'Đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng biết mà biệt phủ sai phép nhan nhản không ai thấy'

Đại biểu Quốc hội bức xúc về tình trạng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản mà không ai thấy.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn

Thảo luận tại hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp sáng 13/11, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho hay: “Cảm nhận của tôi về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 tốt hơn, mạnh hơn mấy năm trước. Nhân dân tin tưởng hơn, còn thuyên giảm hơn thì chưa hiện rõ”.

“Dư luận, báo chí hàng ngày đều nêu nhiều việc sai trái, như tại kỳ họp này có đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản mà không ai thấy. Theo tôi, vậy cái đó là cái gì”, ông nhấn mạnh.

Về báo cáo về tặng quà và nộp lại quà tặng, đại biểu cho hay, ông băn khoăn về con số chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng.

"Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng, nếu đúng như thế là đáng mừng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không thì chưa được báo cáo Chính phủ đề cập”, ông Sơn nói.

Tương tự như vậy, báo cáo phòng, chống tham nhũng có nêu phần thu hồi tài sản bị tham nhũng có cả hiện kim và hiện vật. Đại biểu cũng đặt vấn đề, vậy, hiện kim đó có phản ánh qua phần thu về ngân sách Nhà nước báo cáo Quốc hội hàng năm không, bởi vì ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân đóng góp để xây dựng đất nước.

"Tham nhũng, cố ý làm trái gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất tiền của dân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải thu hồi và nộp lại ngân sách nhà nước, phần này cần được Chính phủ báo cáo rõ hơn thì Quốc hội mới giám sát theo đề xuất, kiến nghị”, ông nói thêm.

Còn theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 5 vụ án điển hình thi hành án trong năm qua gồm vụ Dương Trí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng.

"Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền cũng mới chỉ đạt 2%, tức là khoảng 100 tỷ trên 5.000 tỷ đồng. Khả năng các vụ án đang thi hành nhưng khả năng thi hành để đạt kết quả là rất khó khăn”, ông Xuyền nêu.

Nguyên nhân của việc này, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng là do, việc kê biên, phong tỏa tài sản cũng chưa nhiều so với tổng số tiền mà các vụ án này phải bồi thường. Tài sản kê biên chủ yếu là nhà đất có nhiều vướng mắc do không thống nhất được với số liệu của bản án và tài sản kê biên.

Trong khi đó, tài sản kê biên có tranh chấp lại phải nhờ, phải chờ tòa án giải quyết xong mới giải quyết được việc kê biên tài sản. Tài sản liên quan đến quy hoạch, quản lý của chính quyền địa phương cũng phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương mới có phương án giải quyết cụ thể.

"Tài sản kê biên được tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua, lại phải tiến hành hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Thực tế có những vụ phải hạ giá tới lần thứ năm", ông cho biết thêm.

Từ thực tế trên, ông Xuyền kiến nghị, trong công tác quản lý tài sản của cán bộ, công chức nói riêng cũng như của công dân nói chung, nhất là về bất động sản nhà đất còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong xử lý thi hành án nói riêng cũng như trong công tác quản lý nhà nước nói chung.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đề cập tới tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.

Theo ông Hà, ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để "bôi trơn" khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà.

"Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân", ông Hà nhấn mạnh.

LÂM AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doi-100-usd-o-tiem-vang-cung-biet-ma-biet-phu-sai-phep-nhan-nhan-khong-ai-thay-3479611.html