Đọc lại tác phẩm 'Người thầy đầu tiên' của Aitmatov

Tôi thường có thói quen đọc lại những tác phẩm văn học mà mình yêu thích vào những dịp đặc biệt nào đó. Và, mỗi mùa tri ân thầy cô giáo, tôi lại tìm tập truyện 'Gamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên' của Aitmatov để đọc lại 'Người thầy đầu tiên'...

Một trong những hình ảnh bìa sách "Người thầy đầu tiên" (Ảnh Internet)

Như bao nhiêu lần trước, “Người thầy đầu tiên” vẫn khiến tôi rưng rưng xúc động và vấn vương mãi không thôi. Từ thuở nhỏ, khi đọc đoạn trích “Hai cây phong”, tôi đã vô cùng ấn tượng với hình tượng người thầy Đuysen cùng cô học trò Antưnai. Cho đến khi tiếp cận toàn bộ tác phẩm, tôi càng thấm thía hơn về hình tượng cây phong, về người thầy giáo khiêm nhường, hiền hậu Đuysen. Và cũng không hiểu từ bao giờ, Đuysen cũng đã trở thành người thầy của chính tôi để lòng tôi luôn dậy lên cảm giác kính trọng, yêu mến khi nghĩ về thầy.

Aitmatov kể câu chuyện ở đất nước ông mà tôi thấy gần gũi như ở đất nước tôi bởi sự tương đồng trong một giai đoạn lịch sử, trong tình cảm của con người với con người, trong đạo lý thầy trò. “Người thầy đầu tiên” là câu chuyện về một người lính phục viên - một đoàn viên Cômxômôn vào buổi đầu của Cách mạng tháng Mười đã tình nguyện đến một vùng quê heo hút, hẻo lánh xứ núi đồi Trung Á để gieo lên những hạt mầm ánh sáng đầu tiên cho lớp trẻ. Những đứa trẻ thất học trong tăm tối của kiếp người bán du mục quanh năm chỉ biết quẩn quanh thôn bản của mình đã được khai sáng bằng một người thầy giáo chưa biết hết mặt chữ và giáo cụ chỉ có mỗi bức chân dung Lênin.

Tác giả Chingiz-Aitmatov năm 1978 (Ảnh Intrernet)

Chuyện về thầy giáo Đuysen là một câu chuyện giản dị nhưng đã được Aitmatov kể lại bằng sự biến hóa tài tình trong ngôn ngữ. Ở đó không chỉ có ngôn ngữ kể chuyện, trần thuật mà còn có ngôn ngữ tâm lý, ngôn ngữ hình tượng. Sự hóa thân tài tình của tác giả vào 2 nhân vật họa sỹ và Antưnai cùng chất tự sự pha tính trữ tình, chất hồn nhiên pha chất biện chứng trong ngôn ngữ của truyện đã giúp tác giả thành công trong việc khắc họa đậm nét hình tượng người thầy giáo tình nguyện dũng cảm và đầy hoài bão, đầy nhân hậu.

Thầy Đuysen là hình tượng của người lính cách mạng thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, những người đã quên thân mình vì sự nghiệp chung, vì tương lai của đất nước. Thầy đến ngôi làng hẻo lánh đó và kiên nhẫn thuyết phục, kiên nhẫn đấu tranh để cho thế hệ trẻ ở đó thoát khỏi sự tăm tối của những định kiến cổ hủ, lạc hậu.

Câu chuyện mà Aitmatov kể trong “Người thầy đầu tiên” có rất nhiều chi tiết đáng ghi nhớ nhưng điều tôi ấn tượng nhất vẫn là tình cảm ân cần của người thầy. Là ý nghĩa truyền lửa trong việc dạy chữ của thầy Đuysen. Thầy đã biết cách thức dậy những khao khát tiềm tàng trong học trò của mình, biết thắp lên niềm hy vọng ở tương lai. Gấp trang sách lại, tôi vẫn như còn nghe văng vẳng lời thầy Đuysen gọi Antưnai: “Dòng suối trong trẻo của thầy!”, “Ngôi sao nhỏ trong sáng của thầy!”, “Ngọn lửa nhỏ của thầy!”… Đó là tình cảm của người thầy, của người cha, người anh và cả một người yêu thầm lặng. Thầy Đuysen đã mang đến sự bình yên, niềm tin yêu và thắp lên trong lòng Antưnai những niềm hy vọng, khát vọng đổi thay bằng con đường học tập.

Làng Kurkurêu trong tác phẩm (Tranh minh họa từ Internet)

Truyện để lại nhiều nuối tiếc khi cuối đời, thầy Đuysen sống trong cảnh cô đơn, lặng lẽ nhưng điều đó thêm một lần nữa khắc họa rõ nét hơn hình tượng về một thanh niên đầy hoài bão, đã chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng tư của mình để làm đổi thay một ngôi làng, một vùng đất mà không cần một sự thừa nhận hay trả ơn nào.

Thầy chính là cây phong với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ nơi làng quê ấy, đồng thời là tấm gương mẫu mực để bất kỳ người giáo viên nào cũng có thể soi vào để tự học, tự rèn luyện.

tuệ mẫn

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/doc-lai-tac-pham-nguoi-thay-dau-tien-cua-aitmatov/164147.htm