Đối đầu Ấn Độ-Trung Quốc: Chi tiết mới, câu chuyện cũ

Đối đầu Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực biên giới nhiều khả năng sẽ leo thang, song khó hạ nhiệt triệt để trong thời gian tới. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PTI)

Ngày 15/6, đụng độ đã xảy ra giữa hai bên tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh trong khu vực tranh chấp Kashmir. Ban đầu, Ấn Độ xác nhận có 3 binh sĩ thiệt mạng, song trong tuyên bố tối ngày 16/6, Bộ Quốc phòng nước này cho biết 17 quân nhân khác bị thương nặng sau đó đã tử vong.

Một sĩ quan Ấn Độ cho biết: “Không có nổ súng. Hai bên không sử dụng vũ khí. Đây là một vụ ẩu đả.” Một nguồn tin khác từ New Delhi tiết lộ: “Trong khi hai bên đang thảo luận về vấn đề hạ nhiệt căng thẳng biên giới, phía Trung Quốc đã dùng thanh sắt tấn công khiến một chỉ huy bị thương nặng và ngã xuống. Sau đó, nhiều binh sỹ Trung Quốc đã xông đến dùng đá tấn công”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava khẳng định vụ đụng độ là hậu quả của việc Trung Quốc cố đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực biên giới tranh chấp. Trong khi đó, phía Trung Quốc không nhắc đến thương vong, nhưng đổ lỗi cho Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc lính Ấn Độ đã vượt qua biên giới hai lần trong ngày 15/6, khiêu khích Trung Quốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Phản ứng trước động thái mới nhất giữa Ấn Độ-Trung Quốc, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng hai nước giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. Người phát ngôn của Bộ này nêu rõ: “Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã bày tỏ nguyện vọng hạ nhiệt căng thẳng và chúng tôi ủng hộ một giải pháp hòa bình dành cho tình hình hiện nay”.

Sự kiện lần này rõ ràng có nhiều điều để ngẫm hơn một cuộc ẩu đả thông thường.

Chi tiết mới

Thứ nhất, đây là đụng độ chết người lần đầu tiên tại biên giới hai bên kể từ năm 1975. Khi đó, 4 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng sau khi đụng độ với lính Trung Quốc trong lúc tuần tra dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) thuộc bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ). Các cuộc đụng độ sau đó như đối đầu 72 ngày tại Doklam năm 2017, hay vụ đụng độ tháng trước tại vùng Ladakh đều không để lại thương vong. Những đối đầu, xung đột thường bắt đầu bằng mạng người và sự cố không mong muốn này có thể khiến căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc leo thang trong thời gian tới.

Thứ hai, đụng độ giữa hai bên để lại nhiều nghi vấn, khi cuộc ẩu đả bằng tay không và đá lại có thể khiến tới 20 người thiệt mạng. Trước đó, những vụ việc tương tự thường chỉ khiến hai bên bị thương và không có người thiệt mạng. Thêm vào đó, sau vụ đụng độ hồi tháng Năm, lãnh đạo hai bên đã tiến hành điện đàm, nhất trí không để căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, theo hãng tin ANI, quan chức chỉ huy của lực lượng phía Trung Quốc có tham gia vào cuộc ẩu đả nêu trên, đồng thời thương vong của phía Trung Quốc có thể lên tới 40 người. Vậy đụng độ với quy mô như vậy liệu đơn thuần là sự cố, hay hành động có tính toán?

Câu chuyện cũ

Thứ ba, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh những nhân tố lớn tác động tới quan hệ song phương đang thay đổi. Về tình hình nội bộ, Trung Quốc đã dần kiểm soát được đại dịch Covid-19, trong khi Ấn Độ đang gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch, tác động tiêu cực tới uy tín của Thủ tướng Narendra Modi. Về mặt thời gian, năm 2020 kỷ niệm 7 thập kỷ thiết lập quan hệ song phương, song các hoạt động kỷ niệm đã bị trì hoãn vì dịch bệnh.

Trước đó, hai bên đã tổ chức Thượng đỉnh không chính thức tại Vũ Hán (năm 2018) và Mamallapuram (năm 2019), song không đạt được nhiều kết quả cụ thể và thực chất, khi còn đó nhiều khác biệt từ lợi ích, tầm nhìn đến các vấn đề cụ thể.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở Vũ Hán ngày 28/4/2018. (Nguồn: AP)

Về mặt chiến lược, Ấn Độ đang cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách khi bước gần hơn về phía Mỹ, đặc biệt là sau chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington tháng 9/2019 và chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump tháng 2/2020.

Ngoài Mỹ, quan hệ của Ấn Độ với hai quốc gia khác trong “Bộ Tứ” (Quad) đang ngày một khăng khít. Tháng 12/2019, New Delhi và Tokyo đã khởi động đối thoại an ninh 2+2, đẩy nhanh đàm phán về Thỏa thuận mua bán hàng hóa và dịch vụ chéo (ACSA), cho phép chia sẻ năng lực và các nguồn cung quốc phòng, trong đó có nhiên liệu và đạn dược. Tháng 6/2020, Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã thảo luận trực tuyến, thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST).

Ngược lại, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc thời gian qua vẫn diễn ra theo chiều hướng “bằng mặt, không bằng lòng”. Dù hai bên vẫn tỏ ra hữu hảo, song mặt cạnh tranh đang ngày một lộ rõ, thể hiện qua thái độ của New Delhi đối với Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), cũng như tầm ảnh hưởng ngày một lớn của Bắc Kinh tại các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Pakistan và Sri Lanka.

Theo giới chuyên gia, xung đột tại khu vực biên giới thời gian gần đây liên quan đến nhận định của Trung Quốc cho rằng các hệ thống đường đang được Ấn Độ xây dựng gần LAC là chiến lược để giành quyền kiểm soát Aksai Chin và một số khu vực dễ bị tổn thưởng khác.

Đổi lại, Ấn Độ cũng không kém cạnh khi tuyên bố sẽ không tham dự đối thoại cấp cao về hồ Pangong vào ngày 19/6 tới chừng nào câu chuyện tại thung lũng Galwan chưa được giải quyết. Theo ANI, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ấn độ, Tướng Bipin Rawat được chỉ đạo sẵn sàng chuẩn bị phối hợp ba lực lượng lục quân, hải quân và không quân cho tình huống xấu nhất. Hải quân Ấn Độ và Không quân Ấn Độ đã được điều động tới eo biển Malacca và bất kỳ nơi nào tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẵn sàng đáp trả mọi hành động khiêu khích.

Trong tình huống đó, lãnh đạo hai bên có thể đàm phán song thiếu vắng sự nhượng bộ, cùng những khác biệt về lợi ích, tầm nhìn ở hiện tại sẽ ngăn cản việc tìm kiếm hay triển khai một giải pháp hiệu quả, toàn diện trong thời gian sớm.

Như vậy, xét trên mặt chiến lược và thực địa, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng thời gian tới, với khả năng hạ nhiệt sẽ phụ thuộc nhiều vào ý chí của lãnh đạo hai bên nói riêng và chuyển biến trong quan hệ song phương nói chung.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-dau-an-do-trung-quoc-chi-tiet-moi-cau-chuyen-cu-117651.html