Đối diện hàng loạt rủi ro về pháp lý, ngành gỗ cần làm gì?

Hàng loạt rủi ro về pháp lý tại những thị trường lớn đang đe dọa ngành gỗ Việt Nam. Theo đó, lựa chọn nguồn cung gỗ hợp pháp và thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ là những giải pháp để ngành gỗ tránh được những rủi ro này và phát triển bền vững.

Nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đang nhắm tới mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Ảnh: N.H

Nguy cơ từ gỗ nhập khẩu

Tổ chức Forest Trend vừa đưa ra những cảnh báo rủi ro về tính hợp pháp trong luồng cung gỗ tròn và gỗ xẻ của Nga và Ukraine nhập khẩu vào Việt Nam. Cảnh báo này được đưa ra dựa trên một số nguồn thông tin gần đây lo ngại về tính hợp pháp của các luồng cung này.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nguồn này vào Việt Nam trung bình hàng năm chỉ trên dưới 20 triệu USD, chủ yếu là gỗ xẻ, gỗ dán và các loại ván, chiếm dưới 1% về tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Tuy nhiên, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nga vào Việt Nam tăng rất mạnh trong giai đoạn 2018-2019 với mức tăng trong năm 2019 là 84%. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga cũng đã chiếm 85% so với tổng kim ngạch năm 2019.

Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trend, gỗ lậu đã và đang trở thành vấn nạn tại Nga với tỷ lệ khoảng 10-60% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu từ quốc gia này. Gỗ lậu được khai thác dưới nhiều hình thức khác nhau như giấy phép khai thác giả, khai thác vượt quota cho phép, khai thác vượt khỏi các diện tích được chính phủ cho phép, lạm dụng trong giấy phép khai thác tận dụng.

Lượng gỗ nguyên liệu tiềm ẩn nguy cơ bất hợp pháp nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam chủ yếu qua ngả Trung Quốc. Kể từ khi thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên năm 2017, nguồn cung nguyên liệu gỗ cho nội địa Trung Quốc sụt giảm khoảng 50 triệu m3, nguồn này nhanh chóng được thay thế bằng nhập khẩu, trong đó lượng gỗ từ Nga chiếm lượng lớn. Khoảng 95% lượng gỗ khai thác vùng viễn đông và Siberia tiếp giáp với Trung Quốc đã nhập khẩu vào đây và đi tiếp sang nhiều vùng khác. Năm 2019, Chính phủ Nga đã cảnh báo Trung Quốc cần chấm dứt nhập khẩu gỗ lậu từ Nga, nếu không sẽ chấm dứt xuất khẩu hoàn toàn.

Không chỉ nguồn gỗ nhập khẩu từ Nga tiềm ẩn rủi ro về tính hợp pháp mà cả nguồn gỗ từ Ukraine cũng ẩn chứa rủi ro tương tự. Theo TS Tô Xuân Phúc, một số nguồn thông tin cho rằng lượng gỗ khai thác lậu hàng năm tại Ukraine nằm trong khoảng từ 25.000 m3 cho tới 1,25 triệu m3. Gỗ lậu xảy ra với tần xuất lớn đặc biệt tại vùng Carpathian. Kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Ukraine vào Việt Nam khoảng 11 triệu USD mỗi năm. Tháng 6/2020 vừa qua, Tổ chức Earth Rights công bố báo cáo đã cảnh báo về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu Ukraine.

TS. Tô Xuân Phúc nhận định, mặc dù lượng gỗ nhập khẩu từ 2 Nga và Ukraine vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, song rủi ro trong luồng cung này có thể làm tổn hại đến hình ảnh của cả ngành trên trường quốc tế. Để giảm rủi ro trong luồng cung này, các DN cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu gỗ vào Việt Nam. Ngoài ra nếu có thể, các DN có thể lựa chọn các nguồn cung thay thế, với độ rủi ro ít hơn, nhằm đảm bảo sản phẩm là hợp pháp. Thực hiện điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp, mà còn góp phần giữ gìn và nâng cao hình ảnh của ngành trên trường quốc tế.

Rủi ro về phòng vệ thương mại

Ngoài những rủi ro về tính hợp pháp trong nguồn cung gỗ từ Nga và Ukraine, ngành gỗ, cụ thể là gỗ dán của Việt Nam đang đối mặt nguy cơ bị cáo buộc về vi phạm luật chống bán phá giá, chống lẫn tránh thuế từ các thị trường lớn. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã cảnh báo về tình trạng một số DN lợi dụng nhập gỗ dán từ Trung Quốc về để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi.

Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam. Quyết định này được đưa ra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ rằng một số công ty xuất gỗ có nguồn quốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau giai đoạn gia công, sơ chế, lắp ghép tại đây, và mặc dù chưa đáp ứng được điều kiện xuất xứ và nhãn mác của Việt Nam, các công ty này xin chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng của Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm này dưới nhãn mác của Việt Nam vào thị trường này.

Trước đó, hồi tháng 4/2020, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã công bố mức thuế tạm thời áp dụng đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 – 10,56% (riêng 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn), tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9/2020. Trước đó (vào năm 2015), Bộ Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức điều tra mặt hàng này của Việt Nam và áp mức thuế 240 USD/m3 được áp dụng cho tất cả công ty không phản hồi thông tin cho cơ quan điều tra.

Trước hàng loạt rủi ro như trên, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho rằng, hiệp hội gỗ các địa phương phải rà soát lại hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên để phát hiện các điểm bất thường giữa năng lực sản xuất và sản lượng xuất khẩu. Nếu phát hiện có gian lận, chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc phải công bố thông tin rộng rãi, đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý nghiêm.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho rằng cần hình thành và đẩy mạnh các liên kết ngang giữa các DN gỗ dán và liên kết dọc giữa DN gỗ dán với các DN sản xuất đồ nội thất. Đối với vụ kiện do Mỹ vừa khởi xướng, các chuyên gia cũng khuyến cáo các DN cần tích cực tham gia giải trình để chứng minh được nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam hoặc từ nước khác không phải Trung Quốc.

Một số DN khác thì đặt vấn đề về việc gỗ dán Trung Quốc chủ yếu làm từ loại cây poplar, trong khi nguồn nguyên liệu chính của Việt Nam là gỗ tràm (acacia). Theo đó, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Chính phủ cần ban hành chính sách cấm xuất khẩu các loại gỗ dán, ván ép được làm từ cây gỗ poplar vào Mỹ.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doi-dien-hang-loat-rui-ro-ve-phap-ly-nganh-go-can-lam-gi-129714-129714.html