Đổi CCCD: Cần tính kỹ để bớt phiền hà, lãng phí

Dù ủng hộ Bộ Công an nhưng nhiều người cho rằng những sửa đổi liên quan đến toàn dân thì phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng để chỉ chỉnh sửa một lần.

Đang ngồi lướt mạng trong quán cà phê, anh bạn tôi la lên: Lại có tin đổi CCCD! Cả bàn nhao nhao “đâu, tin đâu, báo nào đăng?”; mấy bàn xung quanh ngước nhìn, có người bước sang hỏi đường link. Bạn tôi, người hai lần đi làm CCCD mới cầm được tấm “bùa hộ mệnh”, bất giác thở dài…

1. Tháng 5-2021, anh bạn tôi đến công an phường làm CCCD. Anh được hẹn ba tuần sau nhân viên bưu điện sẽ giao tận nhà. Quá hạn, không thấy kết quả, anh đến công an phường - nơi làm CCCD - hỏi thăm thì được hẹn tiếp. Từ đó, anh cứ chờ, đợi, hỏi thăm - cả nguồn chính thức và không chính thức - nhưng qua hết mùa dịch COVID-19, anh vẫn chưa sờ được tấm CCCD của mình.

Một ngày, anh chính thức biết tin rằng do phôi bị hư nên anh chưa thể có CCCD. Nghĩ dịch giã, mọi thứ khó khăn, đảo lộn, sá gì chuyện này, anh đành chấp nhận sự thật. Tháng 9-2022, anh đến công an phường làm CCCD lại từ đầu, sau hơn một năm chờ đợi. Lần này may, chỉ một tháng sau anh đã có kết quả.

Giờ nghe thông tin có khả năng phải đi đổi CCCD nữa, anh sốc.

2. Thông tin về việc đổi CCCD được đưa ra tại cuộc tọa đàm tổ chức vào tuần trước. Theo đó, đại diện Bộ Công an cho biết sắp tới CCCD (được quy định trong Luật CCCD sửa đổi do Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo) có một số thay đổi so với CCCD gắn chip hiện nay.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Công an, những thông tin tại mặt trước của thẻ sẽ thay đổi so với mẫu CCCD gắn chip hiện nay gồm: Số CCCD đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như trước), đổi “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, thông tin “nơi thường trú” được đổi thành “nơi cư trú”. Mặt sau của thẻ sẽ lược bỏ vân tay, đồng thời đổi chữ ký của người cấp thẻ (theo luật hiện hành là cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) thành “Nơi cấp: Bộ Công an”.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, khẳng định: Đối với CCCD gắn chip, việc thu thập dữ liệu thông tin giấy tờ sẽ được thể hiện trên hệ thống, còn việc thể hiện thông tin trên CCCD sẽ tích hợp khi công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại. Thứ hai, không bắt buộc công dân phải cấp đổi, cấp lại CCCD mà thông tin đấy sẽ được hiển thị và tích hợp thông qua tài khoản VNeID (tài khoản điện tử, tự động cập nhật mà không phải thông qua làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CCCD).

Tức là nếu luật mới được Quốc hội thông qua thì không có chuyện hàng chục triệu người (đã được cấp CCCD gắn chip) phải lũ lượt đi đổi CCCD gắn chip sửa đổi!

Tuy thế, nhiều người vẫn băn khoăn, lo lắng vì đây mới chỉ là lời giải thích của một cán bộ tại một cuộc tọa đàm. Trong khi để an dân, nội dung ấy cần phải được chính thức hóa bằng văn bản. Bởi lẽ “di chứng” của những ngày đi làm và chờ nhận CCCD gắn chip vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Đó là chưa nói có biết bao người phải chờ đợi hàng tháng, thậm chí cả năm, rất nhiều trường hợp bị thất lạc hồ sơ bưu điện, bị sai sót các dữ liệu dân cư mà không biết giải quyết như thế nào. Nếu vào cổng dịch vụ công quốc gia, ở phần phản ánh kiến nghị, chúng ta có thể thấy rất nhiều trường hợp như vậy.

3. Những ai đã trải qua cảnh đi làm CCCD gắn chip (bắt đầu từ năm 2021, giai đoạn cực kỳ đặc biệt - đại dịch COVID-19) sẽ càng thấm thía nỗi vất vả, khó khăn của hành trình này. Những ai vì ngại khó, ngại khổ chưa đi làm CCCD gắn chip mà sử dụng CMND chín số, 12 số cũng bắt đầu thấm khi gặp những bất tiện trong các giao dịch (như xác nhận thuê bao điện thoại chính chủ, làm thủ tục vay vốn ngân hàng…).

Mỗi lần đi làm giấy tờ là mỗi lần khó, kèm theo đó là những hệ quả (thật ra là hệ lụy) khi phải cập nhật CCCD vào các giấy tờ liên quan. Vì vậy, dù ủng hộ Bộ Công an không ngừng nghiên cứu, cải tiến để phục vụ người dân tốt hơn nhưng nhiều người cho rằng những sửa đổi liên quan đến toàn dân thì phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng để chỉ chỉnh sửa một lần. Đặc biệt, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân và nguồn lực xã hội.

Từ trước đến nay, chúng ta có năm loại giấy tờ liên quan CMND và CCCD, đó là: CMND chín số; CMND 12 số có họ tên cha, mẹ; CMND 12 số không có họ tên cha, mẹ; CCCD có mã vạch; CCCD gắn chip. Theo thống kê, đến đầu năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân, cấp được gần 80 triệu CCCD. Kết quả ấy là một nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận của ngành công an. Vì vậy, dù có nhiều thắc mắc, lo ngại và khó chịu khi thay đổi liên tục nhưng người dân vẫn rất chia sẻ với cơ quan chức năng. Bởi nói đâu xa, câu chuyện chuyển đổi số ở mỗi đơn vị, cơ quan khó khăn nhường nào thì chuyện số hóa ở tầm quốc gia càng khó bội phần.

Từ việc quản lý công dân bằng thủ công đến việc quản lý bằng điện tử là cả chặng đường dài. Và giai đoạn đầu khó tránh khỏi những trắc trở, gập ghềnh. Nhưng chỉ có bước tiếp thì chúng ta mới tiến đến được giai đoạn lý tưởng: Khi giao dịch, chúng ta chỉ cần chìa ra CCCD gắn chip là đủ!

TRẦN THANH HOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-cccd-can-tinh-ky-de-bot-phien-ha-lang-phi-post725755.html