Độc quyền trên Lao Động & Đời Sống: Ngoi lên từ dưới đáy

(Truyện dài của NGUYỄN TRÍ)

BA

1.

Sau mười hai tháng lao cải. Nghĩa là lao động và cải tạo cho sạch đi ngụy tính. Tôi được một giấy phóng thích và một ít tiền để có cái về nguyên quán. Đã dài lắm thời gian thiếu dinh dưỡng, tôi bị phù. Lê hai chân nặng nước đi bộ ít cũng ba mươi cây số từ trại ra lộ. Tuy đã trải qua, như câu hát của anh em trong trại: Anh cải tạo, quanh năm vác cuốc, nhưng lòng vẫn vui vì đời tối thui…(1) tôi vẫn mệt lắm. Biết làm sao được, ở phố thời điểm ấy còn điêu đứng, thân tội tù như vậy đã là may lắm lắm.

Biết về đâu? Từ Sài Gòn tôi theo em vượt biển. Giờ tuyệt không một chỗ dung thân. Giấy tờ tùy thân? Tờ giấy phóng thích làm sao để chứng minh tôi là một kẻ đàng hoàng? Trên lộ 19, lên là Tây Nguyên với Pleiku, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, nơi có Trường Trung học công lập Kon Tum, tôi theo học từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Giờ đây chỉ còn là kỉ niệm. Xuống là về duyên hải, có lộ một. Về Sài Gòn hoặc đi đâu tùy thích. Nhưng đi đâu?

Tôi cứ ngồi bên vệ đường nhìn xe cộ. Đúng là bấp bênh. Đời người mà không biết mình đi đâu về đâu, và trong đầu không một mục đích quả bất hạnh. Ít ra anh cũng muốn gì chớ. Ừ, tôi chả muốn gì. Để xem, cũng có muốn, có thèm. Tôi thèm hút một điếu thuốc, ăn một tô phở bò. Chao! Đã lâu tôi không nghe lại mùi hương của chúng. Đúng rồi. Nghĩ là làm, tôi lại lê chân, phải đến một thị tứ nào đó, kiếm cái bỏ bụng rồi tính tiếp, có thực mới vực được đạo. Ông bà dạy vậy.

Một toán với tóc dài, môi thâm, mắt trắng đang tạc thù trong quán. Thấy tôi, họ đưa mắt nhìn. Tôi không biết họ làm chi với mâm, máng. Đúng nghĩa tha phương, họ chào:

- Xin chào. Mới lao cải về hả?

- Dạ…

- Dạ khỉ mẹ gì, lại đây… Ngồi đi. Đói không? Ê Ba Mập làm tô tái cho bạn nầy coi. Anh tên gì?

- Dạ Minh.

- Ngó ông tàn tạ quá. Gọi Minh “tàn” cho thân mật nghe. Làm điếu thuốc cho thơm râu. Ba số năm in-tẹc đó.

Cái tên Minh “tàn” đã vận vào đời tôi như vậy. Điếu thuốc thơm sau chừng đó tháng ngày làm tôi choáng váng, cái choáng thật dịu dàng. Thiên hạ lậm khói thuốc vì cái choáng nầy đây. Đời thiệt đẹp khi có rượu và phở tái. Một ly rượu đủ làm tôi thấy biển xanh và cái chết của Dung. Ôi là buồn. Ôi là đau đớn, và tôi hát. Có khùng không? Vậy thôi, có rượu vô thằng nào chả khùng khùng điên điên một tí, có thằng quậy tới chỉ luôn nói chi hát, tôi có giọng nên hát rất hay. Trời. Giữa heo hút gió, quán xá buồn thỉu cần lắm thơ ca hò vè. Một tay cầm cây guitar rải theo. Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên, không biết họ làm cái khỉ gì mà ngoại trừ mâm máng lại có thêm guitar. Về sau mới biết họ đãi vàng, trong ma thiêng nước độc nên cần lắm đàn địch. Tôi hát Loài cỏ cây man rợ. Loài ma quái ngu ngơ. Ta yêu em lầm lỡ. Bây giờ đường nào đi. Em yêu ma quỷ dữ. Đã đến gieo sầu thương. Em là loài ma quái. Cho thịt nát xương tan…(2)

- Cha, hay dữ bạn đời – một giang hồ lên tiếng – Mà hát chi bài buồn quá, hát cái gì cho vui vui tí coi. Ê Năm “phụng hoàng” bắt nhịp bài Nối vòng tay lớn coi.

Quán vui lên nhờ nhạc nhẽo. Họ hỏi tôi quê đâu? Vợ con gì chưa? Bây giờ về đâu? Hay là anh theo bọn tôi lên Ezimbar đãi vàng.

- Nhiều thằng muốn theo bọn nầy lắm đó nghe. Thấy anh hát hay bọn tôi khoái mới rủ à.

Có ba giọt rượu vô tôi cũng bốc lên:

- Đi thì đi. Tôi vô gia cư, vô nghề nghiệp, đủ thứ vô… Lên rừng thì được chớ xuống biển thì không à. Nhưng mà vàng tôi đâu biết đãi, khó không?

- Nghề gì mà làm bằng tay chân thì chưa quá hai bốn tiếng là rành, yên tâm đi, chỉ sợ anh lội bộ không nổi, đường đến bãi xa lắm.

- Yên tâm, tôi cũng lao cải mười hai tháng nay, gian khó cũng tường rồi.

- Lao cải ăn thua gì với trèo đèo lội suối chui hầm sâu. Nhưng mà không sao, phải có sương gió phủ vô đời mới gọi là trai. Đúng không? Nào cạn ly nầy các chiến hữu, gọi là mừng thành viên mới nhập băng Dũng “inh”.

Dũng “inh” là gã đang nói chuyện với tôi. Hắn là trùm của bốn vai u thịt bắp. Lần lượt giới thiệu, đây là Ngọc “sún”, thằng kia là Bát “tô luýt”. Em hả? Em là Sơn “hí”. Tao hả, tao là Năm “phụng hoàng”. Bọn tao Bình Định, còn mày dân đâu? Sao mà đi cải tạo. Vượt biên hả? Thôi Minh “tàn” ơi, Đi đâu cho khỏi nắng trời. Ở đây mà trả nợ đời cho xong. Đời mà, cái gì cũng có số phận, ai đó nói muốn là được cần phải xét lại à. Mình muốn nhưng trời không cho là phải chịu. Qua được bên kia chưa chắc sướng, đâu cũng làm hết, làm trên xứ mình, tuy có khổ nhưng mà thoải mái. Qua bển chắc chắn mình sẽ bị bọn da trắng cho là thứ nô lệ da vàng. Tao nói vậy mày nghe được không?

Tôi cười, được quá đi chứ. Mình không bờ không bến thì tiếp tục sống kiếp nổi trôi. Mấy tay nầy kể cũng thoáng. Dũng “inh” nói:

- Thiệt tình bọn tao cũng không muốn bỏ vợ con bò lên bãi chi cho mệt. Nhưng đói quá cũng phải mạo hiểm.

- Anh Dũng làm lâu chưa?

- Đi mấy bãi rồi, nhưng thần vàng chưa ghé thăm. Chắc chắn là làm vàng phải có vàng, nên bọn tao quyết bám. Không ra sao, nhưng cũng có cái cơm ăn nước uống cho vợ con.

- Tôi sợ đang phù thũng làm bận tay chân mấy anh.

- Yên tâm đi. Cố lết lên bãi là mày hồi lại hồn người.

- Anh làm như về phố.

- Hơn phố luôn. Muốn gì có nấy, miễn có vàng.

Sau chầu nhậu, cả bọn khăn gói lên đường. Tôi có cái túi nilon đựng một bộ lao cải và duy cái quần đùi. Sơn “hí” bỏ vô ba-lô rồi giao cho tôi một cái mâm. Mâm đãi được gò bằng nắp thùng phi, có chỏm như cái nón lá. Tôi đội lên đầu, trông như một kiếm khách đang hành hiệp giang hồ trong truyện Kim Dung. Cứ rừng mà sấn tới. Đường mòn lắm, chứng tỏ người qua lại thường xuyên.

Tôi hỏi:

- Chừng nào đến bãi hả anh Dũng?

- Bây giờ chỉ mới tập kết đến nhà thằng Đào. Mai mới trực chỉ bãi.

Bốn giờ chiều, chúng tôi ghé một buôn của người dân tộc. Thật lạ lùng, nóc nhà nào cũng có một cái chong chóng tre đang vù vù quay và tạch tạch kêu đều đặn. Trong buôn có một trường học bằng mây tre lá. Một nhà tranh vách ván, có vẻ kiên cố kế bên trường. Chủ căn nhà tên Đào. Anh ta là giáo viên dạy chữ cho buôn làng nầy.

Đào tay bắt mặt mừng với tất cả. Anh nhìn cái mặt phù thũng của tôi, hỏi:

- Mới hả Dũng “inh”?

- Ừ, mới rợi. Tên Minh, tao gọi Minh “tàn”. Còn đây là Đào, giáo viên cấp một ở buôn nầy.

Lại rượu. Nhà tay giáo viên nấu rượu luôn. Thật ngạc nhiên khi không thiếu một cái chi trong nhà Đào, nó như một cái quán tạp phẩm ở phố. Tôi nghĩ thầm không lẽ cha thầy nầy kiêm luôn buôn bán cho người dân tộc?

Rượu vô, sau giáo đầu. Tôi và Đào có vẻ ý hợp. Đào kể rằng có cha là lính chế độ cũ, may mắn phía ngoại toàn cách mạng. Giải phóng xong nhờ râu ria nên vô được trung học sư phạm.

- Anh nghĩ coi, tôi trói gà không chặt, biết làm gì trừ cái gõ đầu trẻ. Vô cao đẳng không xong nói chi đại học. Ra trường, tôi bị dính cái lý lịch cha từng tham gia triều cũ, không được phân dạy ở phố, hoặc làm ruộng, hoặc lên đây. Tôi đã xuống ruộng làm hợp tác xã rồi, nhưng… đành khăn gói lên nhận nhiệm sở. Người dân tộc quý con chữ lắm anh, quý luôn cả thầy. Tôi được ưu ái như vàng, có chút đỉnh là nhờ giao hàng hóa cho bãi.

Tôi ngạc nhiên:

- Anh giao hàng? Hàng gì?

- Thì gạo, khô, rượu, cà phê, thuốc lá vân vân…

- Làm sao giao?

- À... Từ đây lên bãi là tròm trèm hai mươi cây trèo đèo, lội suối, băng sông... Mấy đứa học trò người dân tộc giúp tôi gùi hàng vào tận bãi. Người Kinh mình thì bò lên, chứ người dân tộc họ bay lên đỉnh như chim vậy… Tôi dạy hai lớp. Hai, tư, sáu lớp nầy giao hàng. Ba, năm, bảy lớp khác. Chủ nhật, hai lớp cùng giao. Tôi ở nhà soạn bài và nhận hóa đơn...

Tôi cười sằng sặc:

- Vậy anh là cha thiên hạ rồi. Bà mẹ nó – tôi chửi thề - dưới xuôi thiên hạ than thầy giáo, tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án, dán áo, còn anh sắm vàng luôn. Đúng là trong họa có phước, thấy không?

Hôm sau. Tôi mục kích cảnh trước khi lên lớp, Đào phân phối hàng được giao cho mười lăm cánh chim. Gạo, rượu, khô, thuốc lá… không thiếu một thứ gì. Mỗi đại bàng con năm ký. Vị chi bẩy mươi lăm ký lên non. Tôi hỏi trước khi lên đường:

- Nếu bây giờ, cho anh về phố dạy, anh về không?

Đào trả lời:

- Nếu có ai đó được điều thay tôi, họ sẽ bỏ dạy. Tôi chắc thế.

Bọn chúng tôi bị tốp học sinh bỏ xa trong chớp mắt. Nào, dô ta đèo cao thì mặc đèo cao... Tôi phù thũng nên bò theo là may rồi ở mà hò dô. Lên cao, xuống hố... Qua sông mới kinh hoàng. Nước cuồn cuộn. Bên nầy sông có một người dân tộc đang chực bên một bè tre rừng kết bằng dây mây. Dân đãi vàng, lên bè. Phía bên kia, một người khác nắm dây kéo. Mụ nội ơi, dây mà đứt dứt khoát chết không còn một em. Lên trả tiền, xuống cũng tiền luôn. Trả đi, nếu không, có mà ăn tên trong cánh nỏ.

Hai mươi cây đèo cao. Chao! Phải đến xế, sau mấy chục lần giải lao, bãi mới hiện ra. Nó nằm dưới một thung lũng. Ở đây tôi gặp Phú “khỉ đột”.

2.

Có một con sông dưới thung lũng vàng. Từ bên trên nhìn xuống đẹp mê hồn. Hầm hố và chòi trại cùng người là người xuôi ngược. Nơi ăn chốn ở nằm ven triền đồi. Dòng sông là nơi để đãi. Thiên hạ vác từng bao đất dọ dẫm xuống sông. Trên cao nhìn xuống, tuy đẹp nhưng buồn, một nét buồn khổ ải.

Chúng tôi dừng chân trước một quán. Cực bề thế. Chiều ngang ít cũng năm mét, chiều dài tít tắp. Quán được lợp bằng bạt, loại phủ nhà tiền chế của quân đội cũ. Võng giăng khắp nơi. Quán đủ các thứ, thoáng qua cũng thấy nó không thua chi dưới phố. Rượu tập trung trong những can nhựa mười lít, cả chục can. Trên vách lồ ô bổ sịa, tôi thấy cả bốn cây guitar, hai cây phím lõm và hai tân nhạc, có cả một cây đàn cò, và một giá đầy ống tre, về sau tôi mới biết là cây đàn tơ-rưng.

Trong quán giang hồ đang nhậu, áo ai cũng đen ngòm ruồi là ruồi, ruồi không xiết kể. Sau tôi mới hiểu, cả năm sáu trăm nhân mạng trong một diện tích không quá một hecta, ăn và vệ sinh sát bên không ruồi mới là sự lạ. Chủ quán, tóc dài, cột đuôi gà như nghệ sĩ. Mắt mí lót, mặt mày nhẵn nhụi, hắn không râu. Tên Dũng “đen”. Tuy không đen mấy.

- Mới lên hả Dũng “inh”? Đợt nầy lâu quá vậy? Tao tưởng mày bỏ bãi. Có mang hàng cho tao không? Tao đang dự tính về dưới lấy hàng thì mày lên. Sao? Có không?

- Lâu là tại chờ hàng của mày. Mẹ… Mấy thằng giao nói bọn trước xộ khám hết rồi… Tụi nó than dạo nầy căng lắm, hàng lên đó nghe.

- Rồi tao hiểu. Kêu anh em ngồi đi, lai rai ba sợi không?

- Ok. Mày nướng tao miếng khô đuối, tao đi tắm xong làm vài li ngủ cái coi. Mẹ… tại có cha nội Minh “tàn” này nè, mới lao cải về nên đi đâu có nổi. Bọn tao phải chờ. Mày coi có em dân tộc nào lấy thuốc trị phù thũng cho hắn coi.

- Lo đếch gì. Ủ tờ thiếu thốn thì đương nhiên thôi, bồi dưỡng vài bữa là hoàn lại hồn. Ngồi đây Minh “tàn”. Bị mấy năm?

Tôi trả lời:

- Dạ, mười hai tháng.

- Tội gì?

- Vượt biên.

Năm “phụng hoàng” xen vô:

- Mày có cái võng nào dư để cho Minh “tàn” một cái. Bọn tao, gặp hắn ở chỗ tắt từ lộ mười chín qua lộ bảy. Thành ra đâu có sắm được gì.

Vậy là tôi hóa thành dân bãi. Và đầu tiên trong đời là bãi Êzimbar nầy đây. Mệt quá sau một hành trình vất vả. Sau vài ly tôi lên võng và ngủ khoèo. Đó là giấc ngủ đầu tiên suốt một năm dài không ác mộng. Không bị tiếng hét của Dung tra tấn, không bị tiếng súng nổ toác trong đầu, và cái câu đù má con nầy mầy dám cắn hả của một gã tên Hùng. Đó là một giấc ngon nhất trần đời, sau biến cố.

(còn tiếp)

(1) Còn chút gì để nhớ (Vũ Hữu Định), nhạc chế lại.

(2) Thơ Phạm Văn Bình, Phạm Duy phổ nhạc.

Truyện dài của NGUYỄN TRÍ

(Xem từ số 8 ra ngày 6.3.2014)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/doc-quyen-tren-lao-dong-doi-song-ngoi-len-tu-duoi-day-197813.bld