Đối chiến Mỹ - Trung 'nóng bỏng' thế trận quân sự

Một sự suy giảm trong mối quan hệ Mỹ-Trung, đã được nhìn thấy rõ nét trong cuộc tranh chấp thương mại, đang lan sang các vấn đề quân sự, theo AP.

Lầu Năm Góc ngày 25/9 đã xác nhận việc một quan chức cấp cao lực lượng hải quân Trung Quốc hủy họp vào phút chót với đô đốc Mỹ tại Washington, và các quan chức Mỹ cũng cho biết, Trung Quốc từ chối đề nghị để một tàu hải quân Mỹ thực hiện chuyến thăm cảng Hồng Kông vào tháng tới.

Cũng vào ngày 25/9, Trung Quốc yêu cầu chính quyền Trump hủy bỏ kế hoạch bán 330 triệu USD thiết bị quân sự cho Đài Loan – hòn đảo Bắc Kinh cho là một vùng lãnh thổ của mình và sẵn sàng sử dụng vũ lực để sáp nhập nếu cần thiết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo nếu thương vụ 330 triệu USD trên được tiếp tục thì đây sẽ là một sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương.

Thương vụ 330 triệu USD sẽ bán cho Đài Loan các linh kiện của máy bay chiến đấu F-16 và các máy bay quân sự khác, như C-130 và F-5. (Nguồn minh họa: AP)

Washington không có quan hệ chính thức với chính quyền Đài Loan nhưng luật pháp Mỹ đã có quy định về việc hợp tác, hỗ trợ về mặt quân sự cho hòn đảo này.

Sóng gió thương mại leo thang liên tiếp

Những động thái về quân sự trên diễn ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. Đi cùng các tuyên bố cứng rắn, hai bên liên tiếp áp đặt và đáp trả các mức thuế vào hàng hóa của nhau. Một quan chức cấp cao Trung Quốc ngày 25/9 cho biết nước này không thể tiếp tục đàm phán về việc chấm dứt tranh chấp thương mại trong khi Mỹ "kề một con dao" vào cổ Bắc Kinh bằng cách áp đặt các mức thuế quan mới.

Hai nước này cũng đang rơi vào một cuộc tranh cãi về những cáo buộc của Washington cho rằng Bắc Kinh đã cố đánh cắp các bí mật thương mại nước ngoài và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ họ có để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các hoạt động này, theo Mỹ nói, là một phần trong nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị công nghệ của Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang muốn thúc giục Trung Quốc làm nhiều hơn nữa trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu hôm thứ ba tại Đại hội đồng Liên hợp quốc LHQ tại New York, ông Trump cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hỗ trợ trong vấn đề Triều Tiên, nhưng ông cũng đã chỉ trích Trung Quốc vì những gì ông gọi là sử dụng các quy tắc thương mại quốc tế không hợp pháp để cướp đi việc làm của Mỹ và khiến Mỹ thâm hụt thương mại.

"Những ngày đó đã kết thúc. Chúng tôi sẽ không còn chịu đựng hành động như vậy nữa", ông Trump nói.

Trỗi dậy căng thẳng quân sự

Mối quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh đã tương đối ổn định trong những năm gần đây, ngay cả khi Mỹ quan ngại về các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã không mời Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC ở Thái Bình Dương. Các quan chức Lầu Năm Góc viện dẫn lí do là việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông.

Trong những ngày gần đây, mức độ căng thẳng trong lĩnh vực quân sự đã tăng lên. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn, cho biết Trung Quốc đã thông báo cho Lầu Năm Góc việc một quan chức hải quân hàng đầu Trung Quốc bị triệu tập về Bắc Kinh, hủy bỏ một cuộc họp đã được lên kế hoạch với Hải quân Mỹ.

CNN dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn nói: “Chúng tôi được thông báo rằng Phó Đô đốc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Thẩm Kim Long đã bị triệu hồi về Trung Quốc và không tiến hành cuộc gặp với Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson”.

Hôm thứ Hai, một phóng viên đã hỏi ông Mattis về những gì ông đã làm gì trước những diễn biến này và cách ông dự định giải quyết vấn đề.

"Ngay bây giờ, còn quá sớm để nói gì. Chúng tôi vẫn đang xem xét điều này", ông nói thêm rằng cả ông và Ngoại trưởng Mike Pompeo nhất trí về việc "chúng tôi phải có mối quan hệ với Trung Quốc." ... Và vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm con đường phía trước''.

Ông Mattis đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 6 – đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Lầu Năm Góc tới Trung Quốc kể từ năm 2014.

Ngoài sự tức giận về tuyên bố bán 330 triệu USD thiết bị quân sự cho Đài Loan hôm thứ Hai, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ trừng phạt Bộ Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu cơ quan này Trung tướng quân đội Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Hành động của Hoa Kỳ liên quan đến thỏa thuận Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga năm ngoái và các thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa không đối không S-400 trong năm nay. Những giao dịch này được cho là vi phạm luật đạo luật trừng phạt năm 2017 của Mỹ đối với chính phủ Nga về cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và các hoạt động khác.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Mỹ không có quyền can thiệp vào hợp tác quân sự của Trung Quốc với Nga và yêu cầu thu hồi các lệnh trừng phạt.

Trong một hành động đáp trả mạnh hơn, Trung Quốc đã từ chối đề nghị thực hiện một chuyến thăm cảng Hồng Kông vào tháng 10 của tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoa Kỳ USS Wasp. Trung Quốc đã từ chối một chuyến thăm như vậy vào năm 2016 khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang về vấn đề Biển Đông.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Eastburn cho biết: "Chúng tôi có một hồ sơ dài về các chuyến thăm cảng thành công đến Hồng Kông và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục".

https://www.voanews.com/a/us-china-tensions-spilling-over-into-military-arena/4587613.html

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/doi-chien-my-trung-nong-bong-the-tran-quan-su-366675.html