Đôi bờ

Bên thềm ngôi nhà tình nghĩa nhìn ra bờ sông Thạch Hãn, câu chuyện của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng với hy sinh và nước mắt đã gợi lên trong lòng những người đang sống những cảm xúc mãnh liệt. Mẹ cười đôn hậu rồi kể cho chúng tôi: 'Mẹ bị ép lấy chồng, như nhiều phụ nữ khác ở quê. Lúc đầu còn làm eo khóc lóc, nhưng rồi vô vòng cũng phải chịu. Mụ gia khó nên làm dâu rất khổ. Thời con gái ở với cha mẹ cực một, về làm dâu cực hơn nhiều lần, không kể xiết được. Ôi thôi, nào xay lúa giã gạo, quần quật ngoài đồng trong nhà, chẳng có lúc nào ngơi tay…'.

Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Yến bên ngôi nhà ở thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Cuộc Cách mạng tháng Tám đã khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc. Vùng đất luôn là đỉnh cao trong các phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Trị đã lôi cuốn những người nông dân nghèo như ông Nguyễn Hữu Thụ - chồng mẹ Dương Thị Yến đến với cuộc cách mạng. Ông đã nhanh chóng tham gia lực lượng vũ trang ở địa phương. Mẹ ở nhà làm lụng nuôi con, lo cơm nước, tham gia phong trào phụ nữ của xã và Hội mẹ chiến sĩ. Lần đầu tiên nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà trụ sở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, mẹ đã không ngăn được nước mắt khi nghe chồng giải thích về sự thiêng liêng của ngôi sao năm cánh in trên nền cờ đỏ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cột mốc lịch sử của dân tộc là những dòng cô đọng: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1954, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Sự phân chia giới tuyến ấy dẫn đến sự phân ly của hàng trăm ngàn gia đình ở miền Nam, khi quân đội cách mạng được lệnh tập kết ra miền Bắc. Niềm vui đoàn tụ chưa kịp lắng thì anh sĩ quan Nguyễn Hữu Thụ đã bùi ngùi chia tay vợ: "Đất nước bị chia cắt, anh không ở lại với em được, phải đi. Em ở nhà nuôi con. Anh đi hai năm, anh về". Mẹ cười buồn nói: "Ông ấy nói vậy rồi đi, đi biệt hơn 20 năm sau, dù hai vợ chồng cách nhau chỉ có một con sông...".

Thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - nơi mẹ Dương Thị Yến sinh sống, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đã thuộc về bờ Nam, dưới quyền kiểm soát của chính quyền Mỹ - Diệm. Chồng tập kết qua bờ Bắc sông Bến Hải, người vợ trẻ nuôi con bằng những hạt lúa trên cánh đồng cằn khô, oằn mình trong mưa bão, bằng chiếc thuyền tre mong manh, những vó cá trên dòng sông Thạch Hãn... Mẹ lặng lẽ nuôi giấu, che chở cách mạng trong những năm khó khăn, gian khổ, bị địch khủng bố ác liệt...

Nơi vùng đất đồng chua nước mặn, chỉ riêng việc mưu sinh đã quá đỗi nhọc nhằn. Vậy mà mẹ vừa tham gia hoạt động cách mạng, một mình nuôi con, vừa chống đỡ với sự khủng bố gắt gao của kẻ địch. Chính quyền Mỹ - ngụy tại địa phương đã bắt mẹ về bót đánh đập, tra tấn, bắt mẹ ly dị chồng bên kia bờ Bắc. Mẹ kể, mẹ bị đổ nước vào mũi, nước trào ra cùng với máu, chết đi sống lại nhiều lần. Tôi hỏi, vì sao mẹ ốm yếu, gầy guộc như thế lại chịu đựng được những ngón đòn tra tấn, đánh đập dã man của địch, mẹ Dương Thị Yến nói: "Đằng nào cũng chết. Thôi thì chết một mình mình, không để nhiều người phải chết!".

Đòn roi, tù tội, hiểm nguy, cái chết từ sự khủng bố của địch không ngăn được đôi tay người mẹ đào hầm cần mẫn, bền bỉ trong đêm tối để nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Mẹ đào hầm trước sân nhà, gần bờ sông...

Ông Dương Vĩnh Quang, em trai của mẹ Dương Thị Yến năm nay đã 87 tuổi - nguyên Bí thư Huyện ủy Triệu Phong - bám trụ địa phương hoạt động từ năm 1963 đến 1975 xúc động kể: "Chúng tôi còn sống sót đến hôm nay là nhờ vào những căn hầm bí mật của những bà mẹ nghèo khó, lam lũ nhưng rất đỗi kiên cường, giàu lòng yêu nước. Một trong những nhà cơ sở ở Triệu Phong có hầm bí mật nuôi giấu chúng tôi là nhà của chị ruột tôi - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Yến. Thời chống Mỹ ác liệt, chúng tôi bám trụ được là nhờ phụ nữ. Các mẹ, các chị đào hầm, đậy nắp hầm, liên lạc, nắm tin tức, mang cơm nước, giở nắp hầm... Xã Triệu Phước được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là nhờ vào sự đóng góp của toàn dân, trong đó có công lao của những bà mẹ...".

Nhưng người mẹ gang thép ấy không ngăn được những giọt nước mắt yếu mềm khi đứa con trai duy nhất của mẹ chọn con đường vượt sang bờ Bắc sông Bến Hải. Vượt qua bao gian nan, khổ cực, mẹ chắt chiu cả cuộc đời cho con trai Nguyễn Hữu Tặng đi học. Chính quyền Mỹ - ngụy không ngừng đôn quân, bắt lính, nên con trai mẹ luôn phải tìm cách sang bờ Bắc trốn lính. Một buổi anh Tặng về nhà, bùi ngùi nói với mẹ: "Con muốn thoát ly sang bờ Bắc, ra Vĩnh Linh, để gặp cha!". Mẹ lặng người.

Rất lâu rồi mẹ không biết tin tức của chồng, dù hai người chỉ cách nhau có một dòng sông. Ở bờ Nam, mẹ ngày đêm sống trong đạn bom, thắc thỏm, ngóng đợi. Nơi bờ Bắc, mẹ không biết chồng sống, chiến đấu ra sao. Đằng đẵng nhiều năm trời, mẹ mong từng cánh thư, những lời ngắn gởi, nhưng cuộc chiến tranh ác liệt ở đôi bờ đã khiến đôi vợ chồng phân ly. Sương khói thời gian bắt đầu phủ lên mái tóc mẹ...

Tuy bị địch kiểm soát gắt gao, nhưng lực lượng cách mạng ở hai bờ Nam và Bắc vẫn tìm cách qua lại, ra vô thường xuyên. Từ số anh em này, mẹ Dương Thị Yến cũng đôi lần nhận thư chồng, biết tin chồng mình khi tập kết ra bờ Bắc, đang làm Xã đội trưởng xã Vĩnh Giang, đặc khu Vĩnh Linh - nơi được xem là tuyến đầu của miền Bắc, hậu phương của miền Nam. Mẹ cũng biết được đặc khu Vĩnh Linh là vùng tuyến lửa, trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Mẹ nhói lòng, bồn chồn, lo lắng mỗi khi nghe tin Vĩnh Linh bị bom đạn địch hủy diệt nặng nề.

Mẹ hiểu con trai mẹ từ nhiều năm mang trong lòng khát vọng cháy bỏng được vượt sang bờ Bắc, để được sát vai cùng cha bám trụ chiến đấu, quyết giữ vững địa bàn chiến lược Vĩnh Linh. Thấu hiểu lòng con, mẹ lặng lẽ chuẩn bị nhiều thứ cho con vượt tuyến. Con trai đi rồi, lòng mẹ như bị xát muối. Đã vậy, bên bờ Nam, địch biết được anh Nguyễn Hữu Tặng vượt tuyến đã cho quân tìm bắt mẹ. Mẹ phải cải trang trốn khỏi thôn Hà La, phiêu bạt đi nhiều miền đất, làm nhiều nghề, tránh sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Vậy mà khi có dịp nhắn tin cho chồng con, mẹ vẫn nói mình sống tốt, cho chồng con yên tâm.

Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tặng - con trai độc nhất của mẹ Dương Thị Yến.

Ở bờ Bắc, anh Nguyễn Hữu Tặng được tiếp tục đi học. Dù gian khổ, con trai của người mẹ Triệu Phong tự hào vì đã đồng cam cộng khổ cùng dân quân đặc khu Vĩnh Linh anh hùng. Anh muốn kể cho mẹ nghe anh đã có mặt, cùng dân quân Vĩnh Linh góp sức đào hàng triệu mét khối đất đá, xây dựng hệ thống làng hầm huyền thoại dọc ngang trong lòng đất. Anh sẽ khoe với mẹ quân và dân Vĩnh Linh, trong đó có cha mình đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực bắn rơi hàng trăm máy bay, có cả pháo đài bay B.52, bắn chìm và bắn cháy hàng chục tàu chiến địch...

Nhưng anh Nguyễn Hữu Tặng mãi mãi không còn có dịp gặp lại mẹ. Năm 1972, sau khi học hết cấp 3, anh đứng trước sự chọn lựa: Tiếp tục học đại học hoặc bám trụ chiến đấu. Con trai mẹ hạnh phúc vì được đứng ở nơi đầu ngọn sóng, dù ở lại bám trụ quê hương, trở thành chiến sĩ tay cày vai súng, vừa sản xuất vừa chiến đấu tại chỗ, đối diện với cái chết từng giờ, từng ngày. Đầu năm 1973, trong lúc làm nhiệm vụ chiến đấu, anh Nguyễn Hữu Tặng bị máy bay B52 địch ném bom rải thảm xuống Vĩnh Linh. Anh hy sinh cùng 17 đồng đội. Tất cả đều được chôn ở nghĩa trang xã Vĩnh Giang. Ngày hòa bình, hài cốt anh Nguyễn Hữu Tặng được đưa về nghĩa trang Cửa Tùng...

Vì anh Nguyễn Hữu Tặng không còn được gặp lại mẹ mà ngày hòa bình, ông Nguyễn Hữu Thụ, chồng mẹ trở về thôn Hà La, kể cho mẹ nghe những điều mà con trai ông không có dịp kể cho mẹ nghe. Thật khó khăn ông mới thốt được nên lời rằng, sau khi tập kết ra Vĩnh Linh, 5 năm sau, hoàn cảnh đẩy đưa, ông lấy người vợ khác. Trước sự thật phũ phàng, mẹ im lặng, chỉ có nước mắt thay lời. Thật sâu thẳm, lắng đọng khi nghe mẹ nói về sự mất mát của mình: "Nếu ở lại bờ Nam cùng với mẹ mà ông ấy lấy vợ khác thì mẹ còn trách. Đằng này... Cuộc đời mình đã thiệt thòi thì mình phải để cho ông ấy có tương lai...".

Và còn có bao điều lớn lao hơn, khi mỗi năm, mẹ về Vĩnh Linh, thăm lại địa đạo Vĩnh Mốc - nơi con trai mẹ từng ngồi học bài trong lòng đất, cùng dân quân Vĩnh Linh đào địa đạo, đã sống và chiến đấu nơi tuyến lửa ác liệt. Nơi bờ Bắc sông Bến Hải, máu bao chiến sĩ đã đổ xuống cho hàng trăm trận đánh để giữ cho lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên đầu cầu giới tuyến. Hàng ngàn liệt sĩ đã nằm lại nơi nghĩa trang Cửa Tùng.

Mẹ tự hào, rưng rưng khi đặt chân lên vùng đất Vĩnh Giang - một xã ở Vĩnh Linh ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nơi đó, có chồng mẹ đã dâng hiến những năm tháng thanh xuân đời người cho những trận đánh quyết tử; có máu con trai mẹ đổ xuống, thấm vào từng thớ đất. Và phải chăng ước mơ của những người chết trẻ hóa thân trong màu xanh mọc trên những hố bom năm xưa...

Trầm Hương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-bo/