Đời bất hạnh của kẻ 'tái cấu trúc' hệ thống mafia Mỹ

Nói đến Luciano, phải kể đến việc không có con dù có rất nhiều nhân tình và từng có cả hôn thê. Về lý do, Luciano từng nói không muốn con của mình phải sống một cuộc đời gắn liền với cái tên 'con của Luciano - một tay gangster'.

Trùm tội phạm có nhiều nhân tình nhưng không có con.

Trùm tội phạm có nhiều nhân tình nhưng không có con.

Kẻ có biệt danh May mắn

Charles “Lucky” Luciano (tên khai sinh là Salvatore Lucania) sinh năm 1897 trong một gia đình thợ mỏ nghèo. Năm Luciano 9 tuổi, gia đình chuyển từ Sicily tới thành phố New York, Mỹ. Năm 14 tuổi, Salvatore bỏ học để đi bán mũ kiếm tiền.

Tuy nhiên, sau một lần may mắn kiếm được đến 244 USD trong một trò chơi xúc xắc, Luciano quyết định bỏ công việc bán mũ dạo để kiếm tiền trên đường phố. Trong thời gian đó, y gia nhập băng Five Points (5 ngón) và thường xuyên bị cảnh sát bắt giữ về tội trộm cắp đồ trong siêu thị, về sau là vận chuyển ma túy.

Sự khôn ranh hiếm có của Luciano đã thể hiện ngay từ khi còn nhỏ, với việc đứng ra nhận bảo kê cho những thiếu niên người Do Thái khỏi sự bắt nạt của những băng nhóm đến từ Italia và Ireland với số tiền 10 đồng mỗi tuần. Trong thời gian này, y cũng tích cực tìm tòi, học hỏi mánh lới kiếm tiền của những tay ma cô dẫn mối. Đây cũng là thời điểm mà Luciano đã gặp Meyer Lansky, kẻ về sau trở thành bạn thân và đối tác làm ăn.

Năm 1920, Tu chính án thứ 8 của Mỹ được phê chuẩn, trong đó bao gồm việc cấm sản xuất, buôn bán và vận chuyển rượu. Việc nhà chức trách cấm cung, nhưng cầu với mặt hàng rượu ngày càng lớn, đã tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội trục lợi.

Không để mình bị văng ra khỏi xu hướng, ngoài hoạt động buôn rượu lậu, Luciano cũng tích cực tham gia hàng loạt các hoạt động phạm pháp khác như buôn bán ma túy, điều hành các đường dây mại dâm, cờ bạc. Vào khoảng năm 1925, tổng thu nhập mỗi năm của y ước tính lên đến khoảng 12 triệu USD. Sau khi trừ đi những khoản tiền hối lộ các chính trị gia và cảnh sát, Luciano đút túi khoảng 4 triệu USD mỗi năm.

Luciano nổi tiếng với biệt danh “Lucky” (có nghĩa là may mắn) mà nhiều người cho là do hắn đã nhiều lần sống sót khỏi những trận tấn công hung bạo của đối thủ, trong đó có lần bị 3 người đánh hội đồng và cắt cổ họng, nhưng vẫn may mắn giữ được mạng.

Song cũng có ý kiến cho rằng biệt danh này xuất phát từ việc từ năm 1916 đến 1936 Luciano đã bị bắt giữ đến 25 lần về vô số cáo buộc, bao gồm hành hung người khác, tham gia hoạt động cờ bạc bất hợp pháp, tống tiền và trộm cắp, nhưng không một lần bị kết án. Một số người khác lại nói rằng cái tên May mắn của Luciano là do hắn luôn gặp may trong những trò đỏ đen. Lại có người cho rằng biệt danh này đơn giản chỉ là việc đọc chệch phần họ Luciano.

Cuối năm 1931, người đứng đầu các tổ chức mafia tại Mỹ khi đó là Maranzano bị sát hại, Luciano chính thức được “bầu” lên thay thế. FBI mô tả việc “lên ngôi” của Luciano như một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử tội phạm có tổ chức ở nước này. Bởi sau khi dẹp bỏ những kẻ có tư tưởng thù địch với mình, Luciano bắt đầu tổ chức lại các băng nhóm tội phạm theo quy củ, định hình để đưa nó thành một hoạt động có quy mô quốc gia, trong đó tập trung vào những tầng lớp ở dưới cùng.

Theo hệ thống phân cấp do Luciano khởi xướng, mafia tại Mỹ sẽ do 24 kẻ đứng đầu của những gia đình tội phạm trực tiếp điều hành. Chính những người này sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động buôn lậu, buôn bán ma túy, mại dâm, quân số, địa bàn hoạt động của từng “gia tộc” tội phạm do mình đứng đầu.

Dưới những người này sẽ là những nhân vật cấp thấp hơn như trợ lý, cố vấn, trưởng nhóm, đảm bảo hoạt động của thế giới ngầm được thông suốt, có tính tự chủ nhưng vẫn duy trì nguyên tắc tập quyền. Cùng thời điểm, các nhánh nhỏ trong tổ chức mafia này dưới sự điều hành cao nhất của Luciano cũng xâm nhập vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp và thao túng giới chính trị, hành pháp nhằm dễ bề hoạt động.

Luciano cũng là người đi đầu trong xu hướng trùm tội phạm ăn mặc sang trọng. Luciano thường xuất hiện trong những bộ lễ phục kiểu cách, đắt tiền, với áo sơ mi lụa, giày được làm thủ công, áo khoác lông cừu và những món đồ tinh tế khác. Vây quanh hắn là những cô gái đẹp, khi thì là những phụ nữ sang trọng, lúc lại là một cô gái “trình diễn” hay một ca sỹ hộp đêm. Ngoài ra, hắn cũng tỏ ra “biết chơi” khi kết bạn với một số nhân vật tiếng tăm trong giới nghệ sỹ.

Vào tù ra tội

Cuộc sống tươi đẹp của Luciano kết thúc vào năm 1935, khi Thị trưởng New York bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Thomas E. Dewey để trấn áp các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang hoành hành tại thành phố. Người đầu tiên mà ông E. Dewey nhắm tới chính là Luciano, người mà ông gọi là “kiến trúc sư của tội phạm có tổ chức trong thành phố”.

Với các bằng chứng thu được, công tố viên E. Dewey sau đó đã thành công trong việc truy tố Luciano về tội ép người khác bán dâm. Với việc bị buộc tội danh này, tháng 6/1936, Luciano bị kết án 50 năm tù giam.

Từ nhà tù, Luciano tiếp tục điều hành gia đình tội phạm của mình thông qua việc ra chỉ thị cho người đứng đầu tạm thời của thế giới ngầm của New York khi đó là Vito Genovese. Tuy nhiên, sau khi Genovese bỏ trốn tới Italia để tránh việc bị khởi tố về tội giết người, năm 1938, Luciano chính thức mất vị trí “thống soái” trong tổ chức tội phạm.

Có một điều bất ngờ là chính chiến tranh đã gián tiếp giúp Lucky có lại được tự do. Bởi sau trận Trân Châu Cảng, tình báo Mỹ lo ngại các điệp viên của Đức và Italia đã vào nước này thông qua cảng New York và thực hiện các hoạt động phá hoại tại nhiều cơ sở trọng yếu nên đã quyết định tìm đến thế giới ngầm để nhờ giúp đỡ.

Biết được rằng băng Cosa Nostra của Luciano đang là băng nhóm bảo kê cho các hoạt động tại bến cảng ở New York, tình báo Mỹ tìm tới người bạn thân Lansky để nhờ người này đứng ra dàn xếp một thỏa thuận với Luciano.

Sau vài lần thương thảo, Luciano đồng ý với đề nghị của giới chức Mỹ và chỉ đạo cho tay chân của hắn huy động những ngư dân, thổ phỉ làm việc ở những bến tàu trở thành tai mắt thu thập thông tin tình báo cho cơ quan tình báo hải quân Mỹ. Chính nhờ sự giúp sức của lực lượng này mà 8 điệp viên của Đức sau đó đã bị bắt giữ cùng tang vật là những khối thuốc nổ, bản đồ và sơ đồ được chuẩn bị sẵn cho hoạt động phá hoại.

Đổi lại, theo thỏa thuận, tháng 2/1946, Luciano được giảm án và bị trục xuất khỏi Mỹ. Ngày 10/2/1946, chiếc thuyền chở tên này rời cảng Brooklyn để về Italia. Đây cũng là lần cuối cùng trùm tội phạm này được nhìn thấy nước Mỹ, đất nước mà hắn vốn coi như nhà của mình.

Sau khi bị trục xuất tới Italia, Luciano nhanh chóng quay trở lại với con đường phạm tội. Vào khoảng giữa năm đó, y liên tục tới Cuba với mong muốn được ở gần nước Mỹ hơn, đồng thời cũng là để tìm cách lấy lại quyền kiểm soát băng Cosa Nostra ở Mỹ. Song, giới chức Mỹ cũng nhanh chóng nhận được thông tin về hoạt động của trùm băng nhóm một thời và gây sức ép buộc giới chức Cuba phải trục xuất. Một lần nữa Luciano lại phải ngậm ngùi về lại đất nước mà hắn được sinh ra.

Trở lại Italia lần này, Luciano không chỉ phải chịu sự giám sát gắt gao của nhà chức trách mà còn nhiều lần trở thành mục tiêu hạ sát của các nhóm đối thủ nhưng đều may mắn thoát được lưỡi hái tử thần. Ngày 26/1/1962, Luciano tới Sân bay quốc tế Naples gặp nhà làm phim người Mỹ Martin Gosch để thảo luận về kế hoạch sản xuất một bộ phim lấy nguyên mẫu từ cuộc đời của hắn ta.

Song sau cuộc gặp, Luciano bất ngờ lên cơn đau tim và qua đời. Cũng có người nói rằng đó thực chất vẫn là may mắn đối với y vì vào thời điểm cuộc gặp diễn ra, nhà chức trách Mỹ và Italia cũng có mặt tại sân bay và dự định sẽ bắt giữ ông trùm này về cáo buộc điều hành một đường dây buôn bán 150 triệu heroin.

Nói đến Luciano, phải kể đến việc không có con dù có rất nhiều nhân tình và từng có cả hôn thê. Về lý do, Luciano từng nói không muốn con của mình phải sống một cuộc đời gắn liền với cái tên “con của Luciano – một tay gangster”. “Có một điều cho đến giờ tôi vẫn ghét cha mình, đó là việc ông ta đã khiến tôi trở thành một gã tội phạm trong con mắt của người đời”, Luciano oán than cha mình.

Bảo An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ho-so/doi-bat-hanh-cua-ke-tai-cau-truc-he-thong-mafia-my-455383.html