Đội đỏ lên tiếng, tố thỏa thuận GPP của Nvidia là độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh

Như đã biết về vụ việc Nvidia buộc các đối tác OEM phải ký thỏa thuận GPP với nhiều lợi ích từ hỗ trợ dịch vụ, sản phẩm cho tới marketing nhưng đổi lại phải loại các sản phẩm của AMD, cụ thể là Radeon RX ra khỏi các thương hiệu card đồ họa đầu bảng của mình. Hôm nay, chuyện nóng lên khi một trong những quan chức cao cấp của AMD lên tiếng về thỏa thuận GPP, cáo buộc Nvidia độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

Nvidia và thỏa thuận GPP khiến các OEM làm card phải loại AMD ra khỏi thương hiệu cao cấp?

Freedom of choice - sự tự do chọn lựa!

Scott Herkelman - phó chủ tịch kiêm quản lý mảng Radeon Gaming tại AMD đã đăng trên Twitter những dòng rất bức xúc. Ngày 19 tháng 4 vừa qua thì AMD có một sự kiện kinh doanh tại London, sau sự kiện Scott đã nó lời cảm ơn những ai đã tham dự và hỗ trợ AMD đồng thời chia sẻ rằng: "Nhiều người trong số các bạn đã nói với tôi về cách đối thủ của chúng ta đang cố gắng sử dụng kinh phí và khả năng chỉ định, phân bổ sản phẩm để hạn chế hay ngăn chặn khả năng quảng bá cũng như kinh doanh các sản phẩm Radeon theo cái cách mà bạn (đối tác kinh doanh) và khách hàng của bạn mong muốn. Tôi muốn cho các bạn biết rằng lời kêu gọi của các bạn đã được lắng nghe và rằng tôi sẵn lòng chào đón bất cứ ai đang phải đối mặt với tình trạng tương tự liên hệ với tôi. Cùng nhau, chúng ta có thể làm việc để đảm bảo rằng chúng ta đem lại cho game thủ những gì thật sự họ đáng được hưởng - đó là sự tự do chọn lựa."

Những lời của Scott Herkelman ẩn chứa lời cáo buộc nghiêm túc và ông cũng nhấn mạnh hậu quả của MDF (kinh phí phát triển marketing) và phân bổ sản phẩm - được xem là phần điều khoản bất hợp pháp nhất của GPP. Có thể thấy AMD đang muốn leo thang vụ việc với hy vọng sẽ nổ phát súng đầu tiên cho một vụ kiện tụng pháp lý.

Scott đã nói chuyện với nhiều đối tác kinh doanh tại sự kiện AMD vừa qua và rất nhiều trong số họ bày tỏ sự quan ngại về việc Nvidia đang làm tê liệt khả năng quảng bá cũng như bán các sản phẩm mang thương hiệu Radeon. Chúng ta cũng đã chứng kiến việc các OEM đang dần loại bỏ Radeon ra khỏi dòng card đầu bảng của mình, như dòng Gaming của MSI không còn AMD, ASUS cũng đã dời AMD sang ngôi nhà mới là thương hiệu AREZ và công ty chị em của hãng này là ASRock cũng đã bắt đầu làm card đồ họa nhưng chỉ AMD với dòng Phantom Gaming. Gigabyte cũng đang dần loại AMD ra khỏi thương hiệu AORUS nổi tiếng.

AMD và các đối tác cho rằng GPP có những điều khoản bất hợp pháp, chúng ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn của người tiêu dùng và cản trở hoạt động kinh doanh của các công ty mà họ (các đối tác) đang làm việc cùng, ở đây là AMD và Intel.

Dĩ nhiên, việc có tham gia GPP hay không còn tùy thuộc vào quyết định của nhà sản xuất OEM/AIB nhưng nếu như họ không tham gia thì thứ họ mất sẽ là nhiều quyền lợi như: Tham gia hoạt động kỹ thuật cao cấp, không được tiếp cận công nghệ sớm, không xuất hiện trong danh sách các đối tác phát hành card đồ họa với những dòng GPU Nvidia mới, không hỗ trợ tặng kèm game với mỗi chiếc card bán ra, không được hưởng các chương trình giảm giá, không được hỗ trợ truyền thông, không hỗ trợ báo cáo marketing cũng như được hưởng kinh phí phát triển marketing (MDF). Rất rất nhiều chữ không ở đây!.

Vì vậy hầu hết các nhà sản xuất đều ký kết thỏa thuận GPP và bản thân Nvidia cũng khẳng định số lượng công ty tham gia GPP rất đông. Vì vậy đây là một điều sẽ mất nhiều năm để giải quyết tại tòa trước khi đi đến kết luận và phán quyết cuối cùng. Cũng cần lưu ý rằng Nvidia cho biết họ không ràng buộc hợp đồng và tất cả các OEM đều có thể tự do rời chương trình GPP bất cứ khi nào họ muốn. Thế nhưng trước hàng tá chữ "không" như vậy thì hẳn các OEM có thể đã tự ràng buộc mình vào GPP.

Scott Herkelman tại AMD CES Techday 2018.

Vấn đề chính của chương trình GPP là sự thiếu liên kết giữa những gì được soạn ra và những gì không được soạn ra giấy. Chip xử lý đồ họa thường khan hiếm, nó không phải là thứ dư thừa để nhà sản xuất nào cũng được cung cấp với số lượng như nhau. Thành ra Nvidia có thể chọn ai để để phân bổ sản phẩm và thực tế Nvidia vẫn đang làm điều này. Chẳng hạn như Nvidia chỉ giao một số lượng nhỏ GPU cao cấp cho hãng sản xuất A nếu hãng A chỉ ưu tiên số lượng bán ra dòng GPU cấp thấp bởi thông thường số lượng đặt hàng dòng GPU này luôn cao hơn. Thế nhưng cũng có những trường hợp như Saphirre - một hãng làm phần cứng độc lập (IHV), ngay từ đầu không làm card đồ họa Nvidia.

Nếu như một OEM không tiết lộ sự thật rằng họ chỉ cung cấp các dòng card đồ họa Nvidia và đưa ra lý do mơ hồ rằng họ phải làm vậy vì đây là công nghệ xử lý đồ họa mang lại hiệu năng cao nhất (không cần biết có thật hay không) thì điều này cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo: WccfTech

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/doi-do-len-tieng-to-thoa-thuan-gpp-cua-nvidia-la-doc-quyen-canh-tranh-khong-lanh-manh.2787879/