Đời lán trại

Bốn tháng nữa, đại lộ Đông Tây, công trình giao thông lớn nhất TP HCM, sẽ hoàn thành, hàng trăm công nhân sẽ tạm biệt lán trại để theo công trình mới hoặc về quê. Tương lai của họ có tươi sáng hơn những ngày chui rúc trong lán đầy bụi và muỗi, trong khi đám trẻ con mặt buồn rười rượi vì nhớ lớp?.

Thời gian đầu thi công, dọc đại lộ Đông Tây có rất nhiều lán trại, mỗi lán tập trung hàng trăm công nhân. Giờ chỉ còn 3 lán liền nhau gần cầu Nguyễn Tri Phương, quận 5, mỗi lán có khoảng 20 - 40 công nhân. Nóng và muỗi Trưa hè, đại lộ Đông Tây nóng hầm hập. Thỉnh thoảng, một chiếc xe tải vút qua để lại khói bụi mịt mù. “Mấy hôm nay là đỡ rồi, tháng trước nóng hơn nhiều. Uống bao nhiêu nước cũng không đỡ khát. Đợi tan ca tầm 5 giờ chiều là ai nấy chạy ào về cái giếng nước khoan để dội nước, mặc cho sau đó phải gãi tưng bừng, vì nước giếng nhiễm phèn”, anh Huỳnh Văn Đức, công nhân lán số 1, nói. Lán số 1 tập trung công nhân quê ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), lán giữa có nhiều người quê ở huyện Tam Bình hoặc Bình Minh (Vĩnh Long), còn lán cuối - nơi ẩm thấp, chật chội, thiếu khí nhất - là “liên hợp quốc” với công nhân đến từ Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh… “Khu lán này kín nên cũng bí lắm, nước đọng, muỗi sinh sôi. Trẻ con liên tục bị sốt xuất huyết”, ông Huỳnh Hữu Thành, cư dân lán đầu tiên, chép miệng. Người nông dân 59 tuổi quê ở Bình Minh này từng theo nhiều công trình để kiếm tiền nuôi mẹ già, trong khi ở nhà, mùa màng thất bát thường xuyên. Dừng chân ở đại lộ này, dù nắng, gió nhưng ông lấy làm mừng, vì “gần trung tâm, có điện, tối buồn nhớ quê thì bắt đài nghe cải lương, còn sướng hơn nhiều với công nhân ở những công trình heo hút”. Lương thợ phụ của ông là 80.000 đồng/ngày, chỉ đủ để gửi về cho mẹ già 80 tuổi mỗi tháng 300.000 đồng vì ở đây cái gì cũng tốn tiền, nước uống cũng phải mua 8.000 đồng một bình. Học hành dang dở Nam công nhân thường mang theo cả gia đình. Chia cực với cha mẹ, bọn trẻ ở lán cũng phải vật lộn mưu sinh. Trừ Nguyễn Thị Tuyết, 8 tuổi và Trần Ngọc Du, 12 tuổi là lớn tuổi nhất khu lán công nhân, các em còn lại 6 - 7 tuổi và mỗi bé một việc. Với Tuyết thì buổi sáng trông 2 em, trưa nấu cơm, giặt đồ rồi lượm ve chai gần đó. Với cậu bé Phong 7 tuổi thì lưng cõng em 7 tháng tuổi, hai tay dắt 2 đứa em còn lại. Ở khu lán trại, việc học của lũ trẻ chỉ có trong câu chuyện của những người lớn lưng áo bết mồ hôi, và trong giấc mơ thường nhật của con cái họ. “Con không thích nhặt ve chai đâu. Con nhớ trường với bạn ở quê, con thích làm cô giáo”, bé Tuyết nói, giọng buồn buồn. Mẹ bé là chị Minh cũng buồn không kém. Chị nhớ ngày xin cô giáo cho Tuyết nghỉ học, con bé bám chặt thành bàn, khóc ròng xin mẹ cho học tiếp. Với cậu bé Du, giấc mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bà nội đã tan tành. Đang học lớp 5, em phải bỏ học theo ba đến lán và giờ bán vé số, phụ ba mẹ nuôi em. Câu chuyện với các em dừng nửa chừng vì cơn mưa bất chợt. Bọn trẻ nháo nhào chạy hứng nước. Tấm bạt làm vách che không chịu nổi cơn gió mạnh, bay phần phật. Em bé con chị Mai ở ngăn kế bên run cầm cập. Bữa cơm chiều với rau muống luộc và cá khô hoãn vô thời hạn vì mưa... Phong Khê

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Doi-lan-trai/20105/94863.datviet