Đọc sách: 'Lịch sử chưa kể về ramen' - Món ăn quốc dân Nhật Bản nhìn từ lịch sử, xã hội

'Lịch sử chưa kể về ramen' là cuốn sách nói về món ăn theo cách mới, đậm đà dấu ấn lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước Nhật Bản. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Book Hunter giới thiệu tới độc giả với lời gợi mở thú vị: 'Biến động chính trị tại Nhật Bản đã tạo ra một kỳ tích ẩm thực toàn cầu như thế nào?'. Buổi ra mắt sách cùng chia sẻ của đơn vị làm sách và chủ một nhà hàng ramen tại Hà Nội vừa diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (27, Quang Trung, Hà Nội).

George Solt- tác giả cuốn sách là giáo sư ngành Lịch sử Nhật Bản hiện đại (Khoa Lịch sử, Đại học New York). Cuốn sách vốn được khởi nguồn như một luận án tiến sĩ mà tác giả theo đuổi tại Đại học Califonia cơ sở San Diego và sau này trở thành cuốn sách đầu tay của ông.

“Lịch sử chưa kể về ramen” có thể xem như một khảo cứu thú vị về lịch sử món mì ramen ở Nhật Bản thông qua lăng kính phân tích và mối liên hệ chặt chẽ của món ăn với địa lý, chính trị, quan hệ đối ngoại, khoa học dinh dưỡng, truyền thông và bản sắc dân tộc.

Ẩm thực trong cách tiếp cận liên ngành

Hương vị, màu sắc, nguyên liệu… mà tác giả nhắc đến trong sách khiến độc giả không khó nhận ra món ăn quốc dân của Nhật Bản. Nhưng chắc chắn không có công thức để nấu món ramen như những cuốn sách nấu ăn khác. Điều này làm nên sự khác biệt trong cuốn “Lịch sử chưa kể về ramen”.

Sách có 5 chương gồm: Đời sống đường phố; Chẳng phải con đường trải hoa hồng; Tiến bước; Thời nay và thời xưa; Hương vị của tháng.

Phần dẫn nhập mang tên “Món ăn quốc dân” và phần kết “Thời gian sẽ trả lời” đã làm tốt nhiệm vụ mở ra và tạm kết một câu chuyện ẩm thực Nhật Bản đầy sức gợi.

Quả vậy, món mì ramen nhìn từ tên gọi, quá trình du nhập, sáng tạo, biến mất, trỗi dậy rồi phổ biến mạnh mẽ đã mang theo đó những câu chuyện đời sống lịch sử, văn hóa, xã hội Nhật Bản vô cùng phong phú.

Như tác giả nhấn mạnh: “Cuốn sách này đi vào tìm hiểu lịch sử của mì ramen với trọng tâm cụ thể là vào tính lô-gic đằng sau sự sẵn có, mức độ phổ biến và vai trò của món ăn này trong quá trình tái định vị cơ cấu lao động và sau đó là tái định vị toàn bộ bản sắc dân tộc”.

Ramen với sợi mì, nước dùng, nước xốt gia vị… xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản khoảng những năm 1880, dưới dạng món ăn giá rẻ, ngon miệng, nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng đến những năm 1910, giới chủ nhà hàng Nhật Bản đã biến một ăn này thành khẩu phần ăn trưa no đủ với các nguyên liệu chưa từng có trong phiên bản mì nước của người Hoa, như thịt lợn quay, nước tương, măng ngâm.

Từ đây, bát mì ramen của Nhật Bản khiến độc giả-thực khách không khỏi suy nghĩ, liên tưởng tới những vấn đề thú vị khác về sự tiếp biến văn hóa trong ẩm thực, đường đi một món ăn bình dân góp phần định vị bản sắc, phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi về kinh tế cho quốc gia…

Dân số lao động ở thành thị của Nhật Bản tăng lên kéo theo món mì ramen phát triển tương ứng và chỉ ngưng trệ do thiếu lương thực vì chiến tranh những năm 1940. Rồi ramen trở lại theo sau sự mở rộng cơ hội việc làm trong các ngành xây dựng, công nghiệp ở Nhật những năm 1960, nhanh chóng trở thành món ăn của giới trẻ sành điệu vào những năm 1980…

Cùng với cách phân tích theo chiều dài lịch sử như vậy, tác giả mang đến cho người đọc câu chuyện về công cuộc quốc tế hóa mì ramen và minh họa cho sự phổ biến của món ăn này qua trường hợp món mì độc đáo này tại New York và California. Từ đây, bát mì ramen của Nhật Bản khiến độc giả-thực khách không khỏi suy nghĩ, liên tưởng tới những vấn đề thú vị khác về sự tiếp biến văn hóa trong ẩm thực, đường đi một món ăn bình dân góp phần định vị bản sắc, phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi về kinh tế cho quốc gia…

Đọc sách ẩm thực theo cách khác

“Lịch sử chưa kể về ramen” nằm trong Tủ sách văn hóa ẩm thực thú vị do Book Hunter xây dựng. Đây là một trong hai cuốn đầu tiên của Tủ sách này. Nhà văn Hà Thủy Nguyên và đại diện Book Hunter chia sẻ, chị và đồng nghiệp của Book Hunter đã tìm kiếm và nhận được sự đồng thuận, hợp tác, chia sẻ bản quyền Tủ sách ẩm thực của trường Đại học California với góc nhìn về ẩm thực độc đáo, hiện đại. Cùng với “Đời sống cà-phê ở Nhật Bản”, cuốn “Lịch sử chưa kể về ramen” hướng đến người đọc sâu, quan tâm đến nghiên cứu.

Các nhà khoa học có thể tìm kiếm ở đây những chia sẻ và đồng cảm không chỉ về đời sống văn hóa, xã hội, ẩm thực của đất nước Mặt trời mọc mà còn có thêm những gợi mở khi tiếp cận xã hội, văn hóa, kinh tế… qua đời sống ẩm thực.

Các nhà khoa học có thể tìm kiếm ở đây những chia sẻ và đồng cảm không chỉ về đời sống văn hóa, xã hội, ẩm thực của đất nước Mặt trời mọc mà còn có thêm những gợi mở khi tiếp cận xã hội, văn hóa, kinh tế… qua đời sống ẩm thực. Đơn cử như nhận định này của GS George Solt: “Xu hướng bùng nổ của người sành ăn” (gourmet boom) cũng thâm nhập vào địa hạt ramen ăn liền. Sự xuất hiện của mì ramen ăn liền “cao cấp” được bán với giá lên tới 1000 yên mỗi phần ăn-hoặc gần gấp đôi giá trung bình của một bát mì ngoài tiệm-là một biểu hiện khác cho thấy xu thế tái định vị thương hiệu mì ramen thành một món ăn ngon”…

Biết đâu từ lối tiếp cận này, các nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ cho ra đời những cuốn sách về ẩm thực theo cách nhìn mới mẻ, hiện đại như trên.

Tới đây, sau hai ấn phẩm đầu tiên, Book Hunter sẽ tiếp tục cho ra mắt những cuốn sách ẩm thực với lối tiếp cận này như “Vương quốc lúa mạch đen”, “Thức uống định hình Argentina”, “Sinh lý học vị giác”, “Ẩm thực và đế chế”…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-sach-lich-su-chua-ke-ve-ramen-mon-an-quoc-dan-nhat-ban-nhin-tu-lich-su-xa-hoi-post785534.html