Dọc đường Văng Viêng

-Ngày mai chúng ta đi Văng Viêng nhé! - Anh Khăm Xẻng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Lào KPL nói với tôi sau bữa cơm tối: - Đường không được tốt đâu nhưng đến nơi, các anh sẽ hiểu vì sao rất nhiều du khách muốn đến đấy!

-

Chúng tôi lên đường khi thành phố Viêng Chăn vừa thức dậy. Từ Hà Nội náo nhiệt ồn ào, cảm nhận đầu tiên ở đây là sự yên bình! Đường phố thoáng đãng, những dãy phố không nhiều nhà cao tầng, không còi xe ôtô, người đi lại lặng lẽ, không khí trong lành với những ngọn gió ẩm ướt phía sông Mê Công thổi vào… Sự yên tĩnh có lẽ với người Hà Nội chỉ còn là một hoài niệm!

Du lịch trên dòng Nậm Song.

Trên bản đồ, Văng Viêng nằm ở khoảng giữa Viêng Chăn ở phía nam và Cố đô Luang Prabang ở phía bắc trên quốc lộ 13, con đường trục dọc nước Lào. Đường chạy qua những cánh đồng lúa đang xanh, khu rừng chưa bị làn sóng đô thị hóa tàn phá, những mái nhà sàn thấp thoáng sau những vườn cây… Quang cảnh gần gũi như một vùng nào đó ở Việt Nam!

- Văng Viêng trước đây là căn cứ của người Mỹ, có sân bay quân sự chuyên dùng trong chiến tranh Việt Nam! - Chị Bua Pha, Trưởng ban Quốc tế của KPL, một trong những người bạn Lào giỏi tiếng Việt ở Viêng Chăn hiện nay, nói với tôi - Khu vực này ngày trước cũng là căn cứ địa của lực lượng phỉ Vàng Pao đấy anh ạ!

Bua Pha kể khi xe đang chạy qua khu còn nguyên vẻ hoang sơ với ký ức về của một thời đã qua:

- Năm 1968, em mới 12 tuổi, ở Xiêng Khoảng. Chiến sự ác liệt. Cuộc sống vô cùng nguy hiểm. Bố mẹ cho em đi Việt Nam với một số bà con trong vùng để lánh nạn. Em đã đi bộ trên 200 km dưới bom đạn để đến được biên giới Việt - Lào rôìsống ở Thanh Hóa, xa gia đình từ đấy. Em học ở trường nội trú cho các học sinh Lào trên đất Việt Nam, được các thầy cô giáo và các gia đình Việt Nam coi như con đẻ, mãi cho đến khi vào đại học em mới được cử sang Nga học… Những người như em ở Lào rất nhiều. Việt Nam thực sự là quê hương thứ hai của em!

Tổng Giám đốc Khăm Xẻng là một người rất chu đáo. Trước khi ra khỏi thành phố, anh cho dừng xe, tự mình cùng Bua Pha chọn mua trái cây, nước uống. Anh cho đem theo cả phích đá để chúng tôi có bia lạnh uống dọc đường. Anh bảo: “Đi đường uống bia chuyện mới vui!”.

Hôm qua, trong buổi gặp nhân dịp xuất bản tập sách viết chung của cán bộ TTXVN và KPL trong thời kỳ chiến tranh, anh ân cần với thiệu với tôi từng người bạn Lào. Nhiều các bác cao tuổi, về nghỉ đã lâu cũng đến dự cuộc gặp. Những kỷ niệm về một thời gắn bó, chia sẻ trong mưa bom bão đạn của những người làm thông tấn hai nước vẫn rưng rưng trong mỗi câu chuyện kể, ánh mắt nhìn và mỗi nụ cười… Chị Bua Pha nói nhỏ với tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Khánh:

- Anh Khăm Xẻng không khỏe đâu, sức yếu lại đang trị bệnh. Anh ấy vẫn điVăng Viêng là quýcác bạn Việt Nam lắm đấy!

Tình nghĩa ấy chúng tôi cảm nhận được qua mỗi con người đã gặp. Anh Khểm Thoong, Phó Tổng giám đốc KPL, kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm từ thời là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội hơn 30 năm trước và cả về tình yêu của anh với cô gái Hà Nội cùng học, người vợ của anh hiện nay.
Còn chị Keothida Xixane, cũng là một cán bộ lâu năm của KPL thì có một cuộc đời rất khác. Hoàng Chương, Trưởng phân xã TTXVN tại Lào cho tôi biết:

- Chị Keothida là cháu ngoại của nhà văn hóa nổi tiếng Xisana Xixane, người sáng tác Quốc ca Lào, từng là Bộ trưởng Thông tin Văn hóa nhiều năm. Bố của chị là một chiến sĩ cách mạng Việt Nam, hoạt động ở Lào từ những năm 40 của thế kỷ trước. Chị vừa chào đời thì bố chị bị bắt và bị trục xuất về nước! Chị sống với mẹ ở Viêng Chăn mãi đến sau năm 75 mới tìm gặp được cha mình…

Mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào có thể thấy ngay trong từng số phận những người như Bua Pha, Khểm Thoong và Keothiđa!

- Văng Viêng đấy!- Bua Pha nói với chúng tôi sau khi xe qua hồ Nậm Ngừm, quamột cánh rừng thiên nhiên và rẽ vào một con đường nhỏ. Chị giới thiệu với chúng tôi cô gái nhỏ nhắn ngồi cạnh mình rất ít nói trong suốt chặng đường: -Đây là quê hương của Viêng Xỉ. Chúng ta là khách thăm còn cô ấy thì về nhà mình!

Khác với Bua Pha cao lớn, năng nổ và hướng ngoại, Viêng Xỉ dịu dàng, có phần rụt rè với một nụ cười rất hiền. Cô ít tham gia trò chuyện vì không biết tiếng Việt. Rất may qua lời giới thiệu của Khăm Xẻng, tôi biết Viêng Xỉ đã học ở Taxken (Udơbêkixtan), thời Liên Xô cũ. Chúng tôi nói với nhau bằng một thứ tiếng Nga lúc nhớ, lúc quên nhưng cũng đủ để hiểu đôi điều về cuộc sống của cô. Gia đình Viêng Xỉ ở Văng Viêng từ nhỏ. Năm 18 tuổi, cô rời quê hương đi học xa nhà. Hiện giờ ở Văng Viêng còn mẹ và chị gái đang sống. Cô nói:

- Các anh chỉ có vài ngày nhưng em cố gắng lên chương trình để các anh hiểu nhiều nhất về Văng Viêng!

Chúng tôi nghỉ ở một khách sạn nằm ngay bên bờ sông. Những căn nhà nhỏ thấp tầng lẫn trong cây xanh. Ngay trước cửa, dòng Nậm Song mùa nước lên đang cuộn chảy. Bên kia sông, dãy núi Văng Viêng ngay trong tầm mắt, một màu xanh còn khá nguyên sơ của rừng đại ngàn bí ẩn, mời gọi.

- Nếu các anh không ngại, chúng ta đi thuyền ngược dòng Nậm Song, chiều thăm thị trấn! - Khăm Xẻng nói sau bữa ăn trưa nhanh gọn.

Chúng tôi đồng ý ngay. Nhà nhiếp ảnh Vũ Khánh thì giơ cả hai tay! Còn có cơ hội nào tốt hơn như vậy để đi dọc vùng này, vào tận trong chân núi.
Chúng tôi đi trên hai chiếc thuyền máy nhỏ, thân mảnh, đầu vút cong lên theo dáng thuyền độc mộc. Mỗi thuyền ngoài người chạy máy chỉ chở hai người. Chúng tôi được nhắc nhở ngồi cho cân vì ngược dòng, nước chảy mạnh nên phải cẩn thận. Thuyền rời bến, sau một đoạn lấy đà, mọi chuyện đều ổn. Tiếng máy nổ đều đều hòa trong tiếng nước chảy, hơi mát lan tỏa mặt sông giữa một vùng trời đất bao la đem lại sự sảng khoái, khiến chúng tôi không nghĩ rằng mình vừa vuợt qua trên 160 km đường bộ khá vất vả. Chúng tôi đang có mặt ở nơi từng là căn cứ của phỉ Vàng Pao khét tiếng, sân bay quân sự Mỹ trong chiến tranh…; bây giờ đã trở thành vùng du lịch hấp dẫn. Điều ấy thật khó tưởng tượng trước chuyến đi này!

Thuyền vẫn ngược dòng, hướng về phía chân núi. Từ dưới mặt sông nhìn lên, cảnh sắc thật đẹp. Chiếc cầu treo bắc ngang sông, như đang ở lưng trời, nối đường đi vào những hang động cổ. Những người du lịch nước ngoài vai đeo ba lô đi bộ thành từng tốp nhỏ. Những người phụ nữ Lào mặc váy hồng, tay cầm ô đi trên cầu nổi bật giữa nền núi xanh. Hai bên bờ, xen lẫn giữa rừng cây là những khách sạn, nhà nghỉ. Những ngôi nhà nhỏ hòa hợp với cảnh quan xung quanh. Ngược vào trong núi, chúng tôi bất ngờ với cả một khu du lịch sinh thái được hình thành ở đây với những hình thức vui chơi gắn với sông nước và thiên nhiên hoang dã.

Trước tiên là những người nằm trên phao trôi xuôi dòng thành từng tốp. Nhìn qua cũng biết là khách du lịch phương Tây. Họ giơ tay vẫy chào chúng tôi khi trôi ngang thuyền một cách thân thiện. Những gương mặt trẻ vui vẻ cho thấy họ đang rất thích thú với cảm giác trôi sông theo cách rất độc đáo này. Họ “đi” thành từng tốp, nắm tay nhau và hát hò vui nhộn.

Càng vào sâu, quang cảnh càng náo nhiệt hơn. Nhiều bến tắm dựng đơn sơ bên những cánh rừng với những mái lá nghỉ tạm. Người ta chơi đủ các trò trên nước. Những chiếc cầu trượt lớn được dựng lên. Người mạo hiểm trượt từ trên cao và lao thẳng xuống mặt sông trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Có cả những chiếc phao cực lớn và cầu bật bằng gỗ cho những ai muốn nhảy từ trên bờ xuống. Nhiều người đu trên những tấm ván gỗ để chơi trò được gọi là Tubing. Những tấm ván được neo vào những cây cột bằng những sợi dây lớn. Dòng chảy kéo những tấm gỗ xuôi dòng, tạo sức căng cho người vui chơi, đùa nghịch… Nhiều bến tắm được dựng lên như thế dọc theo sông. Trong một quãng ngắn, chúng tôi đã đếm được mấy chục điểm vui chơi như vậy với cả ngàn người. Họ đến từ rất nhiều nước. Với những người ở chốn đô thị chật chội, nhịp sống gấp gáp, những ngày ở Văng Viêng thực sự là dịp thư giãn tuyệt vời dành cho họ. Nhiều tốp ở lại đêm ngay trong rừng, đốt lửa trại, nướng thịt ăn, vui chơi nhảy múa như con người thời tiền sử!

Trên mạng Internet, Văng Viêng là một địa chỉ quen thuộc của du khách bốn phương. Không phải tình cờ khi nhiều du khách gọi Văng Viêng trên các trang nhật ký là “Thiên đường nhỏ”, “Nơi gặp gỡ của những người trẻ”… và “Thủ đô của các màu da”. Văng Viêng cho người ta thấy các bạn Lào biết cách làm du lịch theo cách thức rất chuyên nghiệp và khả năng thích nghi, giao thoa với những nền văn hóa khác trên mảnh đất của mình!

Cuối giờ chiều, chúng tôi trở vào thị trấn. Khó có thể hình dung được một đô thị nhỏ với hơn chục ngàn dân lại ồn ào, đông đúc và nhiều sắc màu đến như vậy. Người du lịch sau những ngày leo núi, trượt ván, trôi sông giờ tràn ra phố. Đủ màu sắc, đủ thứ ngôn ngữ từ của nhiều dân tộc. Những quán ăn nhanh chen lẫn những nhà hàng truyền thống của Lào. Những của hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, sản vật địa phương kề bên nơi bán đồ dùng cho khách du lịch. Người ta ngồi ăn ngay bên hè phố, nghe nhạc, ca hát và trò chuyện như trong một lễ hội đường phố độc đáo.

Viêng Xỉ cho chúng tôi biết, Văng Viêng theo sử sách ra đời vào năm 1353 với tên ban đầu là Mouang Song, sau khi thi thể của nhà vua Phra Nha Pao qua đời vào thời điểm ấy được thả trôi từ thượng nguồn sông Nậm Song tới vùng này. Vào thời cai trị của người Pháp, khoảng những năm 1890 thị trấn này mới đổi tên là Văng Viêng!

Cô đưa chúng tôi đi trên những con đường nhỏ đã quen thuộc thuở còn cắp sách tới trường, một Văng Viêng của riêng cô đối lập với khung cảnh náo nhiệt hiện nay. Tôi chợt nhớ tới lời cảnh báo của một số tổ chức quốc tế khi nói tới những nguy cơ về môi trường và thách thức về việc giữ gìn bản sắc văn hóa Lào ở Văng Viêng trong quá trình mở cửa và phát triển! Một lời cảnh báo không chỉ dành riêng cho khu vực này!
Tối hôm ấy chúng tôi tới thăm nhà chị gái của Viêng Xỉ. Vợ chồng chị là giáo viên tại một trường trung học trong thị trấn. Một ngôi nhà khá khang trang ở ngay bên đường quốc lộ, sân vườn khá rộng. Người anh rể tên là Đăm Đi, ngoài 50 tuổi, vui vẻ cùng gia đình đón khách Việt Nam. Một bình rượu cần đã được để sẵn ngoài sân. Mấy thanh niên đang chế nước vào ngâm. Trên bàn đã bày sẵn xôi nếp, thịt nướng và một loại bánh lá làm từ bột gạo, đỗ xanh theo kiểu địa phương. Người chị của Viêng Xỉ tất tả ra vào chuẩn bị đồ ăn. Một không khí ấm cúng, thân tình rất đặc biệt. Bua Pha nói với tôi:- Người Lào bao giờ cũng muốn mời khách quý về nhà!

Chúng tôi uống rượu cần chung hai, chung ba với những người bạn Lào, trò chuyện về cuộc sống của nguời dân trong vùng. Theo anh Đăm Đi, đời sống của người Văng Viêng mấy năm vừa qua đã khá lên. Mùa màng tốt. Nhiều người làm dịch vụ du lịch, thu nhập cao hơn trước. Nhiều gia đình trong vùng đã có nhà mới, mua ô tô, sắm sửa các đồ dùng cao cấp. Tuy nhiên cũng còn những gia đình khó khăn… Các bạn cũng quan tâm về cuộc sống hiện nay ở Việt Nam, nhắc đến những người chiến sĩ Việt Nam đã từng đến vùng này trong những năm tháng chiến tranh với những tình cảm đặc biệt.
Chúng tôi nhớ mãi bữa cơm đêm ấy ở Văng Viêng. Ánh trăng trong xanh tỏa sáng khoảnh sân nhỏ. Những ngụm rượu cần với men lá riêng ờ vùng này êm dịu đắm say lòng người. Những típ xôi mềm thơm hương vị nếp Văng Viêng…

Tôi không bao giờ quên câu nói chân tình của mẹ anh Đăm Đi khi chúng tôi chào cụ. Đã ngoài tám mươi nhưng cụ vẫn rất tinh anh, hoạt bát. Cầm tay tôi, cụ dặn:

- Các cháu đã đến đây thì thành người nhà rồi nhé. Sau này đi đâu ngang qua nhớ rẽ vào thăm. Thiếu cơm có cơm ăn, thiếu nước có nước uống. Ngôi nhà này luôn mở rộng cửa cho các cháu!

Những lời ấy cụ từng nói với những người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam qua vùng này trong những năm tháng kháng chiến đã xa xôi và đến hôm nay nói với chúng tôi vẫn vẹn nguyên một tấm lòng tha thiết!

Buổi sáng hôm sau chúng tôi dành thời gian đến thăm chùa bản Viêng Xay, một ngôi chùa nhỏ trong vùng đúng vào ngày Lễ Hokhậu Pađắpđin, một ngày lễ tương tự như lễ Rằm tháng bảy của Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Trang, người cùng đoàn, vốn sinh trưởng trên đất Lào, cho biết:

- Lễ Hokhậu Pađắpđin (Haw Khao Padap Din) thường rơi vào khoảng cuối tháng 8 dương lịch, nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng tôn kính đối với người đã khuất và cúng lễ vật cho sư sãi ở các chùa, những người đã tụng kinh niệm Phật, cầu phúc cho người chết trong cả năm qua. Theo tục lệ Lào không có nghĩa trang dành cho người chết. Người chết được đốt xác và sau đó bỏ tro vào một cái lọ đem chôn trong khuôn viên chùa. Mỗi người chết được xây một chiếc tháp dọc tường rào của chùa, trong đó có lọ tro. Tháp to hay nhỏ và đẹp hay không là tùy điều kiện kinh tế gia đình. Ở Lào, những nhà có đám hiếu cho rằng người chết được về cõi Phật, cõi vĩnh hằng. Mọi người đến viếng đều được mời ăn uống cả ngày đến tận khuya; ở nông thôn có nơi còn tổ chức hát lăm để tránh bầu không khí ảm đạm, đau buồn... Ở mỗi bản hoặc xã đều có một ngôi chùa để người dân tiện việc lễ bái. Cả nước Lào hiện có gần 5.000 ngôi chùa lớn nhỏ. Chùa làng thường do người dân tự quyên góp tiền xây dựng, mang tên của bản làng có ngôi chùa đó!

Khi chúng tôi đến nơi, buổi lễ đang diễn ra. Khung cảnh đơn sơ những rất trang trọng. Nhà sư trụ trì đang đọc kinh cầu chúc. Người đến dự ngồi kín cả vạt sân rộng. Gần như cả bản đều có mặt ở đây, từ những cụ già đến các em nhỏ. Nhiều gia đình cùng đi, ngồi tập trung trên những chiếc chiếu cói nhỏ. Tất cả đều ăn mặc lịch sự, vẻ thành kính, trang nghiêm hiện trên nét mặt. Mỗi gia đình, không phân biệt giàu nghèo đều mang theo lễ vật: một típ xôi nếp, ít hoa quả, kẹo bánh và tiền.

Người dân dự lễ Hokhậu Pađắpđin.

Viêng Xỉ đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc làn nhỏ với những đồ lễ mà cô đã chuẩn bị từ trước. Khi ngồi xếp bằng trên cỏ giữa đám đông bà con bản Viêng Xay, tôi có cảm giác đang ở một ngôi chùa nào đó ở Việt Nam, giữa những người thân thuộc. Ngay bên tôi là một cháu bé chừng 5 tuổi đi cùng cha mẹ. Gương mặt trẻ thơ của cô bé ánh lên vẻ hiền hòa, hướng thiện khi nghe đọc kinh một cách rất chăm chú. Tôi hiểu rằng những giá trị tinh thần của người Lào được hình thành từ những sinh hoạt cộng đồng như thế này. Dân làng cũng có người giàu, kẻ nghèo nhưng ở buổi lễ này, họ dường như đều bình đẳng và thân thiện với nhau, cùng hướng tới những điều tốt đẹp vốn là nền tảng ngàn đời cho cuộc sống của họ.

Khi lễ cầu kinh xong, những người có mặt dâng đồ lễ của mình tại dãy bàn lớn đặt ở giữa sân. Rất nhẹ nhàng, trật tự. Người già, trẻ em, phụ nữ đi trước, nam giới đi sau. Một sự im lặng tuyệt đối. Tôi cầm chiếc làn nhỏ của mình đứng vào hàng. Một tấm khăn Viêng Xỉ quàng chéo qua người cho tôi làm nên sự trang trọng của người dự lễ. Lúc đặt đồ lễ lên, tôi nhớ lời cô dặn: Bốc một nắm xôi từ trong típ đặt vào chiếc mâm lớn giữa bàn và cầu chúc cho những linh hồn không may mắn đang phiêu bạt, cầu chúc cho đức tin, cho sự bình yên tốt đẹp luôn ngự trị ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này!

Văng Viêng, 8/2011

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/152n20111116194952738t129/doc-duong-vang-vieng.htm