Đôi đũa trong ẩm thực của người Việt

Muôn đời nay, đôi đũa trở thành vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm thường ngày của người Việt. Nhiều nghiên cứu cho rằng, đũa có nguồn gốc từ nền văn minh Trung Hoa, cũng có người lại khẳng định đũa thuộc văn minh lúa nước Đông Nam Á có cách đây cả mấy ngàn năm.

Ở Việt Nam, hình ảnh đôi đũa xuất hiện sớm nhất trong chuyện cổ tích “Trầu cau” đã có tự thuở nào. Từ việc ăn bốc hoang dã chuyển sang dùng đũa là một bước tiến dài quan trọng. Ảnh Internet

Ngày trước, tùy theo địa vị xã hội mà ông hoàng, bà chúa thường dùng đũa ngọc, ngà, quan lại dùng gỗ mun, còn người bình dân thì chỉ là đôi đũa tre, đũa gỗ đơn sơ, mộc mạc. Miền Bắc và miền Trung thường gắn với các lũy tre làng nên người dân thường lấy thân tre già chẻ vót làm đũa.

Ở miền Nam, người ta lại hay dùng cây dừa để làm nên đôi đũa. Đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, một đầu vuông để các ngón tay cầm, một đầu được vót tròn để gắp thức ăn, không sơn quét, trang trí (trừ một số đũa chuyên dùng để thờ cúng). Tùy theo kích thước và công dụng mà đũa cũng được phân chia làm nhiều loại: đũa ăn chỉ dài độ 22-25 cm. Đũa lớn chuyên dùng để xào nấu dài khoảng 30- 35 cm để tránh hơi nóng và dầu mỡ không bắn dính vào tay.

Lại còn có những đôi đũa cả hay còn gọi là đũa bếp to dẹt, chuyên dùng để đảo, xới cơm trong những nồi lớn, dài tới 60-70 cm, dành cho cả hàng chục người ăn.

Dù chỉ là một vật dụng nhỏ bé nhưng đôi đũa lại chứa đựng trong đó cả một lịch sử lâu đời cùng những triết lý sâu sắc trong gia đình người Việt. Thông qua bữa cơm, đôi đũa đã trở thành một vật dụng để ông bà, cha mẹ có thể dạy con cháu những bài học về nền nếp, lễ nghĩa.

Trong căn bếp của người Việt còn có những đôi đũa cả hay còn gọi là đũa bếp to dẹt, chuyên dùng để đảo, xới cơm trong những nồi lớn. Ảnh Internet

Lên độ dăm sáu tuổi, ai trong chúng ta cũng đã từng được người lớn bày dạy cách cầm đũa, cách so đũa trước khi ăn. Chẳng mấy khi người Việt dùng đũa lệch hay đũa đã cong vênh. Sau khi so đũa, chọn những đôi bằng bặn, người ít tuổi hơn thường hai tay lễ phép đưa cho người lớn. Bắt đầu bữa ăn, để tỏ lòng tôn kính với các bậc cao niên hay với khách, người ta dùng đũa mới để gắp đồ ăn mời người khác trước khi gắp cho chính mình.

Trong bữa ăn, nếu muốn gắp thêm thức ăn cho người khác thì cần trở đũa, gắp về phía đầu vuông. Khi gắp thức ăn cũng không nên dùng đũa để xới tìm miếng ngon mình thích, hay dùng đũa đã cho vào miệng khuấy vào bát nước chấm hay bát canh chung. Người lớn cũng thường dạy con trẻ khi ăn không được ngậm mút đũa, không được vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân khua khoắng.

Hồi còn nhỏ, nhiều lần trong bữa ăn tôi hay bị bố mẹ nhắc nhở vì cái tội trong lúc chờ cơm được dọn ra, cứ lấy hai chiếc đũa gõ vào miệng bát hay cạnh mâm nhôm mà hát hò ầm ĩ. Khi gắp thức ăn, mẹ thường khuyên không gắp thức ăn bỏ thẳng ngay vào miệng mà phải để trên bát cơm riêng của mình. Cầm đũa phải sao cho khéo, giữ cho chặt để thức ăn không rơi vãi xuống mâm hoặc rơi vào bát canh làm nước bắn tung tóe. Khi ăn xong, nhẹ nhàng thả đôi đũa xuống mâm. Việc cắm đũa thẳng đứng vào bát cơm cũng là điều kiêng kị vì người ta chỉ làm điều đó cho người đã khuất…

Đũa làm bằng tre là loại có mặt đầu tiên trong văn hóa người Việt. Ảnh Internet

Văn học dân gian Việt Nam còn lưu lại nhiều câu khá thú vị về hình tượng đôi đũa phản ánh chiều sâu của triết lý nhân sinh. Trong suy nghĩ, nói năng, hành xử thì cần phải rành mạch, thẳng thắn cho “ra đầu ra đũa”, “đến đầu đến đũa”. Trong đối nhân xử thế, nhìn nhận sự việc, đánh giá con người không được hồ đồ “vơ đũa cả nắm”.

Trong mối quan hệ vợ chồng, thật bất hạnh nếu gặp phải cảnh ngộ: “Bây giờ chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Hay “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”, hoặc “Hay gì đũa mốc đòi chòi mâm son”… May mắn và hạnh phúc khi thuận đôi vừa lứa “Hai ta làm bạn thong dong, như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”. Về mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân thì đã có câu “Bó đũa chọn cột cờ”. Hình tượng bó đũa biểu hiện sức mạnh của sự đoàn kết, của tính cộng đồng nên không thể “bẻ đũa cả nắm”…

Hiện nay, bên cạnh đũa tre, đũa gỗ, trên thị trường xuất hiện đũa ăn với nhiều chất liệu như nhựa, inox, nhôm… Trên địa bàn Hà Tĩnh, từ cây móc hay còn gọi là cây đủng đỉnh mọc hoang trên rừng, anh Phạm Đình Ái ở huyện Hương Sơn đã nghiên cứu, chế tác thành sản phẩm đũa mang thương hiệu Thuận Ái không ngấm nước, càng dùng càng đen bóng, đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài đũa móc Thuận Ái, đũa cau năng rưng được làm từ cây cau rừng ở huyện miền núi Hương Khê cũng là sản phẩm bền đẹp, lịch sự, an toàn cho người sử dụng.

Đũa cau năng rưng của một số huyện miền núi Hà Tĩnh nổi tiếng bền đẹp, được khách hàng nhiều địa phương ưa chuộng.

Ngày xuân, tôi lại nhớ đôi đũa trong tay mẹ như chiếc đũa thần tạo cho không gian cả nhà ấm lên, sực nức mùi thơm của nồi cơm vừa chín tới và bao hương vị thức ăn quyến rũ. Bao năm trời, mẹ từng phải ngồi đầu nồi xới cơm chia phần cho cả nhà rồi hướng dẫn các con cách ăn uống với bài học đầu tiên về cách cầm đôi đũa.

Đôi đũa gắn bó với ta từ tấm bé, theo tiễn mỗi người khi trở về bến cuối, lại có mặt cùng khói nhang hư ảo dành cho những người thân đã khuất lúc giỗ chạp hay khi đón tết đến, xuân về!

Phan Trung Hiếu

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/doi-dua-trong-am-thuc-cua-nguoi-viet/207600.htm