Đòi hỏi những bước đi cụ thể

Thúc đẩy hoạt động sáng tạo không thể không nói đến nghệ sĩ, cụ thể là những cơ chế cần thiết để tạo dựng môi trường làm nghề tích cực cho lực lượng này. Trong đó, có việc phát huy Không gian văn hóa sáng tạo - nơi thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ đồng thời cũng là địa chỉ văn hóa hấp dẫn cho một đô thị; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghệ sĩ trẻ; nguồn lực đầu tư cho các dự án... Tất cả đòi hỏi những bước đi cụ thể và tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của xã hội với nghệ sĩ và hoạt động đặc thù này.

Phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Hồ Điệp

Phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Hồ Điệp

Vẫn dựa vào mình là chính

Không gian sáng tạo được coi là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo và công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, tại Hà Nội, hàng chục không gian sáng tạo tập trung ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công... hiện đều đang hoạt động tự do và có quy mô nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các thể nghiệm sáng tạo trong nghệ thuật này đều được thành hình thông qua hai nguồn kinh phí, đó là kinh phí cá nhân nghệ sĩ và từ các quỹ tài trợ. Nguồn kinh phí từ cá nhân nghệ sĩ thì luôn hạn hẹp còn nguồn từ các quỹ tài trợ thì hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài.

Giám đốc nghệ thuật Heritage Space - ông Nguyễn Anh Tuấn đã nhận định, tại Hà Nội, chỉ có một số ít không gian văn hóa sáng tạo được bảo trợ, như về nghệ thuật thị giác thì có VICAS Art Studio tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA; về kiến trúc có Think Playground, về phim có Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD... Có khá nhiều không gian văn hóa sáng tạo phải tự túc kinh phí như “Ơ kìa Hà Nội”, “Tổ chim xanh”, “Chula”, “Kilomet 109, “VỤN art”, “Tò He”...

Còn nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly - Giám đốc Hanoi Grapevine từng bộc bạch, không gian nghệ thuật thử nghiệm Sàn Art và Nhà Sàn Collective sống được cũng là nhờ vào các nguồn tài trợ cho các dự án mà họ thực hiện, và toàn bộ tiền tài trợ mà họ nhận được đều dành cho các nghệ sĩ làm tác phẩm, quảng bá triển lãm tác phẩm.

Không tìm được nguồn hỗ trợ ít ỏi từ các tổ chức nước ngoài, các nghệ sĩ lĩnh vực sáng tạo thường thường phải tự loay hoay bằng chính nguồn kinh phí cá nhân và câu chuyện mặt bằng chính là vấn đề nan giải nhất đối với các nghệ sĩ. Giữa tháng 3-2021, thông tin “Ơ kìa Hà Nội” bị lấy lại mặt bằng, khiến những người yêu mến không gian sáng tạo này không khỏi tiếc nuối. Đây là lần thứ 3 “Ơ kìa Hà Nội” chuyển địa điểm kể từ khi được thành lập (tháng 1-2018). Trước đó, đầu tháng 1-2021, cùng một lý do trả lại mặt bằng, khu tổ hợp sáng tạo “60S Thổ Quan” phải tuyên bố đóng cửa, dừng hoạt động sau 3 năm hình thành...

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh nhận xét, hầu hết không gian sáng tạo do các nghệ sĩ gây dựng đều có nguồn kinh phí eo hẹp, trong khi chi phí thuê mặt bằng ở Thủ đô lại rất cao, chính sách ưu đãi, bảo hộ dành cho các mô hình mang đặc tính phục vụ lợi ích cộng đồng như không gian sáng tạo còn chưa nhiều, dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của không ít không gian sáng tạo có chu trình rất nhanh...

Đạo diễn Nguyễn Hàng Điệp trong một sự kiện tại "Ơ kìa Hà Nội"

Không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội”.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng khẳng định: “Sự ra đời của các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay chủ yếu xuất phát từ ý tưởng của cá nhân hoặc một nhóm có chung đam mê với nguồn kinh phí tự túc. Việc lên ý tưởng cho các chương trình hoạt động phụ thuộc vào điều kiện, năng lực chủ quan của người đứng đầu và hiện đang thiếu cơ chế, chính sách quản lý vận hành mang tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, phần lớn các địa điểm, không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật được thuê mượn hoặc do cá nhân tự cải tạo từ khuôn viên, không gian cư trú của chính gia đình mình (sân vườn, ban công, tầng thượng của khu tập thể cũ...). Các không gian sáng tạo tập trung ở các đô thị, thành phố lớn... với tiền thuê mặt bằng thường vượt quá khả năng của những người làm nghệ thuật...”. Bên cạnh đó, hiện hầu hết các không gian sáng tạo vẫn phải vận hành và đóng thuế như doanh nghiệp bình thường. Nghĩa là cùng một lúc không gian sáng tạo đóng nhiều vai.

Ở một khía cạnh khác, cũng chính vì thiếu sự quan tâm và những cơ chế tương xứng cho những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đã khiến nhiều nghệ sĩ trẻ ngần ngại theo đuổi con đường này, gây nên sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết: “Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu lao động của xã hội để phát triển các ngành kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp sáng tạo”...

Nhìn nhận đúng vai trò của nghệ sĩ

Một tín hiệu tích cực cho thấy những người làm chính sách đã quan tâm hơn tới các không gian sáng tạo khi những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đến việc tạo điều kiện để các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, với những chủ trương như: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy kết nối, tương tác trong hoạt động, phát triển của không gian sáng tạo... Đặc biệt, từ sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Thủ đô tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa những cam kết đã đề ra trong hồ sơ gia nhập mạng lưới, trong đó có việc xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo.

“Để giải quyết những khó khăn của không gian sáng tạo, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó, rõ ràng là không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như doanh nghiệp bình thường, vì đặc điểm của các mô hình này là mang tính thử nghiệm và hướng tới cộng đồng. Cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, thuế; xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng...”, đó là những chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn (khi đó là Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) tại Lễ phát động cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Nói cách khác, vị thế của người nghệ sĩ cần được coi trọng hơn, cho họ một cơ chế đặc thù, những ưu đãi đặc thù thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm cơ hội phát triển.

Không gian sáng tạo nghệ thuật tại Manzi.

Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ sáng tạo kế cận cũng rất quan trọng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Đại học Văn hóa Hà Nội), công tác đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như lối dạy "tầm chương trích cú", nặng về lý thuyết, hàn lâm, chậm đổi mới khiến cho môn học trở nên khô khan, thiếu không gian để sinh viên tranh luận, đề xuất ý tưởng nghiên cứu mới... Để thúc đẩy tư duy sáng tạo của sinh viên, mỗi trường học cần xây dựng, nuôi dưỡng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo của lực lượng này; đề cao vai trò của giảng viên, phát huy hơn nữa tư duy của người học trong quá trình dạy - học, thực hành nghệ thuật.

Cuối cùng, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực sáng tạo của chủ thể sáng lập, điều hành cũng như các thành viên trong không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, mỗi nghệ sĩ, trí thức cần không ngừng trau dồi năng lực, phẩm chất, phát huy tài năng đồng thời ra sức học tập, nâng cao vốn văn hóa, vốn hiểu biết về nền văn hóa dân tộc cũng như văn hóa, kinh nghiệm của nước ngoài... Bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, sức sáng tạo dồi dào, tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, người nghệ sĩ sẽ tìm được hướng đi riêng để cùng các ngành nghề, lĩnh vực, các không gian sáng tạo khác đưa đất nước ngày càng phát triển...

Hoàng Lan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1022921/doi-hoi-nhung-buoc-di-cu-the