Đọc Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996-2016)

SKĐS - Trong năm 2017, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tác phẩm Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (gồm 2 quyển) của nhà lý luận phê bình Ðỗ Ngọc Yên.

Hai tập sách dày khoảng 400 trang (khổ 14,5 x 20,5) vừa làm công việc “điểm danh” vừa phác họa chân dung, cuộc đời sáng tác văn chương của những người cầm bút nổi tiếng đã được trao giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật nước nhà. Sự ra đời kịp thời của tác phẩm, theo tôi, thực sự có ích với bạn đọc trong và ngoài quân đội; giúp họ phần nào tiếp cận, hình dung được thành tựu văn học, tính cách, cuộc sống của các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.

Cuốn Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh là một tập sách đa thể loại, bao gồm ký - chân dung - lý luận - phê bình văn học mà Đỗ Ngọc Yên đã ấp ủ từ nhiều năm trước đây. Theo tôi biết, thời gian ông hoàn thành “công trình” này mất hơn 4 năm. Rõ ràng, đây là loại sách chuyên khảo về một đối tượng nhất định; đó là những nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh từ 1996 đến 2016. Điểm danh ta thấy có 40 nhà văn như Anh Đức, Anh Thơ, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Đỗ Chu, Hà Xuân Trường, Hải Triều, Hoài Thanh, Hoàng Tích Chỉ, Hồ Phương, Hữu Mai, Hữu Thỉnh, Huy Cận, Lê Văn Thảo, Lưu Trọng Lư, Ma Văn Kháng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Xuân Thiều, Nông Quốc Chấn, Phạm Tiến Duật, Phan Tứ, Tế Hanh, Thu Bồn, Tô Hoài, Tố Hữu, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh.

Bìa tác phẩm của nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên.

Có một điều làm ta phải chú ý là các tác giả có mặt trong cuốn Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (quyển 1 và 2) đều được xếp A, B, C theo thứ tự bút danh làm nên sự nghiệp văn chương của họ. Nó không bao hàm sự sắp xếp thứ hạng trước sau, trên dưới của người viết đối với các nhà văn có mặt trong tập sách này. Phải chăng, trong suy nghĩ của người làm sách là nên để các nhà văn “bình đẳng” với nhau, mỗi người một vẻ, có thành tựu và đóng góp riêng vào nền văn học nước nhà. Tôi nghĩ đây là sự “khôn ngoan” của Đỗ Ngọc Yên, chứ thật ra, không dễ xếp các nhà văn vô cùng nổi tiếng ấy vào những vị trí trước sau, cao thấp.

Lối viết của Đỗ Ngọc Yên trong cuốn Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996-2016) khá linh hoạt, mềm mại chứ không phải chỉ triển khai theo một kiểu (thể loại), ca ngợi một chiều. Đúng ra là ông trình bày những cảm nhận, quan sát theo cách của mình về đời sống và tác phẩm của các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ cái tên đặt cho mỗi bài viết cũng đã thể hiện điều đó. Ví dụ bài viết về Anh Đức, ông đặt tên Người luôn có thần may mắn đi cùng; Chế Lan Viên: Người suốt đời đi tìm sự thích ứng không thành; Hồ Phương: Cỏ non làm nên văn hiệu; Nguyễn Công Hoan: Ông vua truyện châm biếm mới “đọc thông, viết thạo”; Nguyễn Đình Thi: Phong ba, phong nhã và phong biểu; Nguyễn Minh Châu: Người lập ngôn tử tế; Hữu Thỉnh: Người chèo lái con thuyền văn chương Việt Nam đương đại; Huy Cận: Có tài sắm cả hai vai; Nguyễn Quang Sáng: Một khế ước văn hóa Nam Bộ...

Chưa thể gọi là công trình khoa học nhưng tác phẩm này cũng đã chứng tỏ tinh thần và thái độ lao động nhiệt tình, nghiêm cẩn, khách quan của nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên. Ông tâm sự: “Trong quá trình phục dựng chân dung các nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh tôi đã gặp không ít khó khăn, vì phần lớn họ đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Ngay có nhà văn mới được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, năm 2012 mà cũng đã ra đi như Lê Văn Thảo, khi cuốn sách chưa kịp ra mắt để biếu tặng ông. Hiện tại có không nhiều các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh còn sống. Nhưng ngay cả những người ấy, tôi cũng không có nhiều điều kiện để trực tiếp trao đổi, tiếp nhận thông tin từ phía họ. Khó khăn chồng chất khó khăn. Bốn năm tôi viết được chừng trên dưới 400 trang sách về một đề tài mà trước tôi đã có không ít người viết lẻ tẻ về chân dung một số nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Không phải dễ dàng trong việc tìm kiếm tư liệu, xác minh độ tin cậy của chúng để phục vụ cho ý đồ viết cuốn sách này. Bốn mươi nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh giai đoạn 1996-2016 rất nổi tiếng trong nước ta và đã được không ít người nghiên cứu, viết về họ. Không chỉ hàng chục mà phải nói có hàng trăm bài viết về các nhà văn đó. Một thách thức không hề nhỏ với Đỗ Ngọc Yên; nếu ông không có phát hiện gì mới, không có cách thể hiện khác thì coi như cuốn sách thất bại. Tôi nghĩ, Đỗ Ngọc Yên đã vượt qua được thách thức đó và bằng tâm huyết, bằng khả năng thực có, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiệm vụ này không ai giao cho ông cả ngoài sự thúc bách của cuộc sống, trong đó có nền văn chương nước nhà. Đỗ Ngọc Yên đã tự nguyện dấn thân, tự nguyện cố gắng để hôm nay chúng ta có cuốn sách Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996-2016). Đây là một cuốn sách bổ ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà văn và đông đảo công chúng. Họ sẽ tìm thấy ở đây những nguồn tư liệu đáng tin cậy về đời sống, sáng tác, thành tựu, các đóng góp vào nền văn chương Việt Nam cũng như những hạn chế, khiếm khuyết của các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1996- 2016.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/doc-nha-van-giai-thuong-ho-chi-minh-1996-2016-n135342.html