Độc đáo Lễ hội Mường Ca Da của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa

Lễ hội Mường Ca Da tưởng nhớ công lao của 'Thượng Tướng thống lĩnh quân Khằm Ban' có công khai phá vùng đất Mường Ca Da, nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Thái.

Mường Ca Da là lễ hội nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và tự hào về công lao của nhân vật lịch sử “Thượng Tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” - người đã có công khai phá vùng đất Mường Ca Da. Lễ hội Mường Ca Da còn khơi dậy nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Truyền thuyết về Mường Ca Da

Theo sử sách lưu truyền, Mường Ca Da được gọi là Mường Húng, mường Hường, còn in đậm dấu tích lưu truyền Quạ cứu người. Gắn với Mường Ca Da là tên tuổi Thượng tướng Thống lĩnh quân Khằm Ban: Năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân Lam Sơn lấy miền núi Thanh Hóa làm hậu phương, hưởng ứng lời kêu gọi của Lê Lợi, các tầng lớp nhân dân Châu Quan Hóa xưa nô nức gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Trong đó, có Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban, từ thuở thiếu thời, ông chăm chỉ học hành, luyện tập võ nghệ binh khí.

Rước kiệu tại Lễ hội Mường Ca Da của đồng bào dân tộc Thái, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Rước kiệu tại Lễ hội Mường Ca Da của đồng bào dân tộc Thái, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Khi lớn lên Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban tổ chức binh mã và theo nhà Lê đi đánh giặc, với mưu trí anh dũng, ông đã liên tiếp thắng trận đã đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước, góp công lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, được vua Lê phong hàm Thượng tướng thống lĩnh quân. Ông chọn Mường Ca Da ngày nay làm nơi đóng quân và lập thái ấp.

Tướng quân Khằm Ban mất tại Mường Ca Da, nhân dân vô cùng thương tiếc, mến mộ tài đức của ông, nên đã lập Đền thờ bằng gỗ tại Pom Kéo bản Chiềng Nưa (thuộc khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân ngày nay) để hương khói thờ phụng. Nhân dân trong động và nội tộc dòng họ Phạm xây dựng lại ngôi đền bằng gạch và dựng bia ghi danh công đức và sự nghiệp của ông.

Vì vậy, truyền thuyết hình thành Mường Ca Da luôn gắn liền với di tích lịch sử Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban tại Thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa ngày nay. Đã nhiều năm trôi qua, những giá trị cao quý cũng như tinh thần bất khuất của các bậc anh hùng dân tộc có công dựng nước, giữ nước, khai phá đất Mường luôn được nhân dân ngưỡng mộ và kính phục.

Phần hội với nhiều trò diễn dân gian đặc sắc

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ bao đời nay, nhân dân Quan Hóa, trực tiếp là nhân dân Khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân đã bảo quản, giữ gìn tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tuân theo phong tục cổ truyền, vào các ngày lễ, Tết cổ truyền, ngày mất của nhân vật lịch sử, tại đền thờ đều tổ chức dâng hương, đặc biệt là tổ chức Lễ hội 5 năm một lần vào dịp tháng 2 âm lịch với sự tham gia của hàng ngàn người dân trong và ngoài vùng.

Mường Ca Da là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Mường Ca Da có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ, gồm: Lễ mộc dục (lễ tắm bia, tượng, người Thái gọi là Khụn lục pục tứn); Lễ rước kiệu, dâng hương. Lễ “Tay ắm Oóc” (diễn ra cùng lúc với Lễ rước kiệu dâng hương) . Phần tế lễ “Xên Mường” - Nội dung: Lễ “Xên Mường” là lễ giải hạn cho cả Mường, các lễ thức tiếp theo để kết thúc phần tế lễ “Tặt máy” (cắt chỉ) là nghi lễ cắt dây giải hạn cho cả Mường.

Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái tại Lễ hội Mường Ca Da.

Còn phần hội với các phần thi thể thao dân tộc, các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, tó mác lẹ, bắn nỏ, đi cà kheo đá bóng, gói bánh ú, khua luống, trống chiêng, hát khặp, thiếu nữ đẹp trong sắc phục dân tộc và thi trình diễn văn nghệ dân gian bằng hình thức sân khấu hóa. Lễ hội còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, giới thiệu đặc sản ẩm thực của địa phương đến du khách thập phương.

Có thể nói, Lễ hội Mường Ca Da đã khơi dậy nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của vùng đất và người Quan Hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng huyện Quan Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mường Ca Da còn là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhằm tuyên truyền, quảng bá về công tác phát triển du lịch của huyện Quan Hóa. Lễ hội Mường Ca cũng nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của Lễ hội Mường Ca Da đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào ngày 20/12/2019. Đây là niềm tự hào của tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện vùng cao Quan Hóa nói riêng trong lĩnh vực văn hóa của đồng bào dân tộc Thái cổ. Đây cũng là cơ hội để huyện Quan Hóa thúc đẩy ngành Du lịch của địa phương từng bước phát triển.

Văn hóa ẩm thực với những món ăn dân tộc độc đáo gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Mường Ca Da

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quan Hóa cho biết: Lễ hội Mường Ca Da sau khi được phục dựng, tổ chức 5 năm một lần vào tháng 2 âm lịch. Trong những năm qua, lễ hội Mường Ca Da đã góp phần động viên, cổ vũ đồng bào các dân tộc trong toàn huyện thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Mỗi dịp lễ hội diễn ra là dịp để đồng bào các dân tộc trong vùng thể hiện niềm tự hào và biết ơn công lao khai phá vùng đất Mường Ca Da của các thế hệ cha ông.

Thông qua lễ hội đã tôn tạo và phát huy các loại hình văn hóa văn nghệ, thể thao truyền thống của các dân tộc trong huyện như: Các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi trò diễn dân gian, trưng bày trao đổi các sản phẩm hàng hóa từ các làng nghề truyền thống, trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực với những món ăn dân tộc độc đáo gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Mường Ca Da, của cộng đồng các dân tộc Thái.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doc-dao-le-hoi-muong-ca-da-cua-dong-bao-dan-toc-thai-o-thanh-hoa-248613.html