Độc đáo phiên chợ 'Đoàn Kết' cuối năm ở miền Tây xứ Nghệ

Chợ phiên Nậm Cắn (hay còn gọi bằng cái tên thân mật là chợ Hữu Nghị hay Đoàn Kết) là phiên chợ mang nét đặc sắc riêng của đồng bào các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với tỉnh Xiêng Khoảng (nước bạn Lào), được họp vào các ngày Chủ nhật hàng tháng.

Chợ phiên Nậm Cắn (hay còn gọi bằng cái tên thân mật là chợ Hữu Nghị hay Đoàn Kết) nằm giáp ranh giữa biên giới hai nước Việt – Lào, cách trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hơn 20km, cách TP Vinh khoảng 320km. Phiên chợ được họp vào các ngày Chủ nhật hàng tháng, mang đậm những nét riêng đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái của 2 nước.

Chợ phiên Nậm Cắn (hay còn gọi bằng cái tên thân mật là chợ Hữu Nghị hay Đoàn Kết) nằm giáp ranh giữa biên giới hai nước Việt – Lào, cách trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hơn 20km, cách TP Vinh khoảng 320km. Phiên chợ được họp vào các ngày Chủ nhật hàng tháng, mang đậm những nét riêng đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái của 2 nước.

Trước đây, chợ họp trên khu đất bằng phẳng hình bán nguyệt lưng chừng núi, sát con suối Nậm Cắn. Sau khi Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế, chợ chuyển sang họp trên thửa đất thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào).

Đến chợ phiên Nậm Cắn là đến với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như Thái, Mông, Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An, các dân tộc của Lào ở tỉnh Xiêng Khoảng.

Chợ phiên còn là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của hai nước Việt - Lào từ bao đời nay. Rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền đã được đưa lên đây, trong đó phần lớn là thực phẩm chuẩn bị đón Tết. Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Còn tiểu thương Lào lại cung ứng vải thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ.

Trước đây, phiên chợ chỉ họp một tháng 2 lần vào các ngày 14 và 29 Dương lịch, tuy nhiên hiện nay chợ được họp vào các ngày Chủ nhật hàng tháng, phiên chợ thường được bắt đầu vào lúc 7h sáng (khi cửa khẩu thông quan) và kết thúc lúc 14h chiều. Ở đây người ta có thể trả bằng cả tiền Lào hoặc tiền Việt.

Chợ phiên Nậm Cắn không chỉ là hoạt động giao thương, buôn bán mà là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào. Sau những phiên chợ vùng biên, tình đoàn kết anh em đồng bào giữa 2 nước càng thêm gắn bó.

Việt Hòa - Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doc-dao-phien-cho-doan-ket-cuoi-nam-o-mien-tay-xu-nghe-post286434.info