Độc đáo nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc

Nét độc đáo của nghề làm gốm Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao 'nắn bằng tay không bàn xoay'. Người phụ nữ Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những sản phẩm có hồn với mẫu mã phong phú và đa dạng.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Sĩ Sơn cho biết: Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) hiện có khoảng 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm. Trong đó, có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm. Đây được xem là một trong những làng nghề gốm lâu đời nhất Đông Nam Á. Theo các nghệ nhân, nghề làm gốm đất rất công phu. Đầu tiên, người Bàu Trúc phải đi lấy đất sét ở khu vực sông Quao. Đất đem về được đập nhỏ, rưới nước vừa đủ, trùm ủ một đêm. Hôm sau, đất được trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Các nghệ nhân nắn và tạo hình gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những trường phái gốm khác. Những sản phẩm được nhào nặn đẹp đến từng chi tiết và rất có hồn, như cái tình của nghệ nhân đã gửi trọn vào đất. Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi. Gốm Chăm được nung lộ thiên bằng rơm, củi trên một bãi đất trống nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đen đậm, chỗ vàng, tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào.

Gốm Bàu Trúc được nắn bằng tay không cần bàn xoay

Sản phẩm được nung lộ thiên

Nghệ nhân giới thiệu cho du khách các sản phẩm gốm

Ngoài dòng sản phẩm truyền thống phục vụ nhu cầu dân sinh và tín ngưỡng, tôn giáo như: Tháp đựng nước, khoang đựng gạo, tượng thần Apsara, tượng thần Shiva..., còn có dòng sản phẩm mỹ nghệ như: Bình phong thủy, phù điêu, đèn trang trí, 12 con giáp… đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được cái hồn của văn hóa Chăm.

Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đã được công nhận là Di sản Phi vật thể cấp quốc gia.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doc-dao-nghe-thuat-lam-gom-bau-truc-110707.html