Đòi bình đẳng trong kinh doanh hàng không

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh khiến nhiều người bất ngờ khi 'đòi' được bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân.

Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thanh Bình

Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thanh Bình

Tại buổi tọa đàm xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức chiều qua (16/5), nhiều chuyên gia cho rằng, cạnh tranh hàng không sẽ giúp người dân thêm cơ hội bay giá rẻ.

Cạnh tranh không phải để chiến thắng hay làm cho đối thủ yếu đi

Dẫn thông tin Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) nhận định Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dư địa để phát triển ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt, khi tính cạnh tranh của thị trường càng cao, chất lượng dịch vụ càng tốt hơn, người dân sẽ được hưởng lợi.

Cũng bàn về cạnh tranh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau.

“Các hãng cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ yếu đi. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không là để mang lại lợi ích lớn cho khách hàng, giúp nhiều người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ”, ông Cung nói.

Doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đều đòi “bình đẳng”

Đầu tư hàng không, cần khoanh khu vực cho tư nhân làm, cải cách thủ tục để giao tư nhân nhanh hơn. Cùng đó, cũng cần “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước, vì doanh nghiệp Nhà nước có đội ngũ cán bộ tốt nhưng thiếu động lực. Điều mà tôi và chúng ta mong muốn là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch. Đã đến lúc đặt vấn đề dùng chung một từ “doanh nghiệp Việt Nam” với một thể chế, một chính sách chung không phân biệt, không cơ chế thành phần.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh khiến nhiều người bất ngờ khi “đòi” được bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. Ông Thanh cho rằng, hàng không đang tắc nghẽn cục bộ mà cụ thể là tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất.

“Tại sao Tân Sơn Nhất lại nghẽn mãi không giải quyết được? Chúng ta đặt vấn đề giải cứu Tân Sơn Nhất 3 năm nay, nhưng đến giờ chưa giao được cho ai chịu trách nhiệm đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Vì sao lại như vậy? Chỉ riêng việc chủ trương đầu tư trình ai và ai trình đã là câu hỏi khó giải đáp rồi”, ông Thanh nói và cho rằng, Luật Hàng không nêu rõ chúng tôi (ACV) là DN cảng phải có trách nhiệm xây dựng, mở rộng cảng hàng không. Chúng tôi có tiền, có năng lực, đúng ngành nghề nhưng sao vẫn chưa giao được?

“Tôi không nói giao cho chúng tôi vì chúng tôi là DN Nhà nước. Tôi chỉ muốn nói rằng, đấy là quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cảng. Điều này đã được khẳng định tại Luật Hàng không dân dụng VN. “Đừng nói tư nhân xây sân bay nhanh hơn chúng tôi. Chúng tôi có năng lực, kinh nghiệm. Vân Đồn làm hết 27 tháng. Nhà ga Cam Ranh công suất vài triệu khách cũng thi công hết 21 tháng. Trong khi đó, chúng tôi lập kế hoạch báo cáo nhà ga T3 công suất 20 triệu khách năm chỉ 24 tháng”, ông Thanh nói.

“Cái chúng tôi muốn là sự bình đẳng của DN Nhà nước so với DN tư nhân. Tại cảng hàng không, nhà ga kinh doanh tốt nhất, trong nhà ga thì nhà ga hành khách tốt nhất. Trong nhà ga hành khách là nhà ga hành khách quốc tế tốt nhất. Vậy, tại sao phần hiệu quả nhất lại không giao cho chúng tôi. Xã hội hóa là một chủ trương lớn và chúng tôi tán thành, nhưng tôi cho rằng phải bình đẳng chứ không phải làm teo tóp DN Nhà nước đi”, ông Thanh nói thêm.

Trong khi Chủ tịch ACV đòi được bình đẳng với DN tư nhân, thì ở chiều ngược lại, trong chia sẻ tại diễn đàn, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc thường trực hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways cũng chỉ mong được “bình đẳng”.

“Bamboo Airways đã trải qua quá trình hình thành có lẽ kéo dài nhất từ trước đến nay. Theo đó, để thành lập, chúng tôi phải theo cả Luật Đầu tư 2014 và theo Nghị định 92 của Thủ tướng về ngành Hàng không, như vậy số lượng thủ tục là gấp đôi. Đó là sự khác biệt hoàn toàn trong quá trình hình thành. Từ 10 máy bay ban đầu, chúng tôi muốn nâng số máy bay lên lại phải tiếp “chạy một vòng” từ Thủ tướng, Bộ GTVT, Cục Hàng không làm thủ tục điều chỉnh như từ đầu”, ông Thắng nói và cho rằng, đây là rào cản với doanh nghiệp.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/doi-binh-dang-trong-kinh-doanh-hang-khong-d421114.html