Độc nhất trong sử Việt: Cha con nào cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi?

Gần 1.000 năm khoa bảng nước nhà, một lần duy nhất có cha và con cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi.

Câu 1: Hai cha con danh nhân nào cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi?

Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa
Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở
Phan Huy Ích và Phan Huy Chú
Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn

Lịch sử khoa bảng nước ta từng có trường hợp rất đặc biệt khi cả hai cha con đều đỗ đại khoa trong cùng một kỳ thi. Đó là tiến sĩ Ngô Trí Tri và con trai Ngô Trí Hòa dưới thời Hậu Lê.

Câu 2. Hai cha con ông cùng đỗ đại khoa dưới thời vua nào của nhà Hậu Lê?

Lê Thái Tổ
Lê Thánh Tông
Lê Thế Tông
Lê Nhân Tông

Tại khoa thi Nhâm Thìn năm 1592, đời vua Lê Thế Tông, hai cha con họ Ngô đi thi và đỗ đại khoa. Ngô Trí Tri đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khi đã 51 tuổi. Con trai Ngô Trí Hòa đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, năm đó 28 tuổi.

Câu 3. Hai cha con Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa quê ở tỉnh nào hiện nay?

Bắc Ninh
Hải Dương
Thanh Hóa
Nghệ An

Hai cha con họ Ngô Trí là người phủ Diễn Châu (Nghệ An ngày nay). Lúc vinh quy bái tổ, nhà vua đích thân tặng cho một bức trướng hồng có thêu mười chữ vàng: “Khoa danh thiên hạ hữu, Phụ tử thế gian vô”. Nghĩa là, khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì thế gian chưa từng.

Câu 4. “Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài đối xử chỗ nào cũng vừa” là nhận xét của sử gia nào dành cho Ngô Trí Hòa?

Lê Văn Hưu
Phan Phu Tiên
Phan Huy Chú
Ngô Sĩ Liên

Đó là lời nhận xét của sử gia Phan Huy Chú. Câu đầy đủ của Phan Huy Chú là: “Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài đối xử chỗ nào cũng vừa; công lao tiếng tăm rõ rệt. Lại là bậc danh thần của ba triều, cha con đồng khoa, phúc nhà lâu dài, càng là việc xưa nay ít thấy”.

Câu 5. Về sau, con trai nào của Ngô Trí Hòa cũng thi đỗ đại khoa?

Ngô Trí Khanh
Ngô Trí Sỹ
Ngô Sĩ Vinh
Ngô Trí Vinh

Kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình, con trai cụ Ngô Trí Hòa là Ngô Sĩ Vinh cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất (1646), đời vua Lê Chân Tông. Ông làm quan tới chức Tự khanh, khi mất được truy tặng chức Tả thị lang, tước hầu.

Câu 6. Hai cha con danh nhân nào từng làm quan cho triều Hồ?

Phan Huy Ích và Phan Huy Chú
Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh
Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn
Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm

Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi là cha con nổi tiếng trong sử Việt. Sinh thời, 2 cha con ông làm quan cùng triều. Khi nhà Hồ sụp đổ, Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi nghe lời cha về theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa).

Câu 7. Phan Huy Ích và Phan Huy Chú có mối quan hệ thế nào?

Anh em ruột
Anh em họ
Cha - con
Sư - đồ

Phan Huy Chú (1782-1840) là con trai thứ ba của Phan Huy Ích (1751-1822). Đây là gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng ở nước ta. Phan Huy Ích có cha là tiến sĩ Phan Huy Cận, ông ngoại là Ngô Thì Sĩ, bác là Ngô Thì Nhậm, chú là Phan Huy Ôn, anh là Phan Huy Thực…

Câu 8. Trong gia đình họ Phan Huy, người nào sau đây từng đỗ đầu trong cả 3 kỳ thi?

Phan Huy Cận
Phan Huy Ôn
Phan Huy Thực
Phan Huy Ích

Theo lời Phan Huy Ích trong Dụ am ngâm lục, "phụ thân tôi Phan Huy Cận, thi Hương, thi Hội 2 lần đỗ đầu. Tôi thi Hương, thi Hội, thi Ứng chế ba lần đều đỗ đầu. Bác Hy Doãn (Ngô Thì Nhậm) và chú Nhã Hiên (Phan Huy Ôn) em trai thứ 3 của tôi đều đỗ đầu thi Hương. Tất cả cộng lại được chín lần đỗ đầu, gọi là cửu nguyên”.

Kỳ thi 'Minh kinh bác học' đầu tiên của nước Đại Việt Năm 1075, vua Lý Nhân Tông lần đầy tiên cho tuyển chọn quan lại thông qua kỳ thi nhằm tìm ra người có tài phục vụ đất nước.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doc-nhat-trong-su-viet-cha-con-nao-cung-do-dai-khoa-trong-mot-ky-thi-post823279.html