẩn bị đèn nến và các lễ vật khác. Đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ đi kèm. Một bộ tranh cổ đầy đủ của các thầy cúng gồm có 28 tờ tranh, từ tranh Ngọc Hoàng, tranh chiếu mệnh..., mỗi bức tranh được vẽ với những hình ảnh khác nhau, được dùng trong những dịp khác nhau. Ví dụ, tranh dùng trong lễ cúng người chết, tranh dùng trong lễ cúng cấp sắc, tranh dùng trong lễ cầu mùa.

Bên cạnh các bức tranh, những đồ vật cần có trong lễ cúng cầu mùa là một thanh kiếm (hoặc đao), tượng trưng cho những dụng cụ làm đất trồng trọt… Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, chủ lễ trong trang phục lễ tế bắt đầu hành lễ cầu xin các thần linh phù hộ cho dân làng quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm yên vui. Mọi người trong làng luôn mạnh khỏe, có cuộc sống ấm no…

Lễ hội cầu mùa người Sán Chay được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Ông Hầu Văn Nhân, trưởng xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh cho biết: Lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Ngày nay, xu hướng đi du lịch của người dân cũng đã có sự thay đổi, khi đến một địa điểm ngoài chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh, họ còn muốn khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc riêng của vùng đất đó.

Đến với quần thể du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh du khách sẽ được hòa mình vào nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm tính tâm linh trong lễ hội Cầu mùa, hát Sấng Cọ hay các chương trình ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, đất và người Thái Nguyên; cách pha trà, thưởng trà… trong một không gian văn hóa đầy màu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Sán Chay.

Tại Lễ hội Cầu mùa, người dân, du khách còn được thưởng thức những bài hát giao duyên Sình ca, hát Sấng Cọ; tung còn, múa sạp và tham gia các trò chơi dân gian diễn ra trên khắp các khu vực của sân làng. Lễ hội Cầu mùa khép lại khi bà con Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, ấm áp với những lời chúc cho một năm bình an, một mùa vụ mới thật no ấm.

Hiện nay, để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóm Đồng Tâm đã thành lập CLB Bảo tồn văn hóa Sán Chay gồm các nghệ nhân trong vùng tham gia, các nghệ nhân sưu tầm và dịch lại sách cổ để truyền dạy cho con cháu những phong tục, tập quán tốt đẹp cũng như những điệu múa, câu hát của dân tộc Sán Chay.

Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mô hình du lịch cộng đồng còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương,tăng thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

Nếu trước đây, đa số đồng bào người dân tộc Sán Chay ở Đồng Tâm là hộ nghèo, cận nghèo từ khi bắt tay vào làm du lịch kinh tế đã cải thiện rõ rệt, Đến nay, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 55,5 triệu đồng/người/năm, xóm Đồng Tâm cũng được công nhận xóm nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 4/2022.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-dao-le-hoi-cau-mua-cua-nguoi-san-chay-o-phu-luong-post645913.html