Đổi đời nhờ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện

Nhà máy thủy điện Hủa Na công suất 180 MW/năm tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhờ vào lưu vực lòng hồ lớn hơn 5.000 km2 mà nhiều năm nay người dân đã phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ban đầu (vào năm 2013) chỉ có khoảng 10 hộ dân tham gia nuôi cá lồng. Sau đó, nhiều người thấy hiệu quả kinh tế cao, đến nay có hàng trăm hộ dân đầu tư nuôi trên khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ông Lang Văn Cường - trú bản Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong - cho biết năm 2017 gia đình anh bắt đầu tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ, thấy việc nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế nên gia đình quyết đầu tư nuôi hơn 20 lồng. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng. "Nhờ nuôi cá lồng, mà đời sống của gia đình chúng tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã ổn định, có của ăn của để" - ông Cường phấn khởi.

Ông Trần Văn Thuận - trú bản Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong - cho biết gia đình ông đầu tư khoảng 70 lồng nuôi các loại cá trắm, cá điêu hồng, cá leo, cá lăng... trên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Nhờ đầu ra ổn định, bình quân mỗi năm, gia đình ông có thể thu lãi từ 500-700 triệu đồng.

Nhờ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na mà nhiều hộ dân huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có thu nhập ổn định

Nhờ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na mà nhiều hộ dân huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có thu nhập ổn định

Tại xã Đồng Văn tính đến nay có trên 600 lồng cá do người dân nuôi thuộc các bản Mường Hinh, Pù Duộc, Na Chảo - Piềng Văn… Ngoài ra, tại các xã khác trên địa bàn huyện Quế Phong, những năm gần đây, có rất nhiều hộ dân tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Nhờ vào việc nuôi cá lồng mà đời sống của người dân xã miền núi này đã thoát cảnh nghèo khó, có cuộc sống ổn định.

Ông Lô Hùng Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong, cho biết nhờ được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, đầu tư bài bản, nên hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng của bà con đạt khá cao.

Tại khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, công suất 320 MW), những năm gần đây, cũng có rất nhiều hộ dân tham gia nuôi cá lồng. Cụ thể, người dân nuôi cá lồng chủ yếu ở xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông và một số hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ từ Ngọc Lâm (Thanh Chương) quay lại lòng hồ tham gia nuôi. Riêng khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có trên 300 lồng cá, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - cho biết hiện trên địa bàn huyện có khoảng 500 lồng cá người dân nuôi ở khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố. Nhờ nuôi cá lồng mà nhiều hộ dân đã cải thiện được thu nhập. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với những giải pháp: quy hoạch phát triển tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2025, quy hoạch chi tiết vùng gắn với các đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả tại hồ thủy điện. Huyện chú trọng gắn nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới, để bà con có vốn đầu tư nuôi cá lồng.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/doi-doi-nho-nuoi-ca-tren-long-ho-thuy-dien-20230528204736407.htm