Đội bóng nhí Lợn Rừng một năm sau cuộc giải cứu thần kỳ ở Tham Luang

Gần một năm sau khi mắc kẹt và được cứu khỏi hang Tham Luang trong một chiến dịch cả thế giới dõi theo, 13 thành viên đội bóng đang vượt qua sự nổi tiếng để tiếp tục cuộc sống.

Ngày 23/6/2018, 12 cậu bé trong đội bóng nhí cùng huấn luyện viên đã mất tích sau khi bước vào khám phá hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan.

18 ngày sau đó, tất cả được cứu trong sự hân hoan của cả thế giới, những người đã nín thở theo dõi chiến dịch giải cứu. Một loạt các nhà làm phim, tác giả, người dẫn chương trình talk show dành lời tán dương không ngớt trước sự kiện chấn động này. Họ nói về chiến dịch giải cứu mạo hiểm các thành viên đội bóng trong hang nước ngập sâu, theo AFP.

"Một bước lên trời"

Các thành viên của đội bóng nhí Lợn Rừng hầu hết xuất thân từ gia đình nghèo khó, một số em còn là người vô quốc tịch.

Sau cuộc giải cứu đó, hầu hết 12 thành viên đội bóng Lợn Rừng vẫn sống trong thị trấn nghèo Mae Sai, miền bắc Thái Lan. Nơi đây từng là "vùng đất ngủ quên", nay được nhiều người biết đến. Khách du lịch nườm nượp đổ về đây chụp ảnh.

Đội bóng Lợn Rừng trở thành khách mời của nhiều chương trình và đội bóng nổi tiếng thế giới sau khi trở ra từ hang Tham Luang. Ảnh: Reuters.

Các thành viên vẫn đá bóng. Huấn luyện viên tiếp tục dẫn các cậu bé xuống khu phức hợp hang Tham Luang để tập chạy. Chúng vẫn chia sẻ ngôi nhà chung với nhau.

Nhưng cuộc sống trước khi bước vào hang Tham Luang của họ đã bị đảo lộn kể từ sau khi được giải cứu. Các cậu bé ký hợp đồng làm phim với Netflix, đi khắp thế giới, và câu chuyện của chúng được ghi chép lại trong sách vở, phim tài liệu và các bộ phim truyền hình.

Sự nổi tiếng trong phút chốc cũng buộc các cậu bé phải im lặng. Theo các hợp đồng độc quyền, các thành viên và gia đình không thể thoải mái nói về chuyện của mình. Họ bị cấm nói chuyện với báo chí.

Ngày các thành viên đội bóng nhí bước chân vào khu phức hợp của hang Tham Luang cũng là lúc những cơn mưa trút xuống vùng quê của họ. Mưa lớn làm ngập một phần hang động khiến các thành viên và huấn luyện viên bị mắc kẹt hoàn toàn bên trong.

Tất cả ở giữa lưng chừng mong manh của sự sống và cái chết cho đến khi 2 nhà thám hiểm hang động người Anh vượt qua mọi lối hầm chật hẹp và ngập nước để tìm thấy 13 thầy trò vào ngày 2/7/2018.

Sau 9 ngày mất tích, các cậu bé được tìm thấy trên một khu vực đất khô, bao quanh là hố nước sâu và không gian tối mịt trong hang.

Đó là khi cậu bé Adul Sam-on, 14 tuổi, trở thành một trong những ngôi sao của vụ việc.

Cho đến khi bị mắc kẹt trong hang, Adul vẫn là người không có quốc tịch. Cậu cùng hai cầu thủ nhí khác và huấn luyện viên Ekkapol Chantawong nằm trong diện không có quốc tịch của Thái Lan.

Dưới ánh đèn pin, Adul chắp tay chào lễ phép và nói "cảm ơn" bằng tiếng Anh với 2 thợ lặn Anh. Các thành viên được tìm thấy lành lặn, dù đói và rét.

Adul sinh ra ở bang Wa của Myanmar, và lớn lên ở Thái Lan nhưng không có giấy khai sinh.

Sau cuộc giải cứu đầy kịch tính, Adul và những người còn lại được trao quyền công dân và hộ chiếu lần đầu tiên trong đời. Chúng có thể du lịch từ Los Angeles đến Manchester.

"Sự nổi tiếng không thay đổi ai trong số họ"

Ngày 23/6 là mốc kỷ niệm tròn 1 năm biến cố xảy ra với các thành viên đội bóng Lợn Rừng Thái Lan. Những người thân cận nhất với các thành viên nói rằng "sự nổi tiếng không thay đổi ai trong số họ".

"Cậu ấy vẫn là một người bình thường như trước đây", Aman Sommol, bạn của Adul nói ở trường học.

Adul vẫn là một học sinh chăm chỉ, chịu khó dạy tiếng Anh cho bạn bè và giúp họ làm bài tập về nhà.

Trở về từ hang Tham Luang, Adul Sam-on tiếp tục là một học sinh gương mẫu. Ảnh: AFP.

"Cậu ấy là một trong những tấm gương tiêu biểu cho học sinh trong trường", Aman nói.

Cậu bé và một số thành viên đội bóng nhí khác đang chơi cho Học viện Ekkapol - một câu lạc bộ mới được thành lập bởi huấn luyện viên Ekkapol Chantawong. Ekkapol cũng không thể nói gì về vụ giải cứu hang Tham Luang vì bị ràng buộc hợp đồng với Netflix.

Các đồng nghiệp của Ekkapol nói rằng anh rất vui mừng vì cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ điều hành một trường bóng đá của riêng mình.

"Sau khi mọi thứ qua đi, đây là cuộc sống mới của anh ấy", trợ lý huấn luyện viên Noppadol Kanthavong cho biết.

Ekkapol đang quản lý một công ty truyền thông đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất Netflix với các thành viên và gia đình của họ.

Theo các tin đồn, khoản tiền mà các chàng trai nhận được từ hãng truyền thông Mỹ lên tới 100.000 USD mỗi người.

Con số 13 may mắn

Sự nổi tiếng cũng ập đến với những thợ lặn tham gia giải cứu đội bóng nhí.

Sau khi cân nhắc nhiều lựa chọn, cuối cùng, các cậu bé và huấn luyện viên được cho uống thuốc an thần, mặc đồ lặn và đeo mặt nạ dưỡng khí để di chuyển ra ngoài hang.

Việc đưa các cậu bé ra ngoài hang chia làm 3 đợt, kéo dài trong 3 ngày liên tiếp. Khoảng 18 thợ lặn nòng cốt cùng hàng trăm nhân viên cứu hộ Thái Lan và quốc tế tham gia mỗi đợt giải cứu.

Huấn luyện viên đội bóng Lợn Rừng Ekkapol Chantawong đang điều hành một học viện bóng đá ở quận Mae Sai, tỉnh Chiang Rai. Ảnh: AFP.

Sát cánh cùng lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Hoàng gia Thái Lan là hàng chục thợ lặn từ Anh, Australia, Trung Quốc, Mỹ... cùng nhiều tình nguyện viên trong nước và quốc tế. Nhiều người khi đặt chân đến Mae Sai để hỗ trợ chiến dịch mới lần đầu biết đến cái tên Tham Luang.

"Sự đoàn kết này là một biểu tượng giàu sức lay động. Họ giúp chúng ta nhìn thấy một thế giới nơi mọi người có thể cùng sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau hướng đến một mục tiêu chung", nhà thơ, nhà văn người Mỹ Jay Parini lý giải vì sao một hang động cách nước Mỹ gần nửa vòng Trái Đất lại khiến người dân nước này quan tâm đến vậy.

Tất cả nhìn thấy mình trong cảnh quay của một bộ phim "vô tiền khoáng hậu".

"Khi tôi đến đây, tôi nghĩ đó là một nhiệm vụ tự sát", công dân Bỉ Ben Reymenants, người điều hành khóa học lặn Blue Label Diving ở Phuket, nói.

Điều buồn nhất trong toàn bộ chiến dịch là Saman Gunan - nhân viên cứu hộ tử vong vì thiếu dưỡng khí khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Một bức tượng khắc họa Saman Gunan, cựu đặc nhiệm SEAL Thái Lan, được dựng lên gần lối vào hang động. Ông đã qua đời trong hang động ngoằn ngoèo và ngập nước khi đó.

Một nhân viên cứu hộ khác cũng bị cuốn vào sự việc này là Vernon Unsworth, một trong số 7 thợ lặn người Anh tham gia giải cứu đội bóng.

Unsworth bị ông trùm công nghệ Mỹ Elon Musk gọi là “kẻ ấu dâm” trên Twitter sau khi đặt ra câu hỏi về sự hữu ích của ý tưởng của ông trong chiến dịch giải cứu.

Thợ lặn Anh đã chỉ trích kế hoạch "dùng tàu ngầm mini giải cứu đội bóng" của CEO Elon Musk. Ông Unsworth đã kiện CEO Tesla tội phỉ báng và ông Musk sẽ phải hầu tòa vào ngày 22/10.

Trao đổi với BBC, Unsworth gạt bỏ vai trò trung tâm của mình trong chiến dịch giải cứu sang một bên và nói: "Không ai trong chúng tôi là anh hùng. Chúng tôi chỉ làm điều mà chúng tôi phải làm".

"Số 13 không còn là một số may mắn nữa", ông nói.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-bong-nhi-lon-rung-mot-nam-sau-cuoc-giai-cuu-than-ky-o-tham-luang-post958947.html