Đội hình tiêu biểu SAO 'chạy theo đồng tiền': Ronaldo, Benzema chỉ là kẻ đi sau

Ronaldo và Benzema đến với giải Saudi Arabia nhưng họ không phải những người tiên phong của trào lưu ngôi sao kiếm tiền ở các giải đấu ít tiếng tăm.

Mùa hè này là lần đầu tiên Saudi Arabia nói riêng và các nước dầu mỏ nói chung thực sự vung tiền như nước để đưa cầu thủ hàng đầu ở châu Âu đến đá, thay vì chỉ là điểm đến của các ngôi sao xế chiều. Cristiano Ronaldo, Karim Benzema ở góc độ nào đó đúng là xế chiều thật, nhưng những Ruben Neves, Sergej Milinkovic-Savic, Jota vẫn chưa đến tuổi 30 mà đã rời châu Âu để đi “làm kinh tế”.

Ronaldo và Benzema đã đến Saudi Arabia, nhưng họ không phải những người tiên phong của trào lưu "dưỡng già" ở Trung Đông

Dù vậy họ không phải những cầu thủ tiếng tăm đầu tiên chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Dưới đây là một đội hình tiêu biểu (theo sơ đồ 4-3-3) các cầu thủ đã “đi tiên phong” trong việc kiếm ăn ở các giải đấu xa xôi, căn cứ theo cả tiêu chí thời gian lẫn thu nhập họ kiếm được (Saudi Arabia và Qatar không phải lúc nào cũng trả lương cao hơn bóng đá châu Âu).

Thủ môn: Edouard Mendy

Riêng Mendy thì đúng là hè này vừa sang Saudi Arabia nên có thể xem anh là một người tiên phong trong trào lưu “đông tiến” để kiếm tiền tấn. Ngay cả các quốc gia lắm tiền nhất vẫn phải cố chừa suất thủ môn để cầu thủ trong nước bắt (đến nay Trung Quốc vẫn giữ luật đó kể cả trong thời gian mua ngoại binh rầm rộ), hơn nữa nếu sắm ngoại binh họ sẽ ưu tiên nhắm các cầu thủ tấn công còn thủ môn là vị trí ít cần nhất.

Mendy là một ví dụ nổi tiếng bởi anh giúp Chelsea đoạt Champions League nhưng sau đó đã sa sút phong độ rất nhiều. Ở lại châu Âu không bảo đảm cho Mendy suất bắt chính và lương ở chỗ làm mới sẽ ít đi, vậy tội gì không kiếm 185.000 bảng/tuần ở Saudi Arabia?

Trung vệ: Toby Alderweireld

Thực tế năm 2010 Fabio Cannavaro cũng đã sang Qatar thi đấu nhưng khi đó mức lương 2,3 triệu bảng/năm của anh không cao so với các giải châu Âu. 11 năm sau, Toby Alderweireld đầu quân cho Al Duhail và được trả tới 5,5 triệu bảng/năm chưa tính tiền thưởng, dù vậy trung vệ người Bỉ đá chỉ 1 mùa trước khi quay về Bỉ.

Trung vệ: Chris Samba

Có thời điểm Chris Samba là cơn ác mộng số 1 của Arsenal chỉ riêng trong các pha phạt góc. Nhưng sau khi trở thành trung vệ hàng đầu Premier League dưới bàn tay của Sam Allardyce rồi Mark Hughes, anh lại không chuyển tới một đội mạnh mà sang Anzhi Makhachkala để kiếm 100.000 bảng/tuần, lúc đó là mức lương ít hậu vệ nào có được.

Christopher Samba liên tục làm khổ Arsenal nhưng từ chối về Emirates để sang Nga đá bóng

Nhưng sau chưa đầy 1 năm, Samba phát ốm vì sự phân biệt chủng tộc của khán giả Nga và bỏ về Anh đá cho Queens Park Rangers. Khi QPR xuống hạng, Samba trở lại Anzhi và đá chưa được 2 tháng trước khi CLB này rao bán toàn bộ đội hình để chuẩn bị giải thể.

Hậu vệ trái: Roberto Carlos

Carlos cũng sang Anzhi khi đã 37 tuổi và thất nghiệp ở Brazil, anh đá 18 tháng tại đây trước khi treo giày. Đáng nói là sinh nhật của Carlos tại Anzhi dẫn tới món quà tặng từ ông chủ tỷ phú là một siêu xe Bugatti, khiến Yaya Toure 3 năm sau phàn nàn với Man City rằng trong ngày sinh nhật anh chỉ được tặng mỗi cái bánh.

Hậu vệ phải: Yannick Carrasco

Ở thời điểm 2018 Carrasco quyết định không muốn đá hậu vệ dưới thời Diego Simeone nữa, và anh được Dalian Yifang mua với giá 27 triệu bảng lẫn mức lương 180.000 bảng/tuần. Ngay trong trận đầu tiên ở giải Trung Quốc, Carrasco và các đồng đội bị hạ tơi tả 0-8, và đó là khởi đầu cho 2 năm vật vờ của Carrasco trước khi quay về Madrid.

Tiền vệ: Axel Witsel, Oscar và Alex Teixeira

Cả Chelsea và Oscar đều không tin được tai mình khi Shanghai Shenhua hỏi mua anh với giá 52 triệu bảng kèm mức lương 400.000 bảng/tuần. Oscar không do dự nhận lời, tiền từ hợp đồng đó đủ giúp anh mua Raphael Varane và Ibrahima Konate mà vẫn còn thừa. Ngay cả khi giải Trung Quốc áp đặt trần mức lương cho ngoại binh, Oscar vẫn gia hạn tới năm 2024.

Oscar đến nay vẫn là ngoại binh nổi tiếng nhất Trung Quốc

Oscar là ví dụ Brazil nổi tiếng nhất, nhưng không phải đầu tiên, sẵn lòng sang Trung Quốc dù đang đá ở châu Âu ở độ tuổi trẻ trung. Teixeira chính là người sở hữu kỷ lục chuyển nhượng châu Á trước Oscar khi được Jiangsu Suning mua với giá 38 triệu bảng từ Shakhtar Donetsk, trong khi Liverpool chỉ muốn trả 24 triệu bảng. Lương của anh cũng khiến đồng nghiệp phát thèm: 385.000 bảng/tuần.

Trong khi đó Witsel về Tianjin Quanjian khi mới 27 tuổi, với kế hoạch là đá 3 năm ở Trung Quốc rồi trở lại châu Âu, do mức lương gần 300.000 bảng/tuần. Rốt cuộc Witsel chỉ ở Trung Quốc 1 năm rưỡi, và điều đó không hề ảnh hưởng gì tới sự nghiệp của anh vì sau đó anh đá cho Dortmund và Atletico, cũng như chạm mốc 130 trận ở ĐT Bỉ.

Tiền đạo phải: Roberto Rivellino

Ngược dòng thời gian, năm 1970 Rivellino đang đá cho Corinthians và là thành viên trụ cột của đội hình Brazil vĩ đại vô địch World Cup. 8 năm sau ông đặt chân đến Riyadh để gia nhập Al Hilal với tư cách đương kim đội trưởng của ĐT Brazil, và đó là lần đầu tiên bóng đá Saudi Arabia chiêu mộ một ngôi sao quốc tế, tất cả bắt nguồn từ việc nước này phải chứng kiến Iran trở thành đội tuyển Tây Á đầu tiên dự World Cup.

Rivellino là danh thủ lớn đầu tiên đến thi đấu ở Trung Đông, vào năm 1978

Thời tiết gây nhiều cản trở nhưng Rivellino được trả rất hậu và được tặng riêng một chiếc Mercedes khiến ông ngỡ như mình đang mơ. Trong 3 năm Rivellino đưa Al Hilal tới 1 chức vô địch quốc gia và 1 Cúp nhà Vua, trong đó danh hiệu vô địch Saudi Arabia đạt được với thành tích gần như bất bại cả mùa (thua đúng vòng cuối cùng khi cúp đã về tay từ lâu).

Tiền đạo trái: Carlos Tevez

Tevez vốn đã nhiều tiền sau những năm ở Ngoại hạng Anh và Italia nhưng vẫn gật đầu về Shanghai Shenhua của Trung Quốc và trở thành một trong những cầu thủ lương cao nhất thế giới (được đồn là gần 40 triệu bảng/năm nhưng bản thân Tevez khẳng định thực tế không phải vậy). Có điều anh tự nhận mình trong 1 năm ở đó như đi du lịch chứ không phải làm việc, và bị báo giới chỉ trích thừa cân.

Trung phong: Gabriel Batistuta

Năm 2003 Batistuta đã 34 tuổi nhưng vẫn là tiền đạo được cả châu Âu khiếp sợ tới mức MU và Fulham có sự quan tâm dành cho anh. Nhưng sau khi rời Roma trung phong người Argentina gây bất ngờ khi chuyển tới Al Arabi ở Qatar, lúc đó còn chưa ai biết các CLB Qatar trả lương rất nhiều cho ngoại binh đến thi đấu. Thậm chí Al Arabi lúc đó là một CLB lớn đang sa sút nên hy vọng Batistuta sẽ giúp họ trở lại đỉnh cao.

Batistuta năm 2003 sang Qatar và lập tức phá kỷ lục ghi bàn của giải VĐQG nước này

Batistuta ký hợp đồng 2 năm với mức lương 5 triệu bảng/năm và “Batigol” không đến để nghỉ hè, anh mất chỉ 12 phút để ghi bàn đầu tiên ở giải đấu mới và mùa đầu tiên phá kỷ lục ghi bàn của giải VĐQG Qatar. Dù không giành được danh hiệu nào sau hơn 1 năm ở đó, Batistuta rất được yêu mến và năm 2009 anh được mời làm đại sứ cho chiến dịch đăng cai World Cup 2022 của Qatar.

Q.D

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/the-thao/doi-hinh-tieu-bieu-sao-chay-theo-dong-tien-ronaldo-benzema-chi-la-ke-di-sau-c28a56612.html