Độc lạ với làng trồng bưởi đỏ duy nhất tại Hà Nội

Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội là nơi đang lưu giữ giống bưởi đỏ quý hiếm. Giống bưởi đỏ là thức quả tiến vua độc đáo bởi màu đỏ từ trong ra ngoài, múi nào múi nấy căng mọng, vị chua dịu không đắng.

Nguồn gốc bưởi đỏ Đông Cao có từ cách đây khoảng 60 năm về trước, do một người dân trong vùng đem về trồng. Thời điểm đó, bưởi đỏ có giá trị bằng một đấu gạo, bởi sự độc, lạ về màu sắc và chất lượng quả bưởi.

Bưởi đỏ Đông Cao – giống bưởi độc lạ. (Ảnh: Hồng Ngọc)

Bưởi đỏ Đông Cao – giống bưởi độc lạ. (Ảnh: Hồng Ngọc)

Bưởi đỏ Đông Cao rất lạ và đặc sắc, khi còn non thì có màu xanh, khi già quả có màu vàng, tới lúc chín sẽ chuyển sang một màu đỏ căng mịn trông rất đẹp mắt, tượng trưng cho Tài lộc - Thịnh vượng - May mắn. Bên trong quả bưởi, tép bưởi có màu hồng đào, vị chua nhẹ.

Trước khi chuyển sang màu đỏ, quả bưởi non có vỏ màu vàng giống như các giống bưởi khác.

Hiện nay, cả xã Tráng Việt có khoảng 40 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 2.000 cây, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao.

Vào những ngày cận Tết, không khí tại thôn Đông Cao dường như tấp nập, rộn ràng hơn bởi thương lái ở nhiều nơi đổ về đây đặt mua bưởi. Bưởi bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 8 – 12 âm lịch. Một số đơn vị muốn mua bưởi đỏ phải đặt trước 2 tháng.

Sự kết hợp giữa chất lượng mẫu mã độc đáo cùng hương vị đặc biệt nên giống bưởi đỏ này có giá trị cao hơn nhiều giống bưởi khác.

Theo ông Lương Văn Phương – Giám đốc HTX bưởi đỏ Đông Cao cho biết, mỗi quả bưởi nặng trung bình 0,8 – 1,2kg, giá bưởi dao động từ 90-100 nghìn đồng/quả, vào các dịp lễ Tết giá có thể tăng gấp đôi.

Người dân Đông Cao hái bưởi phục vụ Tết Nguyên đán. (Ảnh: Hồng Ngọc)

Ông Lương Văn Phương - Giám đốc HTX bưởi đỏ Đông Cao chia sẻ về giống bưởi đỏ. (Ảnh: Đào Thúy)

Mặc dù quý hiếm là vậy, thế nhưng đã có thời gian giống bưởi này gần như bị thất truyền do bưởi Diễn lên ngôi khiến diện tích trồng bưởi đỏ bị thu hẹp.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, mô hình trồng bưởi đỏ lại đang được người dân tập trung phát triển rộng rãi bởi nó mang lại kinh tế cao hơn so với các giống bưởi khác.

Cây bưởi Tổ của làng được gia đình ông Lương Văn Phương bảo tồn.

Hiện nay, giống bưởi đỏ Đông Cao còn được nhân giống ở nhiều địa phương khác như Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn và một số tỉnh ở phía Nam.

Bưởi đỏ Đông Cao không chỉ đẹp về sắc, mà còn có hương thơm nồng nàn, thắm đượm quyến rũ đến nao lòng. Người dân xã Tráng Việt ví bưởi đỏ Đông Cao như "Quốc sản Việt Nam".

Hồng Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/doc-la-voi-lang-trong-buoi-do-duy-nhat-tai-ha-noi-169230105140250326.htm