Độc đáo lễ hội rước 'vua, chúa' ở Thủ đô

Đoàn rước kiệu 'vua, chúa' giả náo nhiệt khắp đường làng, có lúc kiệu chúa ngả nghiêng bởi những người khiêng.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, Lễ hội Đền Sái lại được người dân làng Thụy Lôi tổ chức long trọng. Với những nghi thức rước 'vua, chúa' sống, lễ hội đã thu hút lượng lớn người tham gia trẩy hội.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, Lễ hội Đền Sái lại được người dân làng Thụy Lôi tổ chức long trọng. Với những nghi thức rước 'vua, chúa' sống, lễ hội đã thu hút lượng lớn người tham gia trẩy hội.

Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng 4 vị quan Thị vệ, quan Tán lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ cùng các thê thiếp, con cháu của họ. Những người trên 60 tuổi được lựa chọn đóng vai này.

Người có vinh hạnh nhận vai An Dương Vương (Vua) năm nay là cụ Nguyễn Quang Vinh (73 tuổi).

Được chọn là người đóng vai chúa năm nay, cụ ông Trần Văn Tích (73 tuổi) cho hay, bản thân mình rất vui mừng, và thấy sức khỏe tốt khi được các trai tráng khỏe mạnh trong dòng họ rước từ nhà ra đình làng làm lễ rồi đến đền Sái và ngược lại.

Lễ hội bắt nguồn từ sự tích vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Vua nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên An Dương Vương mới xây xong thành Cổ Loa.

Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái của Thất Diệu Sơn. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.

Hằng năm người dân trong làng lại chọn ra những người cao tuổi xứng đáng để vào vai vua, chúa và bốn vị quan tứ trụ triều đình.

Khác với nhiều lễ hội khác, vua, chúa đền Sái là người thật, mặc áo long bào, không phải đeo mặt nạ hay rước kiệu tượng trưng. Dẫn đầu đoàn rước là kiệu chúa, tượng trưng cho việc dẹp đường đánh giặc, phía sau là vua ngự trên ngai.

Cứ đi được đoạn, kiệu chúa lại được những người khiêng dâng lên, quay vòng tròn... khiến cho chúa có lúc ngả nghiêng.

Sau khi được rước từ Đình làng, vua làm lễ tế Cao Sơn Đại Vương tại đền Thượng, còn chúa thì bái ngài Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Sái. Sau đó, chúa đi bộ về đền Thượng đón vua và thực hiện nghi lễ chính thức.

Nguồn PLO: https://plo.vn/doc-dao-le-hoi-ruoc-vua-chua-o-thu-do-post718118.html