Độc đáo tên phố Hà thành

(ĐSCT) Khi mà nhiều thủ đô trên thế giới thường đặt tên đường bằng các ký hiệu số thì Hà Nội lại ghi dấu bằng một văn hóa đặt tên đường phố rất riêng. Sự tinh tế này khiến cho đường phố Hà Nội trở thành một loại hình bảo tàng đặc biệt mà qua đó người ta có thể hiểu được những trang lịch sử văn hóa của Hà thành.

Với Hà Nội, tên phố không chỉ mang mục đích cho mọi người nhận biết địa danh và gọi, mà còn là biểu trưng cho những giai đoạn lịch sử của thủ đô. Trước khi bị thực dân Pháp chiếm đóng, phố phường Hà Nội thường được đặt tên theo các dải đất hoặc công trình mà phố đi qua hoặc các sản vật mà người dân phố đó buôn bán như phố Hàng Đường (chuyên bán các sản phẩm làm từ đường), Hàng Chiếu (chuyên bán các sản phẩm làm từ cói), Hàng Gà (chuyên bán các loại gia cầm)... Những đường phố mới mang tên các danh nhân hình thành từ khá lâu (đường Đinh Tiên Hoàng, đường Lê Lai) “Khéo tay hay nghề, đất kẻ chợ” là câu ngạn ngữ quen thuộc ca ngợi tài hoa của những người thợ thủ công kinh thành Thăng Long. Thủa ban đầu hình thành, bên cạnh những làng nghề, phường nghề của Hà Nội gốc còn có nhiều hiệp thợ thủ công đổ về kinh thành từ mọi miền đất nước. Họ đi từng nhóm theo dòng họ và hầu hết đều là thợ giỏi, thợ cả, để có sức cạnh tranh ở một thương trường sành sỏi, tinh đời nhất cả nước này. Lúc đầu họ đến làm ăn theo thời vụ nông nhàn, dần dà “đất lành chim đậu”, họ ở lại lập thành những phường, hội thủ công ở quê mới Thăng Long. Các phố hàng, phố nghề bắt đầu hình thành từ đấy. Hàng Bạc chuyên buôn bán đồ trang sức, đồ chạm bạc là nơi những thợ kim hoàn từ làng Định Công hay Đồng Xâm (Thái Bình) về lập nghiệp. Dân Cầu Nôm làng Đại Bái, Bắc Ninh lập ra phố Hàng Đồng. Thợ khắc mộc bản in sách, làm con dấu cho vua quan, sớ tấu, tranh dân gian người làng Liễu Chàng (huyện Gia Lộc, Hải Dương). Dân làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông lập ra phố Hàng Gai. Phố Hàng Giày và ngõ Hải Tượng là do dân làng Chằm (Hải Dương) đem nghề làm giày dép đến kinh thành... Cứ như vậy, những phường nghề, phố nghề Hà Nội thêm nổi tiếng, tỏa sáng khắp cả nước. Hà Nội tạo nét riêng với cách đặt tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Bên cạnh những phố nghề đã mất, Hàng Chiếu, Hàng Mã vẫn còn lại dấu ấn của nghề Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, diện mạo của kinh thành Thăng Long xưa đã đổi thay nhiều. Nhiều phố nghề đã chuyển hình thức sản xuất kinh doanh buôn bán song vẫn còn đó hình hài của khu phố cổ cùng bóng dáng những phường nghề thủ công xưa. Trong Thú ăn chơi của người Hà Nội, nhà văn Băng Sơn cảm nhận: “Với trên sáu mươi phố mang chữ Hàng, vẻ xa xưa chưa hết, Hàng Mành vẫn làm mành. Hàng Hòm vẫn đóng hòm, va ly gỗ. Hàng Thiếc làm thùng tôn, ống máng, cắt kính. Hàng Mã vẫn làm đèn lồng hoa giấy. Hàng Bông vẫn còn nhiều nhà làm cốt chăn bông”. Nhưng bên cạnh đó nhiều phố mang tên cũ mà không còn một ai làm nghề cũ ấy nữa: Hàng Gà, Hàng Cá, Hàng Gai, Hàng Bún, Hàng Cót, Hàng Bồ... Có những phố nguyên có chữ “Hàng” nhưng đã được mang tên mới như Hàng Cỏ (Trần Hưng Đạo), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Giò (Bà Triệu phía trên), Hàng Lọng (đường Nam Bộ rồi Lê Duẩn), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng)... Dù vậy, nhà văn “vẫn cảm động khi bước chân đến những khu nhà khấp khểnh như tranh Bùi Xuân Phái: Hàng Cân, Hàng Chỉ, Hàng Chai, Hàng Hành, Hàng Bè, Hàng Giấy, Hàng Vôi, Hàng Cháo...”. Việc lấy tên danh nhân đặt cho đường phố là một tập tục ở nhiều nước châu Âu. Việt Nam đã tiếp nhận cách đặt tên này nhưng đặt theo từng cụm danh nhân, mỗi cụm danh nhân tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử. Nét đặc trưng này cũng chỉ Hà Nội mới có. Chẳng hạn, cụm đường quanh hồ Gươm - trung tâm thủ đô là khu vực của nhà Đinh, nhà Lê và nhà Lý, những vị vua đầu tiên khai phá ra kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Phố chính Lê Thái Tổ nối với các phố Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ là những tướng tài của vua Lê xưa. Đi về hướng Cung văn hóa Hữu Nghị là địa phận của nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành, Vũ Lợi. Còn phía hồ Tây, chốn thơ mộng, hữu tình được dành đặt tên cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân. Theo PGS.TS Nguyễn Hải Kế, việc đặt tên phố, tên đường ở Hà Nội biến thiên theo từng thời kỳ lịch sử đã phản ánh được quá trình tích hợp, giao lưu, tiếp xúc giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây của đất kinh kỳ. Việc lấy tên các danh nhân đặt cho đường phố Hà Nội còn thể hiện lòng biết ơn của người Hà Nội đối với những người có công xây dựng đất nước, xây dựng thủ đô. Hà Nội ngày nay đã mở rộng gấp 3,5 lần, số lượng đường phố tăng gấp đôi, đòi hỏi có một sự sắp xếp, hệ thống lại và đặt mới rất nhiều tên gọi hành chính. Sẽ có thêm nhiều danh nhân văn hóa hội tụ về đây qua những tên phố, tên đường, để tiếp tục phát triển cái khía cạnh văn hóa đặc thù này của thủ đô nghìn năm tuổi.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=136616&mod=detnews&p=