Đôi bạn cùng tiến trong nghiên cứu khoa học và ý tưởng sáng tạo

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với niềm yêu thích khoa học công nghệ, lòng đam mê nghiên cứu, Nguyễn Văn Hiếu và Lê Văn Đỉnh; cùng SN 1998, trú tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh (nguyên học sinh trường THPT Đầm Hà) đã đạt được những thành tích cao trong học tập với những ý tưởng khoa học công nghệ được ghi nhận, đánh giá cao.

Những sản phẩm công nghệ hữu ích

Đặc điểm chung của cặp đôi này là cả hai đều yêu công nghệ và muốn khám phá, chinh phục công nghệ từ nhỏ. Như lời chia sẻ của Nguyễn Văn Hiếu thì: “Gia đình em trước đây làm nghề tráng bánh đa. Năm 2004, mỗi khi máy tráng bánh đa, máy rắc vừng bị trục trặc là bố em lại tự sửa chữa. Thấy bố sửa, em cũng ngồi cạnh để quan sát và được… sai vặt nên cũng hiểu biết nhiều về các thiết bị điện. Sau này, em chủ động sửa đồ điện trong nhà và dần thấy ham mê…”.

Còn với Lê Văn Đỉnh thì CNTT có sức hút đặc biệt với cậu. Nhà nghèo, điều kiện kinh tế thiếu thốn không cản được niềm đam mê của Đỉnh. Để thỏa chí, Đỉnh tự mày mò học, tìm hiểu về lập trình phần mềm rồi tự học tiếng Anh để có thể sử dụng thành thạo các bước trong lập trình.

Những lúc chuyện trò, Hiếu và Đỉnh nói nhiều về những ý tưởng sáng tạo của mình và từ sự thống nhất, ăn ý, cả hai đã bắt tay vào thực hiện mô hình “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam”. Mô hình này đã đạt giải nhì tại cuộc thi KH-KT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2016 khu vực phía Bắc. Không dừng lại ở đó, đôi bạn tiếp tục cải tiến, sáng tạo thêm để mang mô hình này tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 năm 2016. Tại cuộc thi này, Hiếu và Đỉnh đã mang về giải nhất đầu tiên cho Quảng Ninh sau 11 lần tham gia.

Hiếu và Đỉnh chỉ ra rằng: Qua việc quan sát từ chính gia đình mình và thực tế các ngôi nhà cấp 4 khác, hai cậu thấy hệ thống mạng điện sinh hoạt thường tách biệt, rất bất tiện. Cùng với đó, những thiết bị điện dân dụng rất sơ sài, nằm rải rác ở nhiều vị trí, không có cảnh báo về an toàn. Với ý tưởng mang đến một hệ thống giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, để bà con thuận tiện hơn trong sinh hoạt cũng như sản xuất, mô hình “Smart home cho gia đình nông thôn Việt Nam” đã ra đời.

Dù trải qua nhiều khó khăn, thất bại nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bạn bè, nhà trường và nhiều cấp, ngành, hai học sinh này đã đạt được thành công. Mô hình sáng tạo của cả hai được đánh giá là một hệ thống đa chức năng nhằm hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, sản xuất một cách thông minh, tiện lợi. Người sử dụng có thể tắt hay bật các thiết bị điện dân dụng, thiết bị chăn thả, tưới tiêu từ xa bằng tin nhắn văn bản qua ứng dụng trên điện thoại thông minh do nhóm tác giả tự lập trình. Bên cạnh đó, hệ thống còn sử dụng các cảm biến để cảnh báo bằng chuông báo động hoặc gửi tin nhắn đến các số điện thoại đặt sẵn trong trường hợp có trộm, rò rỉ ga hoặc hỏa hoạn và là “hệ thống không thua kém so với những phần mềm quản lý nhà thông minh khác”.

Hai tác giả nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh. ẢNH: N.H

Hai tác giả nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh. ẢNH: N.H

Tiếp tục vươn xa

Sau chiến thắng của mô hình Smart Home, Hiếu và Đỉnh đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào các trường ĐH trong nước. Theo sở trường và niềm yêu thích của mình, Nguyễn Văn Hiếu theo học ngành Điện tử - Viễn thông (ĐH Công nghệ- ĐHQG Hà Nội) còn Lê Văn Đỉnh đăng ký ngành CNTT, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tháng 7-2017, Hiếu và Đỉnh tiếp tục được Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam lựa chọn tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI) - Cuộc thi khoa học dành cho các nhà sáng tạo trẻ thế giới tại Nhật Bản. Lần này, mô hình “Smart Home cho các gia đình nông thôn Việt Nam” tham gia cuộc thi đã nhận được 2 giải thưởng là Giải công trình xuất sắc nhất của Hiệp hội Sáng kiến sáng chế Macao và Giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế Đài Loan - Trung Quốc.

Sau cuộc thi, đôi bạn tiếp tục được đề cử tham dự cuộc thi lớn “VIETNAM IOT HACKATHON 2017” do Tổng Cty Viễn thông Viettel phối hợp tổ chức. Trong mô hình tham gia những cuộc thi trước, Hiếu và Đỉnh đã nghiên cứu tích hợp nhiều chức năng, đặc biệt là có chức năng dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, chức năng này chưa được nghiên cứu kỹ càng. Vì vậy, khi biết về cuộc thi “VIETNAM IOT HACKATHON 2017”, cặp đôi sáng tạo này lại bắt tay tiếp tục nghiên cứu với ý tưởng “Hệ thống hỗ trợ liên lạc và điều khiển thiết bị điện bằng giọng nói cho người khiếm thị”. Như vậy, khi sử dụng hệ thống này, người khiếm thị chỉ cần chạm vào vùng bất kì trên màn hình điện thoại và sử dụng giọng nói để gọi điện, nhắn tin, xem ngày, giờ, đặt lịch nhắc nhở, đồng hồ báo thức, bật tắt thiết bị điện và chức năng thông báo khẩn cấp đến người thân khi có việc khẩn cấp. Hệ thống tham dự cuộc thi của cặp đôi được ghi nhận là 1 trong 18 ý tưởng xuất sắc nhất vòng chung kết và được đánh giá là ý tưởng tốt, có tính ứng dụng và tinh thần khởi nghiệp cao.

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-ban-cung-tien-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-va-y-tuong-sang-tao-106913.html