Đội cứu nạn biển áo vàng

Lực lượng cứu nạn bờ biển ở thành phố Đà Nẵng là những 'người hùng' lặng thầm với công việc nguy hiểm nhưng đầy ý nghĩa - bảo vệ tính mạng con người. 24 tiếng mỗi ngày, dù nắng mưa, dù mùa đông rét cắt thịt da hay đang mùa hè đổ lửa, họ vẫn dõi theo từng con sóng, nỗ lực ứng cứu kịp thời khi có sự cố đuối nước xảy ra.

Ông Đặng Cư, một nhân viên cứu hộ lâu năm, chăm chú quan sát bao quát khu vực biển du khách đang tắm.

Ông Đặng Cư, một nhân viên cứu hộ lâu năm, chăm chú quan sát bao quát khu vực biển du khách đang tắm.

Người dân Đà Nẵng và nhiều du khách đã gọi họ với một cái tên thân quý "Đội cứu nạn biển áo vàng".

Nghề chọn người

4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, ca làm việc buổi sáng của các nhân viên trong đội cứu nạn tại các bãi tắm du lịch biển (trực thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng (Ban Quản lý) - Sở Du lịch Đà Nẵng) bắt đầu. Ngay khi hội ý nhanh với các tổ trưởng, đội trưởng các nhân viên cứu hộ bắt đầu nhận nhiệm vụ dọc các bãi biển Đà Nẵng. Mỗi người một khu vực, nhưng cùng chung một trách nhiệm, là không để sự cố đáng tiếc nào xảy ra với người dân, du khách khi tắm biển.

Ông Đặng Cư, 58 tuổi, hiện là một trong những thành viên có thâm niên nhất trong đội cứu nạn, kể: "Cách đây 24 năm, tôi và nhiều ngư dân đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ chọn đưa vào nhóm cứu nạn biển. Hồi đó, thành phố còn nhiều khó khăn, bãi biển cũng hoang sơ chứ không được quản lý bài bản như bây giờ. Lúc đó, ai bơi giỏi, lặn giỏi, có đủ sức khỏe là xung phong tham gia. Tôi sinh ra ở biển, lớn lên với biển và quen với sóng to, gió lớn và hiểu được thủy triều, cho nên gắn bó với công việc này đã 24 năm. Càng làm tôi càng yêu công việc và hễ còn sức khỏe, mắt còn tinh, tai còn thính, tôi vẫn nguyện gắn bó với nghề".

Cách đây 24 năm, tôi và nhiều ngư dân đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ chọn đưa vào nhóm cứu nạn biển. Hồi đó, thành phố còn nhiều khó khăn, bãi biển cũng hoang sơ chứ không được quản lý bài bản như bây giờ. Lúc đó, ai bơi giỏi, lặn giỏi, có đủ sức khỏe là xung phong tham gia.

Ông Đặng Cư, 58 tuổi, thành viên đội cứu nạn

Nói rồi ông dõi mắt ra xa, khu vực có rất đông người dân, du khách đang tắm biển buổi sáng, khi mặt trời bắt đầu lên. Ông nói, nghề này, nhìn thì đơn giản thế nhưng lại là nghề đối diện với chính an nguy tính mạng chính mình.

Người nhân viên cứu hộ phải có đủ sức khỏe, kỹ năng xử lý tình huống và không thể chậm trễ khi phát hiện có người đuối nước, luôn trong tư thế sẵn sàng xuống biển. Chưa kể, làm nghề cứu hộ còn phải am hiểu vùng biển, quản lý để không cho khách tắm ở khu vực nước sâu, mỗi khi nhìn thấy các dấu hiệu nguy hiểm là phải nhận thức được sớm.

Người cứu hộ biển theo dõi vùng xoáy dòng chảy hằng ngày, ứng trực, cắm cờ, cảnh báo khu vực nguy hiểm cho du khách cũng như luôn giữ tâm thế sẵn sàng, mắt bao quát và không một phút lơ là. Đối với cứu hộ bãi biển, chỉ có bốn phút vàng để cứu người, nếu người đuối nước không được đưa lên bờ cấp cứu kịp sẽ bị chết não, dễ tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Quang, 47 tuổi, nhân viên cứu hộ khu vực bãi tắm Mỹ An đến nay đã 15 năm trong nghề. Ông không nhớ bản thân và các đồng nghiệp đã cứu được bao nhiêu người qua lằn ranh sinh-tử, nhưng "Mình làm nghề cứu nạn biển là bảo vệ, lo cho sinh mạng của con người. Biển Đà Nẵng là biển du lịch, mình như một hướng dẫn viên du lịch vậy, thế nên, phải thật sự yêu nghề mới "trụ" lại đến bây giờ", ông Quang chia sẻ.

Ngoài kỹ năng cứu nạn, phản ứng nhanh và bơi giỏi, thì nhân viên cứu nạn phải thật bình tĩnh xử lý tình huống khi tiếp cận người bị nạn để bảo đảm an toàn tính mạng của mình và cứu được người bị nạn. Vì khi có tai nạn đuối nước, thường nạn nhân hay mất bình tĩnh và nếu tiếp cận không chuẩn, nhân viên cứu nạn sẽ bị nạn nhân ôm chặt và cả hai sẽ bị nhấn chìm.

Luyện tập kỹ năng cứu hộ người đuối nước.

Bảo đảm an toàn cho du khách

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Đội cứu nạn tại các bãi tắm du lịch biển hiện có 94 người, chia làm 19 tổ công tác thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách tắm biển, bảo đảm an toàn cho người dân và khách tắm biển trong phạm vi quản lý trải dài hơn 30km dọc hai tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa và Nguyễn Tất Thành.

Đội cứu nạn tại các bãi tắm du lịch biển hiện có 94 người, chia làm 19 tổ công tác thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách tắm biển, bảo đảm an toàn cho người dân và khách tắm biển trong phạm vi quản lý trải dài hơn 30km dọc hai tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa và Nguyễn Tất Thành.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng

Tính từ năm 2018 đến nay, họ đã ứng cứu an toàn hơn 374 trường hợp. "Mới đây, lực lượng cứu nạn biển Đà Nẵng cứu sống kịp thời một du khách nước ngoài bị đuối nước khi tắm và bơi vào khu vực có cắm bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm. Do sóng to, vị khách này bị sóng cuốn trôi nhưng may mắn được nhân viên cứu hộ Phạm Minh Ngọc, Tổ cứu nạn tại lối xuống biển khu vực Hồ Xuân Hương, phát hiện, dùng phao cứu du khách vào bờ an toàn.

Đà Nẵng đang vào mùa cao điểm du lịch biển, công tác cứu hộ cứu nạn được tăng cường tuyệt đối để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách tắm biển. Ban Quản lý đã tăng cường lực lượng cứu hộ trực tại các bãi tắm trọng điểm và duy trì tuần tra từ khung giờ trực mùa hè từ 4 giờ 30 phút-19 giờ hằng ngày; duy trì hai bãi tắm đêm hoạt động từ 19 giờ đến 22 giờ, tại khu vực bãi biển phía bắc Công viên Biển Đông và khu vực Bãi biển đêm Mỹ An - nơi có đủ điều kiện về ánh sáng, nhân viên cứu hộ trực bảo đảm an toàn; triển khai giăng phao tại các khu vực tắm an toàn; lắp đặt hơn 109 các loại bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm có dòng chảy xa bờ, cảnh báo khi thời tiết xấu, lắp đặt bảng khuyến cáo tại các khu vực không có lực lượng cứu hộ trực; tuyên truyền trên hệ thống loa ven biển, website, fanpage; phối hợp các dự án ven biển trong công tác cứu hộ du khách; làm mới các trạm cứu hộ, trang bị thêm các phương tiện cứu hộ như ca-nô, ván lướt cứu hộ, hệ thống phao giới hạn an toàn.

Ban Quản lý cũng phối hợp các chuyên gia Hiệp hội Cứu hộ Australia tổ chức các lớp trao đổi kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên cứu nạn và các kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Làm hết ca trực nhưng chưa vội về khi bãi biển còn người tắm, chưa đến giờ trực nhưng đã có mặt trên bãi biển để chủ động nắm tình hình, đó là thói quen mà mỗi nhân viên cứu hộ biển Đà Nẵng đã cùng nhau thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

Đội trưởng Đội cứu nạn tại các bãi tắm du lịch biển Đà Nẵng Nguyễn Quốc Vinh cho biết: "Anh em trong đội đều là những người làm việc hết trách nhiệm và nhanh nhạy xử lý rất nhiều tình huống xảy ra trên các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Với hoạt động đặc thù, túc trực dưới nước, điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là ý thức trách nhiệm và chấp hành nội quy của đơn vị, không bao giờ được phép mất tập trung. Bảo vệ an toàn cho người dân, du khách cũng là góp phần làm đẹp hơn cho hình ảnh thành phố du lịch Đà Nẵng".

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-cuu-nan-bien-ao-vang-post756006.html