Đối đầu thương mại Mỹ - Trung sẽ là cuộc chiến trường kỳ

Mỹ nhiều khả năng bổ sung các biện pháp trừng phạt và cô lập thương mại Trung Quốc, buộc Bắc Kinh đẩy mạnh cải cách kinh tế.

Sóng gió trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng tiếp tục nổi lên sau những ngày bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng tại Syria. Tin rằng chính sách ép cứng rắn với Bắc Kinh đã phát huy tác dụng, Nhà Trắng đang lên kế hoạch bổ sung các biện pháp trừng phạt và cô lập thương mại.

Đẩy mạnh trừng phạt

Hồi đầu tháng 4, Mỹ đã công bố danh sách 1.300 mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế 25%. Tuy nhiên, danh sách trị giá 50 tỷ USD này chưa bao gồm những sản phẩm tiêu dùng như quần áo, điện thoại di động, giày dép. Giới chuyên gia nhận định việc loại bỏ các mặt hàng này nhằm giảm thiểu tác động tới người tiêu dùng và hạn chế chỉ trích từ dư luận Mỹ.

Tuy nhiên, danh sách 50 tỷ USD nói trên mới chỉ là phát súng khởi động. Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin tại Washington cho biết Nhà Trắng đang xây dựng danh sách mở rộng những mặt hàng tiếp theo từ Trung Quốc trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Danh sách mới, dự kiến được công bố vào tuần tới, trị giá 100 tỷ USD, sẽ bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tổng thống Mỹ công bố quyết định áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ công bố quyết định áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, bộ Tài chính Mỹ hiện xem xét kế hoạch cấm cửa dòng đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ. Washington lo ngại trước thực tế Bắc Kinh dành những khoản hỗ trợ khổng lồ cho ngành công nghệ cao trong nước, nhằm giúp Trung Quốc soán ngôi của Mỹ, trở thành cường quốc công nghệ số một thế giới.

Một quan chức bộ Tài chính cho biết hạn chế đầu tư chống Trung Quốc có thể là lệnh cấm dài hạn, kể cả trong trường hợp Bắc Kinh chấp nhận điều chỉnh chính sách thương mại. Những hạn chế này có thể buộc Trung Quốc thực thi các cam kết thương mại của nước này, đồng thời phát đi thông điệp cảnh cáo các quốc gia khác không "học theo" Bắc Kinh.

Giới chức Mỹ hiện rất tự tin với nhận định Trung Quốc đã chùn chân trước sự mạnh tay của Washington thời gian qua. Nhà Trắng tin rằng bài phát biểu hôm 10/4 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao, theo đó cam kết cắt giảm thuế ôtô nhập khẩu và giảm nhẹ hạn chế đối với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xúat ôtô tại Trung Quốc, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã xuống nước.

"Đây là động thái hòa giải rõ ràng nhất. Trước đó họ chỉ toàn dùng những từ ngữ tiêu cực", một quan chức Nhà Trắng nhận định.

Các nhóm doanh nghiệp Mỹ lo sợ những biện pháp mạnh tay của Washington chống Trung Quốc có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, Nhà Trắng chẳng hề nao núng. Một quan chức Nhà Trắng khẳng định: "Tổng thống Trump sẽ gây áp lực lớn hơn nữa trước khi chấp nhận những đề nghị từ Trung Quốc".

Trung Quốc buộc phải cải cách

Trước công luận, Trung Quốc đương nhiên bác bỏ khả năng "quy hàng" trước áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiểu rằng những đòn đánh thương mại buộc họ phải đẩy nhanh các kế hoạch cải cách và tự do hóa nền kinh tế.

Hiện nay, Trung Quốc đánh thuế 25% với các mặt hàng ôtô, con số cao vô lý so với mức thuế chỉ 2,5% của Mỹ. Bắc Kinh cũng yêu cầu các nhà sản xuất ôtô nước ngoài phải tham gia liên doanh chia sẻ 50% quyền sở hữu với các doanh nghiệp chủ nhà nếu muốn xây dựng nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.

Áp lực từ Mỹ buộc Trung Quốc đẩy mạnh cải cách kinh tế. Ảnh: AFP.

Các quan chức Trung Quốc cho biết thuế nhập khẩu ôtô sẽ giảm xuống, đồng thời giới hạn quyền sở hữu các doanh nghiệp sản xuất đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần dần được dỡ bỏ theo kế hoạch từ 3-5 năm.

Kế hoạch cải cách của Trung Quốc dường như khá chậm chạp đối với các quan chức Mỹ, nhưng Bắc Kinh cần thời gian để xử lý các nhóm lợi ích sẽ bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm cả các tập đoàn nhà nước hùng mạnh.

"Áp lực từ Mỹ đã tạo cho Trung Quốc động lực cần thiết để thay đổi", một quan chức Trung Quốc nói.

Những cải cách kinh tế mà Bắc Kinh theo đuổi vấp phải sự phản đối từ trong chính nội bộ Trung Quốc tại một cuộc họp kín trong khuôn khổ Diễn đàn Bác Ngao hôm 10/4. Cựu bộ trưởng thương mại Trung Quốc Chen Deming cho rằng nếu Bắc Kinh chấp nhận nhượng bộ trong ngành ôtô, Trung Quốc cũng cần yêu cầu Mỹ có những động thái tương tự nhằm thể hiện thiện chí.

Tân giám đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang tuyên bố giới hạn quyền sở hữu các công ty bảo hiểm nhân thọ và chứng khoán được tăng từ 49% lên 51% và sẽ được hủy bỏ trong 3 năm tới. Điều này đi ngược lại yêu cầu từ Washington và giới đầu tư nước ngoài, yêu cầu Bắc Kinh lập tức hủy bỏ giới hạn quyền sở hữu.

"Mọi thứ phải diễn ra từ từ", ông Yi khẳng định.

Cuộc chiến lâu dài

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thương mại "trường kỳ". Áp mức thuế 25% lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của đối phương mới chỉ là màn "trao đổi chiêu thức" đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sau khi Mỹ công bố danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu, Bắc Kinh đã nhanh chóng đáp trả bằng cách áp thuế 25% lên 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Trước thông tin Mỹ chuẩn bị đưa ra danh sách bổ sung trị giá 100 tỷ USD các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.

Tổng thống Trump cho biết xem xét khả năng tái gia nhập TPP. Ảnh: Zuma Press.

Trừng phạt thương mại Trung Quốc, Mỹ phải nhận đòn trả đũa và nông dân Mỹ là những người đầu tiên phải trả giá. Để hạn chế sự bất mãn từ các cử tri, chính quyền của Tổng thống Trump đang xây dựng kế hoạch đền bù trị giá nhiều tỷ USD cho nông dân bị ảnh hưởng bởi biện pháp trả đũa từ Trung Quốc.

Hôm 13/4, Tổng thống Trump tuyên bố xem xét tái gia nhập hiệp định TPP, nay có tên CPTPP. Động thái này được cho là nhằm tập hợp lực lượng, kiềm tỏa ảnh hưởng thương mại và chính trị của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh các đồng minh và đối tác châu Á của Mỹ lo ngại Washington sẽ từ bỏ những cam kết quốc tế tại khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách kết nối với các quốc gia bất mãn với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Sau bài phát biểu hôm 10/4 của ông Tập tại Diễn đàn Bác Ngao, một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh mở cửa cải cách sắp tới của Trung Quốc sẽ không áp dụng cho những quốc gia "khơi mào chiến tranh thương mại". Tân giám đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang hôm 11/4 thì cho biết Thượng Hải và London đã đạt thỏa thuận liên kết giao dịch chứng khoán, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.

90s: Mỹ lưỡng đầu thọ địch với hai cường quốc phương Đông Trong vài tuần qua, Mỹ cùng lúc lâm vào thế đối đầu với hai cường quốc phương Đông sau khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và trừng phạt thương mại chống Trung Quốc.

Duy Anh
Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-dau-thuong-mai-my-trung-se-la-cuoc-chien-truong-ky-post834087.html