Đọc sách: 'Đạm Phương nữ sử-Vấn đề phụ nữ ở nước ta'

Cuốn sách nằm trong Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển) của Nhà xuất bản Phụ nữ, do nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương giới thiệu, tuyển chọn. Tác giả những bài viết ngắn gọn, rất dễ đọc được chia theo chủ đề, in trong cuốn sách đầy đặn gần 500 trang này là một người đặc biệt. Bà là Đạm Phương nữ sử (1881-1947), tên đầy đủ là Tôn Nữ Đồng Canh, con gái của Nguyễn Phúc Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng.

Đọc “Đạm Phương nữ sử-Vấn đề phụ nữ ở nước ta” là một dịp đối thoại với cổ nhân, để hiểu mình trong sự kết nối với nữ giới nước nhà, với truyền thống và tiếp thêm động lực cho sự vươn tới không ngừng của tiến bộ, hạnh phúc.

Bút hiệu Đạm Phương nữ sử (chữ “nữ sử” do học giả Phạm Quỳnh đặt để tôn vinh bà) được biết đến trong báo giới nước ta vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ 20 khi bà đăng đàn cũng như thường xuyên giữ chuyên mục trên các báo Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Hữu thanh, Thực nghiệp, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn… Con người sinh trưởng trong gia đình hoàng tộc, “có điều kiện để trau dồi tri kiến” ấy còn là một nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự phát triển của đất nước.

Đọc lại trang viết của người xưa, cách nay cả trăm năm mà nhiều phen thảng thốt, bởi lời trí tuệ, tâm huyết, “cách tân đáng kinh ngạc” vẫn còn như mới với hôm nay. Đọc “Đạm Phương nữ sử-Vấn đề phụ nữ ở nước ta” còn là một dịp đối thoại với cổ nhân, để hiểu mình trong sự kết nối với nữ giới nước nhà, với truyền thống và tiếp thêm động lực cho sự vươn tới không ngừng của tiến bộ, hạnh phúc.

Công trình dày dặn, được chia làm 4 phần. Mỗi phần là những bài viết nhỏ về từng chủ đề, vừa gần gũi vừa chạm tới những mảng lớn như giáo dục gia đình, vấn đề nữ học, nữ tính và nữ quyền… Đó là: “Đờn bà đối với nghề nghiệp”, “ Tính ghen tuông của người đàn bà”, “Sự học hành của con gái”, “Đọc báo xem tiểu thuyết cũng là một thú tiêu khiển mà có ích”, “Cái tính hay tin nhảm”, “Cách bảo dưỡng con trẻ”, “Chớ nên la rầy lắm”…

Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta…

Dưới con mắt của nhà nghiên cứu, tác giả được tái xác lập vị trí quan trọng trong hệ thống lịch sử về vấn đề phụ nữ giai đoạn đầu thế kỷ XX, ngay cả khi nhiều nội dung đề cập của bà mới dừng ở “một cuộc tìm đường”. Với độc giả phổ thông, qua đây có thể cũng chắt lọc được rất nhiều chia sẻ, phân tích hữu ích cho những mối quan tâm thường nhật mang tên phụ nữ, gia đình, con cái, xã hội…

“Nữ giới mà có học thức, là lợi ích chung trong xã hội…”

“Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta…” và “nữ giới mà có học thức, là ích lợi chung trong xã hội chớ có riêng vì người đàn bà có lợi, mà để thiệt cho ai. Sắp đặt việc nhà cửa, cho hợp với thời thế văn minh, chẳng cũng làm phương tiện cho sự khai thông dân trí một cách tiệp kính (đường tắt) ru. Cái tiệp kính mà tôi nói ở đây, là cái tiệp kính về đường dạy dỗ trẻ con, đứa trẻ con tương lai thành nhơn, phải có học thức, như là vệ sinh, cách trí, luân lý, địa dư, toán pháp…”

Như thế là sự học của phụ nữ có can dự đến chuyển động của lịch sử dân tộc, vừa to lớn nhưng cũng lại vừa giản dị, cụ thể như bà đã diễn giải.

Trong bài “Phụ nhơn công nghệ”, đọc mấy câu mở đầu, thấy được tầm nhìn từ trăm năm trước của người phụ nữ quý tộc, không chỉ học cho mình, bà chỉ ra cái điều mà ngày nay vẫn là một mục tiêu phát triển bền vững mà chúng ta hướng tới: “Chị em ta đã biết rằng: ngày nay tất cả phải có công nghệ mới sinh tồn, cho nên ôm quyển sách mà đi học, là cũng mong cho có kiến thức mở mang, tùy theo tư cách mình để mà chọn lấy nghề nghiệp làm ăn…”

Lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc không biết bao phen chứng kiến cảnh tàn phá văn hóa, thực hiện chính sách ngu dân, đồng hóa của ngoại xâm. Vì vậy, tấm lòng trọng tri thức, cổ vũ việc học của Đạm Phương cũng là một biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước.

Chỉ ra cái đích hướng tới, ngoài chuyện tự lực có nghề để nuôi sống mình, vươn lên “mở mày mở mặt với giang sơn” thì sự học ở phụ nữ với bà còn là một con đường của sự chủ động tìm kiếm hạnh phúc đích thực: “Bên con gái phải đưa lần bước đường đi tới, để cho nó hợp với nghĩa tương đương, có tương đương mới có tương tri, có tương tri mới có tương phò; tri thức xấp xỉ với nhau thì sự đề huề mới có được”.

Ngày nay, nói ra những điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng trong bối cảnh phong kiến, Nho học nhiều điều ràng buộc nữ giới, thì những thẳng thắn như Đạm Phương khiến ta không khỏi cảm phục: “Có người nói rằng: Hiện thời giáo dục nam giới còn chưa bố cứu cho hoàn toàn đặng, huống rảnh công đâu lo kịp đến bên nữ giới.

Than ôi! Khi trước thuộc về cái thời đại bế quan, thời khác với cái thời đại khai thông bây giờ; cái đời này đã gọi rằng cái đời ai ai cũng được hô hấp cái không khí văn minh; coi như nữ giới các nước bên Âu Mỹ đều có học thức về đường kinh tế, công nghệ, mỹ thuật văn chương, lừng lẫy sáng suốt biết bao. Thời chúng ta cũng phải đem cái học thức của mình mà dìu dắt nhau lên, chớ lẽ nào cứ khư khư giữ lấy cũ mãi, công nghệ không có học thức hèn kém…”.

Bước sang thế kỷ 21, không ai dám chắc trọng nam khinh nữ đã hết, những biểu hiện của tư tưởng này vẫn hiện diện đây đó trong đời sống thường ngày, đôi khi người trong cuộc cũng không dễ nhận thấy.

Học hành, độc lập, lao động để vươn lên nhưng không phải là gạt bỏ tất cả truyền thống. Đạm Phương vẫn điềm đạm gửi gắm những giá trị trong hành trang tự lực và nỗ lực của nữ giới. Trong đó có những kỹ năng vun đắp gia đình.

Gia đình giáo dục

Dưới con mắt của nhà nghiên cứu thì: trong buổi rối ren đương thời, Đạm Phương đã đề xuất được quan điểm nữ học có thể nói là rất mới mẻ, được biện luận với chủ kiến rõ ràng: sự giáo dục trong gia đình mà bà gọi là “gia đình giáo dục”.

Bà lập luận: “Có người nói rằng: ngày xưa con gái không có học thức mấy chút, mà người mẹ hiền, người con thảo, người vợ thuận cũng không thiếu: ngày nay, có học thức mà hay hư nết, là nghĩa làm sao? Xin thưa rằng: cái đó tại phần giáo dục gia đình hết thảy; học đường giáo dục, là cốt để giúp thêm tư tưởng tri thức cho người, sau này ra với đời cho khỏi sự lầm lỗi; còn gia đình giáo dục là gây nên cái tâm tính cho con người…”.

Dưới con mắt của người đọc phổ thông, những chia sẻ trong phần III: Gia đình giáo dục thường đàm của tác giả, đã đủ cho chúng ta nhiều điều thấm thía.

“Bàn về giáo dục con gái”, “Cách dạy trẻ con”, “Cái quan niệm của người đàn bà đối với gia đình”, “Gia đình giáo dục cần phải luyện tập tâm tính trước”, “Nói về áo quần”, “Chớ nên la rầy lắm”, “Sự thưởng phạt”… hầu như ngòi bút trăm năm của Đạm Phương đều chạm tới hết.

Học đường giáo dục, là cốt để giúp thêm tư tưởng tri thức cho người, sau này ra với đời cho khỏi sự lầm lỗi; còn gia đình giáo dục là gây nên cái tâm tính cho con người…

“Cái tục đánh con, xã hội ta cũng bớt đi rồi, chúng ta cũng không bàn luận làm chi nữa.

Nhưng than ôi! Lệ thường thiên hạ thường trừng phạt con trẻ một cách rất vô lý, làm nhiều điều rất hại cho tinh thần con cái, hơn là một trận đòn roi nữa… Trẻ con cũng tự phân biệt cái tính giận dữ và lời răn đe là khác nhau, chúng nó vẫn sợ hãi, hay điềm nhiên mà chịu, chớ không biết cái lỗi của mình đã thực như thế chưa?...”

Bà nói với chúng ta thế này: “Cha mẹ la rầy con về những cái lỗi thực có, chỉ nên lấy lý luận mà khai đạo cho và chỉ lấy một cái trừng, cái liếc nơi con mắt là đủ sửa lỗi với chúng nó rồi, vạn bất đắc dĩ mà phải dùng đến lời nói, thì phải từ từ mà nói cho đúng đắn nghiêm trang, cho có vẻ bình tĩnh…”.

Ngẫm ra, mới thấy đau xót, chúng ta còn phải tiếp tục lắng nghe lời bà khi trẻ em vẫn đang là nạn nhân của bạo hành tinh thần, thể chất.

Ngôn ngữ, văn phong của một thời cha ông trong tác phẩm cũng mang đến một không khí thú vị khi ta “trò chuyện” với người xưa. Tất nhiên đọc Đạm Phương cũng là đọc trong bối cảnh lịch sử ra đời của những bài viết, trong đó nhiều vấn đề bà cũng mới đề cập như “một người dò đường”. Dẫu vậy, dù ở vấn đề nào, ta cũng luôn bắt gặp những lấp lánh tư tưởng của một người luôn vun đắp cho phẩm cách phụ nữ Việt Nam, phẩm cách làm người ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

CAO GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-sach-dam-phuong-nu-su-van-de-phu-nu-o-nuoc-ta-post712485.html