Đội cấp cứu xuyên biên giới

'Đang ăn cơm, có điện thoại yêu cầu sang Campuchia cấp cứu chở người bệnh đi nhà thương. Tui bỏ chén cơm xuống đi liền. Bà vợ nói: 'Ông và xong chén cơm rồi hãy đi'. Tui quát: 'Trời đất, đi cấp cứu bệnh nhân mà còn cố và xong chén cơm, đến nơi họ chết mất thì sao?'. Từ đó về sau, dù có điện đi nửa đêm, gà gáy, hay mưa bão, bà vợ hổng dám nói một lời chậm trễ với tui nữa'.

Xe cấp cứu từ thiện của xã Vĩnh Xương cấp cứu người bệnh Campuchia đi qua cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương. Ảnh: Hải Luận

Xe cấp cứu từ thiện của xã Vĩnh Xương cấp cứu người bệnh Campuchia đi qua cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương. Ảnh: Hải Luận

Đó là mở đầu câu chuyện cuộc hành trình gần 15 năm lái xe cấp cứu từ thiện xuyên biên giới của ông Trần Văn Bột, xã biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang. “Ở Vĩnh Xương có 3 chiếc xe chuyên dụng cứu thương do nhân dân quyên góp tiền mua. Nhiều bệnh viện cấp huyện chưa có đội xe cấp cứu mạnh như xã này đó nghe. Đội xe 10 tài xế, dự phòng khi vào vụ gặt lúa, mùa lũ, hay gặp công này chuyện nọ, để có người thay nhau chạy. Họ toàn là những người nghèo, nhưng có tấm lòng từ thiện bao la. Vậy mới trụ nổi liền liền nhiều năm không có một đồng lương nào” - Ông Bột vui vẻ tâm sự từ đáy lòng.

“Xuống đường” quyên góp mua xe cứu thương

Gặp những ca bệnh nặng ở những xã bên phía Campuchia, không có xe đưa người ra cửa khẩu, vì nhân đạo, các lực lượng của hai nước đã mở cửa khẩu cho xe chạy vào chở bệnh nhân về trạm quân dân y Biên phòng, hoặc Bệnh viện thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cấp cứu. Các lực lượng bảo vệ biên giới và người dân Campuchia hễ thấy ông Bột xuất hiện là y rằng ông đi cấp cứu người bệnh.

“Đâu phải chỉ có người dân ở xã biên giới sát với nước mình mới qua Việt Nam chữa bệnh. Mấy xã sâu trong nội địa, thậm chí gần Thủ đô Phnôm Pênh, hễ có bệnh tật gì cần cấp cứu, họ cũng thích về An Giang, bởi bên Campuchia chi phí điều trị đắt đỏ, dân nghèo chịu hổng có nổi. Vì vậy, lượng bệnh nhân đổ về cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương ngày càng đông. Có hôm phải đi cấp cứu 2-4 ca bệnh ở bên Campuchia” - Ông Bột tự hào về công việc của mình. Đại úy Seo Kim Sam, Phó Đại đội trưởng Đại đội Biên phòng Campuchia xác nhận, có đến 90% người bệnh của Campuchia ở các xã biên giới và sâu phía trong nội địa đều đi qua cửa khẩu Vĩnh Xương vào Việt Nam chữa bệnh.

Câu chuyện hình thành đội xe cấp cứu từ thiện của xã Vĩnh Xương bắt đầu từ một người hảo tâm ở Châu Đốc tặng chiếc xe 7 chỗ đã hết đời sử dụng. Đối với xã biên giới nghèo như Vĩnh Xương cũng rất cần. Mấy người có tấm lòng gom góp được ít tiền đại tu xe, cải tạo thành chiếc xe cấp cứu. “Mới đầu chạy cũng ngon, thời gian sau, nó hư hỏng quá trời luôn. Nhiều lần vừa chạy, vừa huy động người nhà bệnh nhân xuống đẩy xe. Tội nghiệp cả tài xế, người bệnh, người nhà, xe không có máy lạnh, ngồi nóng như luộc. Nhưng nhờ chiếc xe đó đã cứu sống không biết bao nhiêu người” - Ông Bột tường thuật lại.

- Chiếc xe đó có còn sử dụng nữa không? - Tôi hỏi.

- Dẹp lâu rồi. Từ ước nguyện của thầy Trần Văn Són, chủ trì chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, xã Vĩnh Xương cần có chiếc xe cứu thương chuyên dụng, không may thầy Són qua đời sớm, anh em phật tử, nhà hảo tâm thành lập tổ vận động “xuống đường” quyên góp tiền. Có sao nói vậy, người khá giả ủng hộ cả 100 triệu đồng, 50 triệu đồng, rồi vài triệu, xuống vài trăm nghìn, mấy bà nghèo quá cũng chen vô ủng hộ vài chục nghìn đồng. Cộng gộp lại đủ mua chiếc xe cứu thương mới toanh với số tiền 755 triệu đồng. Mang chiếc xe đời mới về xã, ai cũng mừng, vui như hội.

Về sau, tổ vận động tích cực hoạt động, các nhà hảo tâm lớn ủng hộ và mua thêm 2 chiếc cứu thương chuyên dụng. Đến nay, xã Vĩnh Xương có đội xe cứu thương đời mới chạy từ thiện đứng đầu tỉnh An Giang.

Điều xe “dọt lẹ” ngay lập tức

Tìm hiểu đời sống của đội lái xe cấp cứu từ thiện xã Vĩnh Xương, toàn là dân nghèo. Hằng ngày, họ phải đi làm ruộng, làm thuê, làm mướn kiếm kế sinh nhai cho gia đình. Ông Nguyễn Công Lý, Tổ trưởng tổ điều hành xe, xởi lởi: “Xã có 3 chiếc xe, nhưng mình phải đi vận động 10 tài xế tham gia, khi vô vụ gặt, mùa lũ giăng câu thả lưới để dễ xoay xở và điều động các tài xế vào diện thường trực. Khi cần phải giải quyết cấp cứu trước tiên”.

- Sao ở xã cũng có tài xế thường trực giống như bệnh viện vậy? - Tôi bật vào chi tiết đắt.

- Số điện thoại của tôi được ghi và dán tại những nơi “trọng điểm”: Cửa khẩu quán cà phê, trạm xá xã, trạm quân dân y, chợ... Ai cần cấp cứu, gọi vô máy tôi. Tôi điều xe “dọt lẹ” tới ngay lập tức. Mình đâu có biết khi nào người dân cần cấp cứu. Vậy nên, đến lượt các tài xế nào trực ca, điện thoại luôn để chế độ hoạt động 24/24 giờ. Ngoài chuyện chạy xe đi cấp cứu ra, không có bất kỳ lý do gì để từ chối và chậm trễ hết.

- Trực nhiều như vậy, chế độ thù lao cao ở mức nào?

- Đây hoàn toàn làm tự nguyện từ trong trái tim, làm từ thiện, tài xế không lấy một đồng nào hết. Ai khá giả, có lòng thì phụ thêm “vô” tiền dầu chạy xe, để lần sau có dôi dư ra chút đỉnh, rồi cũng phục vụ cho người khác. Dân vùng này và bên Campuchia toàn nghèo không à, đâu có nỡ lấy đồng nào của họ.

- Trên xe cứu thương của các anh có y, bác sĩ đi cùng không?

- Làm gì có y, bác sĩ, các tài xế kiêm làm luôn. Mấy anh mới vô làm từ thiện, xã phải ra quyết định công nhận. Bởi vì, khi “thuận” thì không có sao, nhưng lúc “nghịch” có nhiều chuyện xảy ra. Tất cả anh em lái xe phải trải qua lớp tập huấn của Hội Chữ thập đỏ về kiến thức cơ bản sơ cấp cứu, biết cách đặt ống oxy, biết đo huyết áp... Nếu chuyển bệnh đi trong thị xã Tân Châu hoặc qua Châu Đốc, chỉ cần một tài xế chạy. Gặp ca bệnh nặng chuyển lên TP Hồ Chí Minh thì 2 tài xế cùng đi.

Ông Nguyễn Minh Tài, kinh doanh ở cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã nhiều năm chứng kiến đội xe cấp cứu từ thiện hoạt động, cảm phục nói: “Trước đây, tôi sinh sống bên Campuchia nên có nhiều người quen, biết số điện thoại. Hễ có bệnh tật gì cần đến xe cấp cứu, họ gọi vào máy tôi. Tôi gọi cho đội xe, khoảng 10 phút sau, xe đã có mặt tại cửa khẩu. Họ điều động xe đi còn nhanh gấp mấy lần so với xe cấp cứu ở bệnh viện. Mà hay nghe, dù ban đêm hay ban ngày, họ đều có mặt ngay. Đội xe này không phân biệt người Việt Nam hay Campuchia, tất cả đều được phục vụ giống nhau. Trước đây, tôi cũng ủng hộ 600.000 đồng vào quỹ mua xe”.

Để vận hành 3 chiếc xe cấp cứu chạy thường xuyên trên đường là cả một vấn đề rất lớn. Ban điều hành phải xoay xở mọi ngõ ngách để tìm thêm kinh phí hoạt động. Trung bình mỗi tháng đội xe đi cấp cứu từ 70 - 90 ca bệnh, cả người dân trong xã và Campuchia. Đó là chưa kể nhiều lần đi “chi viện” cho các xã khác trong thị xã.

“Có thời điểm phải thay mấy cái lốp xe mất mấy chục triệu đồng, rồi sửa xe cũng vài chục triệu nữa, tiền dầu hằng ngày... Hết sạch vốn liếng, tui như ngồi trên đống lửa. Bí quá, chạy đến mấy mạnh thường quân trình bày, họ “châm” thêm nguồn. Hiện nay, hằng tháng, anh Năm Dủi (Nguyễn Văn Dủi, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương) hỗ trợ gần 500 lít dầu, chị Ba Tiết gần 100 lít dầu. Còn mấy “mối nhỏ” thì hỗ trợ 1 - 2 can dầu, ai hỗ trợ bằng tiền thì đưa vô quỹ dự phòng. Tất cả đều công khai trên đài phát thanh của xã để mọi người biết và kiểm tra minh bạch rõ ràng” - Ông Đoàn Văn Hổ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương, là người đầu quân đội xe cấp cứu từ thiện của xã, bộc bạch.

Hải Luận - Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-cap-cuu-xuyen-bien-gioi/