Độc đáo Ngày hội Kiêng gió của người Dao Bình Liêu

Kiêng gió là phong tục độc đáo của người Dao ở Đồng Văn, Bình Liêu (Quảng Ninh). Ngày nay, tục Kiêng gió đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia hưởng ứng.

Mỗi dân tộc đều có những điều kiêng kị riêng, được hình thành và phát triển qua lịch sử văn hóa xã hội lâu dài. Bởi vậy mỗi điều kiêng kỵ đều có nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Hiểu về tục kiêng gió của người Dao Thanh Phán ở Đồng Văn cũng là một cách giúp chúng ta hiểu thêm về lối sống và cách suy nghĩ của họ.

Lễ hội Kiêng gió 2023

Lễ hội Kiêng gió 2023

Người Dao Thanh Phán ở Đồng Văn lấy ngày 4 tháng 4 âm lịch hằng năm làm ngày kiêng gió. Vào ngày này, không một thành viên nào ở trong nhà và cũng không hoạt động sản xuất gì. Họ không ở trong nhà vì quan niệm nếu có sự hiện diện của họ thì thần gió sẽ không vào nhà. Họ lặng lẽ rời nhà từ sớm, khi họ ra khỏi nhà, thần gió sẽ vào nhà và mang đi những rủi ro, phiền muộn của mỗi thành viên chất chứa trong năm cũ, thần gió cũng sẽ rửa sạch không khí và đem vào nhà họ những điều tốt lành, mang đến ấm no, sung túc. Vào ngày này, người Dao Thanh Phán không thực hiện hoạt động sản xuất, không đi nương làm rẫy, không ra ruộng, không cuốc đất... vì họ quan niệm làm bất cứ việc gì thần gió cũng sẽ xô đổ, không có thành quả.

Vì vậy, cứ đến ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch, người Dao khắp các bản làng ở Bình Liêu đều ra khỏi nhà từ rất sớm và chỉ trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi. Họ tụ tập ở bất kì đâu cùng nhau, nhưng không phải trong nhà của ai. Địa điểm tụ tập thường là những nơi râm mát, thoáng đãng, phong cảnh nên thơ như bìa rừng hay ven suối, thác nước. Không hẹn mà gặp, sau những ngày lao động vất vả, họ được thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe những làn điệu Sán Cố, bàn tiếp câu chuyện sản xuất của mùa tới... Đặc biệt, những người phụ nữ Dao Thanh Phán vẫn không rời khỏi chiếc kim, chỉ thêu và vạt áo, gấu quần đang thêu dở. Họ thêu bất cứ lúc nào khi đôi tay được rảnh. Những em bé vẫn ngủ ngon lành, giấc ngủ đưa đều theo nhịp tay đưa, đợi lúc mặt trời khuất bóng thì trở về nhà theo mẹ.

Đến Đồng Văn vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch bây giờ sẽ thấy đỏ rực cả không gian chợ bởi sắc áo người Dao. Người Dao Thanh Phán ngày nay vẫn kiêng gió một cách thiêng liêng, thành kính. Có điều khác trước đây là họ ra khỏi nhà với khăn áo rực rỡ hơn, ngày kiêng gió xưa bây giờ đã thành ngày hội.

Thiếu nữ Dao Đồng Văn, Bình Liêu trong trang phục rực rỡ đi hội

Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, UBND huyện đã quyết định nâng tầm ngày lễ này thành Ngày hội văn hóa các dân tộc ở Đồng Văn – xã tập trung người Dao đông nhất huyện Bình Liêu. Được Nhà nước quan tâm, ngày kiêng gió của riêng đồng bào Dao Thanh Phán có quy mô lớn hơn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Không chỉ người Dao mà tất cả các dân tộc ở Bình Liêu đều đi hội. Có cả các đoàn khách người Dao ở các xã lân cận như Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên cùng đến chung vui.

Không còn phải tụ tập ở những địa điểm như truyền thống, hiện nay đã có những điểm chợ, Nhà văn hóa xã để người Dao gặp gỡ. Vẫn những câu chuyện tâm tình, vẫn những làn điệu Sán Cố, nhưng bây giờ được diễn ra bên bàn ăn, họ cũng ngất ngay trong men rượu nồng ấm. Đến hội, có khu trông giữ xe với đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Chợ ồn ào, náo nhiệt hơn bởi các gian hàng từ miền xuôi lên từ hôm trước. khu vực thu hút người Dao nhất vẫn là nơi bán đồ do chính tay các bà, các chị người Dao tự tay làm ra. Đó là khăn đội đầu, là chiếc thắt lưng duyên dáng, là cặp ống quần thêu tỉ mỉ, sặc sỡ, là những cuộn chỉ đủ màu sắc tươi tắn, là những chiếc chuông bạc nhỏ xíu, kêu leng keng vui tai…

Đến hội để được gặp gỡ bạn cũ, được trò chuyện, hàn huyên sau một năm vất vả cực nhọc, được trao nhau câu hát của một thời son trẻ, câu hát ấp ủ nỗi niềm bấy lâu… Khi chia tay ngày hội, người Dao lại trở về với công việc thường ngày với tinh thần thoải mái hơn, phấn chấn hơn để hội năm sau gặp lại có nhiều niềm vui hơn để kể cho nhau nghe, có nhiều sản vật hơn để trao đổi ở chợ tháng 4 – ngày hội kiêng gió…

Ngày hội là dịp để người Dao gặp gỡ, chia sẻ tâm tình, đồng thời là dịp để phụ nữ Dao thể hiện tài thêu thùa

Ngày hội Kiêng gió là dịp để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào Dao Thanh Phán nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu nói chung đến du khách bốn phương. Từ đó, tiếp tục bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc vùng cao, thúc đẩy xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ du khách khi đến với Bình Liêu.

Được biết huyện Bình Liêu đang lập hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xét công nhận ngày hội Kiêng gió là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu được công nhận, đây sẽ là sức bật để Bình Liêu nói riêng và Quảng Ninh nói chung xây dựng ngày hội Kiêng gió trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, mang thương hiệu và bản sắc riêng, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư phát triển du lịch ở địa phương./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doc-dao-ngay-hoi-kieng-gio-cua-nguoi-dao-binh-lieu-20230526160309592.htm