Độc đáo nghề làm cổng cưới miền Tây

Nhóm Cổng cưới Miền Tây ở xã Tường Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) với những 'hoa tay' khéo léo đã thiết kế rất nhiều chiếc cổng cưới rực rỡ, giúp kết nối, đem lại niềm vui cho ngày trọng đại của gia chủ.

Nhóm Cổng cưới Miền Tây cùng thành quả bên chiếc cổng cưới rực rỡ.

Kết nối những niềm vui

Những ngày đầu tháng 4, tôi được anh Nguyễn Hoàng Thiên Diệu, thành viên Nhóm Cổng cưới Miền Tây, gọi điện đi cùng nhóm về xã Tường Lộc thiết kế cổng cưới cho gia chủ đón dâu. Nhóm Cổng cưới Miền Tây “thường trực” có 5 thành viên gồm: Nguyễn Hoàng Thiên Diệu, Nguyễn Hoàng Huy, Huỳnh Tấn Đạt, Nguyễn Hoàng Dũ, Trần Minh Chánh.

Họ là những người làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như đoàn thể xã, giáo viên, làm kinh tế gia đình. Trong đó, Diệu và Huy là “chủ xị” liên hệ đặt thiết kế cổng cưới/hỏi, từ tân hôn, vu quy, đính hôn... hoặc nhận làm cổng hoa, cổng chào cắm trại, ngày hội tòng quân, khu du lịch sinh thái hay các sự kiện theo yêu cầu.

Diệu cho biết nhóm bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Nguyên liệu làm cổng hoa chủ yếu từ cọng, lá dừa nước (lá già và đặc biệt là cọng cờ bắp lá), một ít lá của cây dừa và những đồ nghề vật dụng cần thiết.

Diệu chia sẻ, mấy ngày trước có làm cổng tân hôn ở ấp Tường Nhơn A, gia chủ là mẹ ruột của chú rể kể, cả nhà đều vui vẻ đồng ý làm cổng cưới kiểu truyền thống cho ngày vui của con trai “bởi nghe tụi nhỏ nói và thấy bây giờ người ta quay lại cổng thủ công đẹp, vui lắm”. Bà con họ hàng góp thấy cổng đẹp cũng khen dịp cưới/hỏi làm cổng rồng phụng, kết nối đèn dây vào nhấp nháy đẹp, lạ, vừa hiện đại lại truyền thống rất đẹp.

Hay như bác Hai của chú rể nói: “Cổng này quá đẹp, tỉ mỉ, công phu, các cô các chị chắc chắn rất thích chụp hình”. Trong khi ba của chú rể bận bịu họ hàng vẫn đi ra đi vào ngó coi tiến độ, tấm tắc khen: “Các chú khéo tay, thắt tỉa hoa lá, chắc chắn cho ra một chiếc cổng đẹp”.

Đại diện Nhóm Cổng cưới Miền Tây cho biết, chi phí thiết kế mỗi cổng từ 2-8 triệu đồng tùy quy mô từng cổng và sự cầu kỳ của hoa lá. Hàng tháng tùy theo nhu cầu, mùa cưới/hỏi nhiều thì có 6-7 “sô”, tháng ít 3-4, rồi các dịp hội trại hay lễ tết... nên công việc luôn có đều.

Anh Huy hồ hởi chia sẻ thêm, có năm nhóm làm cổng đoạt giải nhất cổng chào mừng trong ngày hội mừng Đảng mừng Xuân của ấp, xã trong huyện, những dịp cắm trại, hội trại tòng quân. Điều có thể nhận thấy là, qua chiếc cổng cưới/hỏi, cổng chào các sự kiện và dịp lễ Tết, niềm vui được lan tỏa từ chính gia chủ, họ hàng, làng xóm, cũng như có được sự trọng thị và nét đẹp truyền thống.

Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn

Anh Diệu kể, ban đầu nhóm nhận thiết kế cổng quanh ấp, rồi trong xã. Dần dần được nhiều người giới thiệu đi qua các xã khác, các huyện khác và sang cả Cần Thơ, về Cầu Kè (Trà Vinh) hay sang Tiền Giang. Sau nhiều năm hoạt động hiệu quả, Huy hiện đang là Bí thư xã Đoàn Tường Lộc đã kết nối tạo việc làm thêm cho 9 đoàn viên thanh niên ở các ấp trong xã. Từ nhóm Cổng cưới Miền Tây ban đầu, đến nay Huy mở rộng thành mô hình kinh tế “Cổng lá dừa của Đoàn Thanh niên xã Tường Lộc”.

Diệu cho biết khi làm cổng cưới/hỏi, những ngày cuối tuần thường làm từ sáng sớm tới hết “buổi đứng” để chiều tối gia chủ đón/đãi khách, sáng hôm sau đưa/rước dâu. Còn những ngày thường trong tuần, nhóm đặt lịch làm cổng vào buổi tối, làm kịp buổi lễ sáng hôm sau để hoa vẫn tươi và lá chưa héo... Những lúc đó, ca thiết kế cổng xong sớm cũng 11-12 giờ đêm, hoặc trễ đến 3-4 giờ sáng hôm sau.

Tùy theo điều kiện, yêu cầu của mỗi gia đình sẽ dựng cổng cưới theo những cách khác nhau. Với cổng rồng phượng, là biểu tượng cho sự hòa hợp âm dương, sự tương sinh, tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Sự hiện diện của biểu tượng 2 linh vật này trong ngày cưới góp phần giúp hôn nhân hòa hợp, bền vững, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không khí gia đình đầm ấm và bình yên. Hiện tại, dịch vụ làm cổng cưới phục vụ rất chuyên nghiệp với nhiều mẫu mã có sẵn hoặc theo ý của khách hàng.

Anh Đạt nói công việc nhiều năm quen rồi, khi hoàn thành việc thiết kế chiếc cổng cho ngày vui và trọng đại của gia chủ, họ hàng đôi bên, mọi người trong nhóm thấy vui lây. Bên cạnh đó, Huy đang nắn nót đan các bông hoa cỡ đại, vừa, nhỏ cho chiếc cổng, nói: “Làm việc này cần tâm huyết, khéo léo và chút hoa tay. Việc chèn, kết những con rết và chim én lá dừa vào vách cổng cần phải tỉ mỉ. Đôi khi làm suốt nắng nôi cũng mệt đừ, nhưng vui vì mang lại nét đẹp và niềm vui cho gia đình trong ngày trọng đại”.

Bên cạnh niềm vui đem đến và chia sẻ cho nhau như kể trên giữa nhóm thiết kế cổng với gia chủ, là sự khen tặng, check in của mọi người dự tiệc và sự kiện. Với Huy, Diệu, Đạt, Dũ, Chánh... và nhiều người khác, đây còn là nghề khá ổn định, kiếm thêm thu nhập cho gia đình bên cạnh công việc hành chính hàng ngày.

TRỊNH MINH THÁI

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doc-dao-nghe-lam-cong-cuoi-mien-tay-post103581.html