Đối đầu thương mại với EU, Mỹ tính toán gì?

Washington khơi mào đối đầu thương mại Mỹ- EU, rủ đồng minh 'đánh' Trung Quốc nhưng không thành.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, Bruno Le Maire tuyên bố tại Hội nghị tài chính G20 ở Buenos Aires (Argentina) cho rằng, cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và EU đã thực sự bắt đầu và chính sách thương mại hiện tại của Mỹ áp dụng thuế quan đơn phương dựa trên "luật rừng".

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, Bruno Le Maire

"Tất cả thành viên trong nhóm G20 đều hiểu rằng chiến tranh thương mại là một thực tế, và ở đây có nguy cơ đối với sự tăng trưởng toàn cầu" - Bộ trưởng Le Maire khẳng định.

Tờ Europa Press dẫn lời, ông Le Maire lưu ý sự cần thiết để thực hiện bước đối thoại đầu tiên với Mỹ, thiếu bước này Ủy ban châu Âu không thể xây dựng các đề xuất của mình.

"Tôi yêu cầu Mỹ trở lại với ý thức chung và tôn trọng cả các quy tắc toàn cầu và các đồng minh của mình" - ông Le Maire nói.

Bộ trưởng Pháp cũng cảnh báo rằng, nếu Washington tiến hành áp thuế mới đối với hàng hóa châu Âu, châu Âu sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp trả đũa và EU sẽ không thảo luận các cuộc đàm phán thương mại tự do với Mỹ cho đến khi Washington từ bỏ áp thuế nhập khẩu nhôm và thép.

Cảnh báo trên được đưa ra ngay trước cuộc đàm phán về thương mại giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junke với Tổng thống Trump, dự kiến diễn ra vào ngày 25/7 tới.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 18/7 trước thềm chuyến công du tới Mỹ, ông Jean-Claude đã bất ngờ lên tiếng nhấn mạnh những nỗ lực của Mỹ nhằm chia rẽ EU trong lĩnh vực thương mại đều vô ích.

Có thể nói tuyên bố này của người đứng đầu cơ quan hành pháp của EU là không bình thường trước chuyến thăm chính tới một đồng minh quan trọng nhất.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- EU được châm ngòi từ quyết định của chính quyền ông Donald Trump khi áp tăng mức thuế nhập khẩu lên 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước thành viên EU tới thị trường Mỹ. Đáp lại, EU liền trả đũa bằng cách áp thuế cao và dựng lên rào cản thương mại đối với hàng hóa Mỹ như thuốc lá, rượu bourbon, quần bò hay xe máy phân khối lớn.

Không dừng lại, đầu tháng 7 này, Tổng thống Donald Trump lại đe dọa áp thuế 20% đối với toàn bộ ô tô lắp ráp tại EU nhập khẩu vào Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, nếu ông Donald Trump biến lời đe dọa này quyết định trên thực tế, chắc chắn sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng thực sự giữa Mỹ với các quốc gia EU.

Washington muốn lôi đồng minh "đánh bẹp" Trung Quốc nhưng không thành?

Mỹ đã tìm cách tranh thủ châu Âu và Nhật Bản với các thỏa thuận thương mại tự do hôm 21/7 để đạt được đòn bẩy trong cuộc chiến thuế quan leo thang với Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin kêu gọi Trung Quốc và EU có những nhượng bộ để tái lập cân bằng thương mại.

Mặt khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng mời gọi Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu tham gia vào mặt trận chung chống lại Trung Quốc nếu châu Âu không muốn bị "đè bẹp" trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin

Nói với báo giới tại hội nghị G20, ông Mnuchin cho biết, ông sẽ nhắc lại đề xuất của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tại G7 rằng các nước đồng minh cần dỡ bỏ thuế quan với nhau.

"Nếu châu Âu tin vào thương mại tự do, chúng tôi sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại tự do" - Bộ trưởng Mnuchin cho biết, đồng thời khẳng định, một thỏa thuận như vậy cần phải đảm bảo xóa bỏ thuế quan, các rào cản phi thuế quan và bảo hộ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Pháp Le Maire tiếp tục tuyên bố cứng rắn, EU sẽ không cân nhắc đàm phán thương mại với Mỹ nếu ông Trump không rút các thuế nhôm và thép cũng như xóa bỏ đe dọa đánh thuế ô tô trước đó.

"Chúng tôi từ chối đàm phán khi súng đang chĩa thẳng vào đầu mình" - Bộ trưởng Le Maire nói với báo giới.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/doi-dau-thuong-mai-voi-eu-my-tinh-toan-gi-3362319/