Đối đầu Nga – Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria: Điểm trúng khó dừng

Xung đột giữa lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria khiến quan hệ Moscow - Ankara căng thẳng, tình hình chiến sự tại Syria trở nên rối ren hơn. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Xung đột tại khu vực phía Đông Idlib, Syria những ngày qua chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữ UCAV của Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống phòng không Pantsir S-1 của Syria do Nga cung cấp. (Nguồn: The National Interest)

Căng thẳng bùng phát sau khi quân đội Syria không kích Idlib, khiến 35 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Đáp lại, ngày 1/3, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ 2 máy bay của quân đội Syria tại Idlib, không kích một sân bay quân sự ở bên ngoài khu vực tiền tuyến khiến 19 binh sỹ Syria thiệt mạng. Ngày 2/3, tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga tại Syria đã tiêu diệt một vật thể bay trên bầu trời Idlib – nếu được xác nhận, đây sẽ là máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) thứ 7 của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ chỉ trong hai ngày tham chiến tại Tây Bắc Syria.

Quan trọng hơn, Nga đang can thiệp ngày càng sâu vào chiến sự Syria. Không quân Nga xuất kích với cường độ cao, ném bom dữ dội vào phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Jabal Al-Zawiya hay Jabal Shashabo. Chiều ngày 2/3, quân cảnh Nga tới thành phố Saraqib, Tây Bắc Idlib nhằm “đảm bảo an ninh” sau khi quân đội Syria đẩy lui phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ. Giao tranh dự kiến sẽ ác liệt hơn trong thời gian tới. Trước tình hình trên Liên hợp quốc chỉ trích Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “phạm tội ác chiến tranh”, gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất trong vòng 9 năm nội chiến Syria.

Về phần mình, người phát ngôn Tổng thống Dmitry Peskov khẳng định: “Nga là nước duy nhất đưa quân tới Syria theo yêu cầu hợp pháp của chính quyền Syria. Tất cả lực lượng quân sự của nước khác tại Syria đều vi phạm nguyên tắc thông thường và luật pháp quốc tế".

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Tayyip Erdogan sẽ hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 5/3 tại Moscow. Kết quả cuộc gặp chắc chắn sẽ tác động lớn tới cục diện hiện nay trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, những biến chuyển phức tạp trong quan hệ song phương thời gian qua, về Syria đã phản ánh ý đồ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng phiến quân tại Syria do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ đang giao tranh ác liệt với Quân đội Syria của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. (Nguồn: AP)

Đụng độ khéo léo

Đầu tiên, chiến dịch phản công của Thổ Nhĩ Kỳ không hướng tới lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà nhằm phục vụ mục tiêu đối nội của Tổng thống Tayyip Erdogan. Dòng người nhập cư đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ quá tải, tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Khi ấy, các chiến dịch tấn công của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhiều khả năng sẽ đi kèm các vụ thảm sát, khiến người dân buộc phải đổ về đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara rối càng thêm rối. Việc chính quyền Syria tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo cái cớ hoàn hảo để Ankara phản công, ngăn chặn Damascus, cố gắng đẩy lùi nguy cơ về người nhập cư.

Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã mở cửa biên giới với châu Âu, cho phép người nhập cư di chuyển tới Bulgaria và Hy Lạp, dù trên thực tế, EU vẫn tiếp tục đóng cửa đường biên giới này. Đây là cách Ankara tạo áp lực, buộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham chiến tại Idlib. Theo thỏa thuận năm 2016, EU sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn dòng người di cư đổ vào EU, song vì nhiều lý do, thỏa thuận này đã không được thực hiện triệt để. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng người nhập cư làm lá bài buộc EU và NATO quay trở lại chiến trường Syria.

Đây là ý tưởng thú vị, song chưa thực sự phát huy tác dụng. Ngày 1/3, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Joseph Borell cho biết sẽ họp khẩn với ngoại trưởng các nước thành viên để thảo luận về tình hình xấu đi tại Syria, đẩy người tị nạn tới khu vực biên giới của khối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Washington sẽ không hỗ trợ Ankara tại Idlib và đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ nhân đạo người dân Syria.

Thứ hai, động thái phản công của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm giành lại quyền kiểm soát phía Đông Idlib, chứ không hướng tới lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, càng chẳng muốn đối đầu quân sự trực diện với Nga, vốn vượt trội về tiềm lực quân sự và là đối tác quan trọng bậc nhất trong chiến lược khu vực hiện nay. Do đó, phát biểu trước khi đi Moscow ngày 5/3, ông “mong ông Putin sẽ có biện pháp cần thiết, như ngừng bắn, và chúng tôi sẽ tìm giải pháp cho vấn đề này".

Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Nga. Moscow chủ yếu hướng tới củng cố vị thế tại Damascus và không có lợi ích trong giao tranh với Ankara. Như vậy, giống các cao thủ võ thuật Trung Quốc hay so tài với phương châm “điểm trúng là dừng”, sau thời gian căng thẳng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ cố gắng tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn, hạ nhiệt tình hình hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại lễ khánh thành đường ống dẫn khí TurkStream ngày 8/1/2020 tại Istanbul. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, lập trường của ông Assad là một câu chuyện hoàn toàn khác: Không có lãnh đạo quốc gia nào chấp nhận để nước ngoài chi phối một phần lãnh thổ của mình. Như vậy, nhiều khả năng bất chấp kết quả cuộc hội đàm tại Moscow, quân đội Syria sẽ tiếp tục tấn công các cứ điểm tại Idlib cho đến khi đánh bật lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ và kiểm soát hoàn toàn khu vực này.

Khi đó, một giải pháp chính trị đồng bộ, toàn diện nhằm chấm dứt xung đột tại đây sẽ cần có sự hiện diện của chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, với thỏa thuận và cam kết thỏa mãn lợi ích của các bên. Với Syria, đó là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bao gồm cả Idlib. Với Nga, đó là củng cố ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông. Với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là giải quyết vấn đề người nhập cư tràn qua biên giới, nguy cơ an ninh từ người Kurds và khẳng định vai trò tại Syria. Cho đến lúc đó, hòa bình tại Syria vẫn mông lung hơn bao giờ hết.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-dau-nga-tho-nhi-ky-tai-syria-diem-trung-kho-dung-110762.html