Độc đáo nghề cuộn rơm liên tỉnh ở miền Trung

Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân Nghệ An thường đốt bỏ rơm ngoài đồng thì hiện tại, rơm được thương lái đến tận chân ruộng thu mua.

Việc thu mua rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch vừa khắc phục tình trạng đốt bỏ lãng phí, ô nhiễm môi trường vừa mang về thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày. Thời điểm này, bà con nông dân ở Nghệ An vào vụ thu hoạch lúa. Cùng đó, người làm nghề thu gom rơm cũng tất bật vào vụ bất chấp nắng nóng.

Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An đang vào mùa thu hoạch vụ lúa xuân hè.

Anh Phạm Văn Hoan (46 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết, gia đình anh làm nghề này được 6 năm. Mùa người dân đi thu hoạch lúa cũng là lúc anh Hoan cũng cho máy đi thu gom rơm trên các cánh đồng. Hiện tại, anh đầu tư 3 máy đi gom rơm liên tỉnh ở Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...

"Rơm người dân vứt ngoài đồng, phần lớn họ cho mình gom, có nhà thì bán. Số lượng rơm thu được nhiều hay ít phụ thuộc vào việc máy gặt trước đó gặt sâu hay nông. Trung bình mỗi sào Trung bộ (500 m2) thu được khoảng 10-12 cuộn rơm, mỗi cuộn nặng 16-19 kg", anh Hoan cho biết.

Thu nhập của người lái máy cuộn rơm có thể đạt 1,2-1,5 triệu đồng/ngày, thợ phụ ở mức 700.000 đồng đến một triệu đồng/ngày.

Mỗi máy cuộn, anh Hoan thuê thêm 4-5 nhân công để phụ việc. Thợ chính mỗi ngày anh sẽ trả tầm 800.000 đồng, thợ phụ việc tầm tù 400.000 đồng - 500.000 đồng. Nếu làm thêm buổi tối sẽ tính thêm tiền mức 50.000 đồng/giờ...

Cũng theo anh Phạm Văn Hoan, công việc nhìn đơn giản nhưng thực chất nó đòi hỏi kỹ thuật điều chỉnh máy cao. "Tranh thủ thời gian nắng to chúng tôi mới thu hoạch được rơm. Khách hàng yêu cầu rơm phải khô, vàng óng, không ẩm mốc,... Bởi vậy người thu gom rơm phải ra đồng khi mặt trời đứng bóng.

Công việc này khá vất vả nhưng mỗi năm chỉ có 2 mùa vụ. Và mỗi mùa vụ như vậy chỉ kéo dài được 1 tháng nên đòi hỏi các công nhân phải làm hết công suất

"Rơm không thể gom vào sáng sớm, khi vẫn còn sương. Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ sau 8h, khi nắng bắt đầu gay gắt, rơm đủ khô và kéo dài cho đến đêm. Hôm nào mưa thì nghỉ", anh Hoan nói.

Anh Hoàng Văn Anh (38 tuổi, trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) làm nghề thu gom rơm 10 năm nay. Mùa này, anh Anh sử dụng 4 máy gom rơm và 22 lao động cùng 2 ô tô vận tải để phục vụ cho việc gom rơm trên ruộng, vận chuyển lên xe và chở về kho bãi.

Nghề cuộn rơm hoạt động mạnh nhất vào sau vụ lúa Đông Xuân. Vì mùa này nắng gắt, rơm nhanh khô. Mặt đất ruộng nhờ đó không lầy lội và thuận lợi cho máy cuộn hoạt động.

Theo anh Hoàng Văn Anh, trước đây rơm được thu gom bằng tay, năng suất không cao, nên sau đó đầu tư mua máy gom rơm, trị giá mỗi máy hơn 350 triệu đồng để tăng năng suất, sản lượng. Với hệ thống gom, đóng gói tự động, tốc độ, năng suất và sản lượng rơm gom được tăng vượt trội. Mỗi máy gom sẽ có 3 lao động, bao gồm một lái máy và 2 thợ phụ thay nhau chất những bó rơm đã gom, đóng gói cẩn thận.

Rơm được gom và đóng thành từng cuộn, trọng lượng 16-22 kg. Thời tiết thuận lợi, sau thu hoạch 1-2 ngày là rơm đủ khô để gom. Trường hợp rơm chưa khô hoàn toàn, khi đưa về kho bãi phải tiếp tục sấy để đảm bảo độ khô, độ ẩm theo yêu cầu trước khi đóng thành khối để xuất đi.

Những năm gần đây nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc nên nhu cầu thu mua cũng cao vì vậy những người thu gom rơm không lo bị ế "hàng".

"Tính ra, thợ lái máy có thể đạt tới thu nhập 1,2 -1,5 triệu đồng/ngày, thợ phụ khoảng 700.000 đến một triệu đồng/ngày", anh Anh chia sẻ.

Làm việc dưới nắng gắt, vận chuyển từng bó rơm nặng là công việc khá mất sức đối với những lao động này. Tuy nhiên, mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày là động lực khiến họ quên đi mệt nhọc.

Nghề gom rơm nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất rất vất vả. Người thu gom rơm bắt buộc phải ra đồng từ khi mặt trời đứng bóng cho đến 16h.

"Vụ mùa này thường không kéo dài do người dân phải bắt tay vào làm đất cho vụ hè thu. Thường mỗi cánh đồng chúng tôi chỉ gom rơm trong khoảng 3-4 ngày là di chuyển đến đồng khác. Các địa phương thu hoạch đồng loạt, "trùng đồng" nên nếu không tranh thủ thì lượng rơm thu được không nhiều", anh Nguyễn Văn Nghĩa (25 tuổi, quê Ninh Bình) nói.

"Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Mộc Châu (Sơn La)... Thị trường thức ăn chăn nuôi rộng, nhu cầu lớn nên gom bao nhiêu xuất đi bấy nhiêu, không sợ ế", anh Anh cho biết.

Sau khi người dân thu hoạch lúa, rơm được phơi nắng trên cánh đồng từ 2 - 3 ngày cho khô hẳn mới có thể cuộn.

Vụ xuân hè thời gian thu gom ngắn nên trung bình mỗi máy gom rơm thu khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí nhân công, xăng, ăn uống... Vào vụ hè thu, thời gian thu hoạch dài hơn, do đó thu nhập từ công việc gom rơm cũng cao hơn. Kết thúc vụ thu hoạch ở Nghệ An, các tổ máy sẽ di chuyển sang các tỉnh khác để gom rơm.

Việc thu gom rơm, theo anh Hoàng Văn Anh là tận dụng phụ phẩm của nghề trồng lúa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và bảo vệ đất, bảo vệ môi trường.

Rơm cuộn được đưa lên các xe tải lớn vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

Từ phụ phẩm của cây lúa, giờ đây rơm được nhiều người mua như một thứ hàng hóa. Bên cạnh việc tăng thu nhập cho nông dân, nghề thu mua rơm còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động; đồng thời hạn chế được tình trạng khói tro do đốt rơm rạ ngoài đồng.

Trước đây, người dân có thói quen đốt rơm rạ không chỉ lãng phí nguồn thu mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Anh Hoàng Văn Anh cho biết thêm, trước đây bà con thường huy động sức người để gom rơm mang về dự trữ làm thức ăn cho gia súc. Nhà nào không dùng thì đốt bỏ, không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để tận dụng nguồn phụ phẩm này, anh chủ động tìm hiểu đầu tư mua máy thu rơm và cung ứng cho thị trường. Sắp tới, anh dự định sẽ mở rộng quy mô xuất khẩu rơm cuộn ra các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doc-dao-nghe-cuon-rom-lien-tinh-o-mien-trung-255801.html