Đọc sách trong giờ nghỉ - thói quen của học sinh Nghi Xuân

Với những nỗ lực 'đưa sách đến trường', ngành giáo dục huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tạo thói quen cho các học sinh đọc sách trong giờ nghỉ.

Thủ thư Trường THCS Đan Trường Hội giới thiệu sách mới cho các em học sinh trong giờ ra chơi

Trường Tiểu học Xuân Hải giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, các em hoc sinh nhanh chóng tìm cho mình một vị trí thích hợp dưới tán cây xanh cùng với những cuốn sách, tập truyện.

Đối với học sinh bậc tiểu học, đây là giờ vui nhất, bởi được thỏa thích lựa chọn những quyển truyện tranh, quyển sách đọc ưng ý. Em nào cũng chăm chú vào trang sách, nét mặt biểu lộ nhiều cảm xúc khác nhau.

Giờ ra chơi học sinh Trường Tiểu học Xuân Hải lại tập trung về thư viện nghiền ngẫm sách báo

Phan Thị Minh Trà - lớp 5B, Trường Tiểu học Xuân Hải hồn nhiên: “Với cháu, sách là người bạn gần gũi và thân thiết. Giở từng trang sách, chúng cháu học được rất nhiều điều bổ ích từ kiến thức lịch sử đến hướng dẫn các trò chơi khác nhau”.

Sách là "người bạn tâm tình" không thể thiếu đối với những bạn nữ

Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Hải Nguyễn Thị Minh Tâm hồ hởi “khoe”: “Hiện nay, số sách của thư viện của nhà trường lên đến 4.763 đầu sách. Chỉ riêng năm học 2018 -2019, 12 lớp học thu hút được trên 1.600 quyển sách thuộc lứa tuổi thiếu nhi trang bị kiến thức ở tất cả lĩnh vực học tập cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các em.”

...và cả những bạn nam dưới bóng cây xanh trong sân trường

Sau những tiết học trong lớp, các em học sinh trường THCS Đan Trường Hội lại tập trung về thư viện của trường để đọc sách. Trong một không gian rộng, khang trang, sạch, đẹp, các tủ sách có hàng trăm loại sách, báo được sắp xếp khoa học để các em sử dụng một cách thuận tiện.

“Nhờ mạng Internet việc tiếp cận thông tin đang ngày một trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên đối với học sinh Đan Trường Hội, sách trở thành “món ăn” không thể thiếu trong giờ ra chơi.” – Hiệu trưởng THCS Đan Trường Hội Phạm Quốc Huy cho hay.

Cho đến nay, tất cả các trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân đều xây dựng thư viện đảm bảo diện tích từ 80m2 trở lên, với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Thư viện được trang bị hệ thống thiết bị, biểu bảng, bàn ghế và được sắp xếp, trang trí khoa học, thân thiện, đẹp mắt; hệ thống sách được phân loại theo mục đích và trình độ đọc.

...và là "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với các em học sinh Trường THCS Đan Trường Hội

Ngoài việc tập trung chỉ đạo các trường xây dựng thư viện và phát triển phong trào đọc sách, Phòng Giáo dục huyện Nghi Xuân còn yêu cầu các trường kêu gọi học sinh, phụ huynh quyên góp, ủng hộ sách.

Vì thế, nguồn sách cho các em tại các thư viện khá phong phú. Ngoài sách báo cho giáo viên, còn có nhiều sách phù hợp với các em, như sách kể chuyện về Bác Hồ, truyện tranh thiếu nhi, sách kể chuyện về các danh nhân…

Hàng ngày, ngoài giờ học chính khóa, vào giờ ra chơi hoặc các tiết học ngoại khóa, các em còn được tham gia đọc sách theo sự lựa chọn của mình. Nhờ có không gian và bố trí thời gian phù hợp, nên đọc sách trở thành hoạt động ngoài trời rất bổ ích và ý nghĩa, tạo thói quen tự giác cho học sinh.

Đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân có thư viện được công nhận danh hiệu Thư viện tiên tiến. Trong đó, có 11 thư viện xuất sắc. Để đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng tăng của học sinh, giáo viên và cộng đồng, những năm gần đây, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện đã tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho thư viện.

Bởi vậy chương trình “Tủ sách nhân ái” và “Dự án làm bạn với sách” của tổ chức Zhishan Foundation. Theo đó, hiện đã có 721 tủ sách, trên 60 ngàn cuốn sách, tương đương giá trị 2,5 tỷ đồng cho các thôn, xóm và các trường học trên địa bàn.

Hiện tại, trường học nào ở huyện Nghi Xuân đều có một tủ sách phục vụ học sinh

Đặc biệt từ năm 2016, tổ chức Room to Read đã tài trợ cho 10 trường tiểu học của huyện Nghi Xuân 10 thư viện thân thiện, trang bị đầy đủ bàn, ghế, tủ, giá sách, cùng các vật phẩm có tổng kinh phí 1 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ về nghiệp vụ để thiết lập, quản lý, tổ chức hoạt động khuyến đọc, huy động sự tham gia của cộng đồng…

Phó Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện Nghi Xuân Đinh Thị Lan Hương cho rằng “Ngoài dạy văn hóa, trường học còn được xem là môi trường tốt nhất cho việc hình thành và phát triển văn hóa đọc của mỗi người. Đối với các em học sinh, ở giai đoạn đang hình thành thói quen, nhân cách thì việc đọc sách lại càng có ý nghĩa quan trọng.”

Hoài Nam

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/giao-duc/doc-sach-trong-gio-nghi-thoi-quen-cua-hoc-sinh-nghi-xuan/166866.htm